Xăng tăng giá chưa ảnh hưởng đến giá hàng hóa do sức mua yếu

Thúy Hải
Xăng tăng giá chưa ảnh hưởng đến giá hàng hóa do sức mua yếu

(SGGP).- Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê TPHCM công bố vào ngày 21-5 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5-2015 của TP tăng 0,3% so với tháng trước. Đây là tháng thứ ba liên tiếp CPI của TPHCM tăng, sau khi giảm 5 tháng liền trước đó. Nhưng nếu so sánh với cuối năm 2014, CPI tháng 5 của TPHCM vẫn giảm tới 0,39% và chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ.

Theo đó, trong 11 nhóm hàng hóa cơ bản trong rổ tính CPI, có 4 nhóm hàng tăng, trong đó nhóm giao thông dẫn đầu bảng với mức tăng 1,05%, kế đến là nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,1%, nhóm dịch vụ văn hóa giải trí, du lịch tăng 0,07%, nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,02%. Các nhóm còn lại đều giảm hoặc đứng yên so với tháng 4.

Người tiêu dùng chọn mua các mặt hàng rau củ quả với giá bán ổn định tại siêu thị Co.opMart.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngay sau khi Liên bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giá xăng tăng 1.950 đồng/lít vào ngày 5-5, đến ngày 20-5 tiếp tục tăng 1.200 đồng/lít đã tác động trực tiếp đến cước vận tải, đặc biệt là giá taxi. Điều này có thể lý giải, nhóm giao thông dẫn đầu mức tăng trong tháng này. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhiều siêu thị khẳng định giá bán tất cả các mặt hàng đều ổn định. Đến nay, chưa có bất cứ nhà cung cấp nào gửi yêu cầu điều chỉnh giá bán. Không chỉ ổn định giá bán, hiện nhiều siêu thị trên địa bàn TP cũng đang ráo riết thực hiện các chương trình khuyến mãi trong tháng 5 để kích cầu tiêu dùng, do sức mua vẫn yếu.

Tại khu vực các chợ bán lẻ như Nguyễn Đình Chiểu, Văn Thánh, Bà Chiểu, Tân Sơn Nhất…, giá bán các mặt hàng vẫn rất ổn định. Vợ chồng chị Thoa, anh Bình, bán mặt hàng rau củ quả tại chợ Văn Thánh cho biết, đã lâu lắm rồi họ không quan tâm đến việc nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu. Nếu bán hàng mà chỉ nhìn vào ngắn hạn, “té nước theo mưa” như trước đây thì sẽ khó đảm bảo doanh số. Cách tốt nhất, nên cơ cấu lại các nhóm hàng sao cho đỡ hao hụt, tăng số lượng bán hàng hoặc chấp nhận lấy lãi bù vào phần tăng thêm của giá xăng để giữ khách.

Về phía các doanh nghiệp (DN) sản xuất, theo tính toán của tổng giám đốc một DN chuyên sản xuất thực phẩm chế biến và thịt gia súc tươi sống, giá xăng hiện chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng cơ cấu giá thành sản phẩm. Vì vậy, DN này không quan tâm quá nhiều đến giá xăng. Điều quan trọng là DN phải có chiến lược xây dựng nguồn nguyên liệu, đảm bảo tốt cho sản xuất. Đặc biệt, trong thời điểm sức mua còn rất yếu, nếu nhà nước cho công ty điều chỉnh giá, chúng tôi cũng không dám vì tăng giá cũng đồng nghĩa với “tự sát”!

Cùng quan điểm trên, ông Trần Bá Dũng, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty May túi xách Hương Mi, cho biết giá xăng chắc chắn sẽ đội chi phí vận chuyển tăng theo. Nhưng DN cũng không thể “căng” theo giá xăng để điều chỉnh giá bán hàng hóa là không nên, vì như vậy sản phẩm của DN sẽ kém sức cạnh tranh. “Kinh tế còn nhiều khó khăn, DN phải chủ động xây dựng các kế hoạch sản xuất dài hạn để ổn định giá bán mới có thể tồn tại và phát triển”, ông Trần Bá Dũng nói.

Theo nhận định của nhiều DN, việc giá xăng tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tác động đến giá cả tiêu dùng. Tuy nhiên, không phải cứ xăng tăng giá là hàng hóa tăng giá, mà mỗi ngành hàng đều phải có độ trễ nhất định, cũng như tác động nhiều hay ít. Hiện các siêu thị đang phối hợp chặt chẽ với nhà cung cấp để kiểm soát giá cả hợp lý để bảo vệ sức mua. Chỉ khi nào không thể cầm cự nổi, DN mới tính đến việc điều chỉnh giá theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng.


Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục