Bất động sản - Sôi động nhờ... mua bán dự án

Bất động sản - Sôi động nhờ... mua bán dự án

Từ khi thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu hồi phục, tuy chủ đầu tư mới xuất hiện không nhiều nhưng dự án mới chào bán lại xuất hiện liên tục. Tình trạng mua bán dự án diễn ra hết sức sôi động…

Xuất hiện “siêu nhân” mới

Sự khuấy động thị trường BĐS trong chu kỳ mới chỉ tập trung vào rất ít doanh nghiệp, xuất phát từ việc mua - bán dự án. Xu hướng phát triển này đi kèm với cách làm rất mới. Trước đây, bán lẻ xong dự án này thì mới mở bán dự án tiếp theo, nhưng nay lại khác: Cùng một thời điểm, chủ đầu tư vừa quản lý - xây dựng - bán hàng đối với hàng chục dự án; đội ngũ bán hàng riêng biệt chứ không thuê các công ty môi giới. Với kiểu làm như vậy, thị trường BĐS đã hình thành các “siêu nhân”, ví dụ như hai trường hợp dưới đây.

Trở lại câu chuyện dự án Thảo Loan Plaza, khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh) mà Báo SGGP từng đề cập. Khởi điểm, khu đất có 7 lốc chung cư chưa xây, cùng với một lốc chung cư dở dang đã bán cho khách hàng, do Công ty BĐS Thảo Loan làm chủ đầu tư. Sự việc lùm xùm nổi lên vào năm 2013 khi khách hàng kéo nhau kiện tụng chủ đầu tư không chịu giao nhà. Lúc đó mới biết chủ đầu tư mất khả năng chi trả, bán công ty lòng vòng. Đặc biệt, vì sợ xảy ra phức tạp, Ngân hàng Agribank Sài Gòn đã căng băng rôn tại dự án khẳng định đang “thụ lý” dự án, nếu có sang nhượng căn hộ phải đăng ký với ngân hàng. Lý do, Công ty BĐS Thảo Loan đã thế chấp dự án vào ngân hàng từ năm 2008 lấy 534 tỷ đồng, 4 năm sau lãi suất gần 200 tỷ đồng.

Hiện nay toàn bộ dự án được phủ rào tôn, thông tin dán dọc theo tường rào cho thấy: Công ty cổ phần Địa ốc Hưng Thịnh là nhà phát triển dự án, đang tiến hành mở bán. Thương vụ này được xử lý như thế nào? Lãnh đạo Agribank Sài Gòn cho biết, sau khi mở đấu giá, nhiều phiên điều chỉnh giảm giá thì khu đất được Công ty Đức Tâm mua với giá 603 tỷ đồng. Chủ đầu tư mới có trách nhiệm xây dựng hoàn thiện khu chung cư dang dở để bàn giao cho khách hàng.

Đây là một trong 10 dự án mà Hưng Thịnh đã lên kế hoạch phát triển trong năm nay. Cách nay khoảng 5 năm, Hưng Thịnh là một doanh nghiệp “mới toanh” trên thương trường, nhưng thông qua việc chuyển nhượng hoặc hợp tác phát triển dự án, hiện nay Hưng Thịnh đã bắt đầu có tên tuổi trong làng BĐS TPHCM, đã và đang phát triển trên 20 dự án. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng đầu tư công ty, cho biết lợi nhuận đầu tư vào BĐS không nhiều, nhưng làm sống lại được nhiều dự án, giải quyết nhu cầu nhà ở bức thiết của xã hội.

Một khu chung cư cao cấp ở quận 7, TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG

Có lẽ lớn mạnh nhanh nhất là Công ty cổ phần Novaland. Một thời gian dài “ngụp lặn” với dự án Sunrise City (quận 7) do thị trường đóng băng, cuối cùng dự án cũng đang về đích. Sau khi thoát khỏi “cục xương” này, năm 2013 công ty mua lại và phát triển một lúc 3 dự án, khiến cả thị trường ngỡ ngàng, bởi lúc đó thị trường BĐS vẫn đang đóng băng... lạnh ngắt, đó là Galaxy 9, Icon 56 (quận 4) và Lexington (quận 2).

Đi ngược dòng thành công, 3 năm sau Novaland trở thành một doanh nghiệp BĐS có “số má” của TPHCM, phát triển trên 50 dự án, có mặt tại hầu hết các quận trung tâm thành phố. Chẳng hạn tại quận 4 phía tiếp giáp với bờ sông về quận 1, hiện nay Novaland đã và đang triển khai 4 dự án: Galaxy 9, Icon 56, Tresor, River Gate. Dấu ấn mới nhất là hợp tác phát triển khu đất “kim cương” 6.000m² tại địa chỉ 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (quận 1) do Sabeco quản lý.

Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland, cho biết Novaland luôn mong muốn là doanh nghiệp của thành phố am tường nhu cầu về nhà ở và có chiến lược phát triển cung cấp hợp lý.

Giải phóng tồn kho, nợ xấu

Có một điều rất lạ, trong khi hầu hết các thị trường đều bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm, nhưng lĩnh vực BĐS thì ngược lại. Nhận xét từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM tổng kết năm 2015 như sau: “Một kết quả đáng mừng là các doanh nghiệp BĐS Việt Nam đang thống lĩnh thị trường BĐS, kể cả trong hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, chứ không phải là doanh nghiệp nước ngoài. Đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển BĐS trong nước lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính, sản phẩm đa dạng để dẫn dắt thị trường và hợp tác bình đẳng với bên nước ngoài”.

Sự mua bán dự án vừa làm cho thị trường sôi động, tạo dựng nên nhiều quỹ nhà, nhưng đặc biệt sẽ giải phóng tồn kho, nợ xấu BĐS. Hiện nay, TPHCM có 1.219 dự án phát triển BĐS với quy mô 4.921,5ha, tương ứng với 315.506 căn hộ (tính gộp cả 502 dự án chưa khởi công và dự án tạm ngưng triển khai). Rõ ràng, nguồn cung dự án thật dồi dào, là cơ hội cho những ai thông thạo thị trường, dám đương đầu với thử thách, bởi thị trường BĐS luôn trắc trở, khó lường...

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục