Thơ Tố Hữu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Trong gia sản thơ ca đồ sộ của nhà thơ Tố Hữu, có rất nhiều bài thơ xuất sắc viết về Đảng, Bác Hồ, viết về những người chiến sĩ cách mạng, trong đó có những bài viết về một người bạn, một người đồng chí, đồng hương, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và quân đội ta: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chính ủy quân giải phóng miền Nam, người “mãi mãi là hình ảnh cao đẹp về một người cộng sản Việt Nam, một vị tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn của quân đội ta, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” (Lời của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười).
Thơ Tố Hữu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Trong gia sản thơ ca đồ sộ của nhà thơ Tố Hữu, có rất nhiều bài thơ xuất sắc viết về Đảng, Bác Hồ, viết về những người chiến sĩ cách mạng, trong đó có những bài viết về một người bạn, một người đồng chí, đồng hương, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và quân đội ta: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chính ủy quân giải phóng miền Nam, người “mãi mãi là hình ảnh cao đẹp về một người cộng sản Việt Nam, một vị tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn của quân đội ta, nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” (Lời của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười).

Làng của Tố Hữu và làng của Nguyễn Chí Thanh đều nằm bên sông Bồ thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Từ đây, cả hai đi tham gia cách mạng, đều phải trải qua nhiều năm tháng tù đày trong lao tù của thực dân Pháp, mà bắt đầu là lao Thừa Phủ giữa lòng thành phố Huế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ quân đội 1960. Ảnh: T.L.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ quân đội 1960. Ảnh: T.L.

Tố Hữu kể: “Trưa nào trong lao tù, cũng nghe anh (Thanh) hát những câu hò đồng quê man mác, như: “Hết mùa thóc rã rơm khô/Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm”...”. Tôi đã viết tặng anh bài thơ Nhớ đồng: “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/Hiu quạnh bên trong một tiếng hò...”. Tâm trạng của anh cũng chính là tâm trạng của tôi. Thỉnh thoảng nghe anh ngâm bài thơ ấy, tôi rất xúc động. Ở đời tri âm là thế đó…”.

Có thể nói, đây là bài thơ đầu tiên trong đời Tố Hữu làm tặng người bạn Nguyễn Chí Thanh. Nó được ra đời ngay trong lao tù đế quốc hết sức nghiệt ngã, nó nâng tầm đôi bạn này ngoài tình bạn, tình đồng hương, đồng chí... còn là tình tri âm tri kỷ mãi mãi về sau trong đời.

Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ và Bộ Chính trị trực tiếp cử vào miền Nam chiến đấu. Buổi tiễn bạn lên đường, Tố Hữu với tư cách một người bạn, một nhà thơ, đồng thời cũng là một Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, đã có bài thơ “Tiễn đưa” đầy xúc động:

Đưa tiễn anh đi mấy dặm đường
Nặng tình đồng chí lại đồng hương
Đã hay đâu cũng say tiền tuyến
Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường...

Lời thơ cổ kính, thể thơ cổ điển (Tố Hữu rất ít làm thơ theo thể thất ngôn bát cú), nhuốm phong vị cổ xưa, thiêng liêng và cũng rất oai hùng như một bản tráng ca. Vì lý do bí mật, khi ấy nhà thơ chỉ dám ghi: “Tặng bạn thơ Th.”, nhưng những ai đọc, đều thầm hiểu “bạn thơ” đây là một người “tầm cỡ” ra trận, một người ra đi mang sứ mệnh non sông đất nước: “Đi đi non nước chờ anh đó”.

Nhà thơ Tố Hữu ghi lại: “Năm 1967, anh Nguyễn Chí Thanh trong Nam ra, báo cáo tình hình... Bộ Chính trị Đảng ta đi đến quyết định Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 68, đánh vào thành phố, đô thị và giao cho anh Thanh chỉ huy.

Sau khi họp bàn xong, anh Thanh được lệnh trở lại miền Nam. Trước khi  lên đường, anh ghé thăm tôi. Lúc ra về, anh bắt tay tôi: “Thôi, mai tao đi nhé”. Không ngờ tối hôm ấy anh qua đời, vì bị nhồi máu cơ tim. Khi cơn đau dữ dội, đưa anh vào Bệnh viện Việt Xô cấp cứu thì đã quá muộn. Cái chết của anh Thanh là một tổn thất lớn của Đảng ta, nhất là vào thời điểm quan trọng này. Tôi đã viếng anh bằng bài thơ “Một con người”:

Tưởng lại đưa anh ra chiến trường
Đường về, vó ngựa thẳng dây cương
Ngày mai… ai biết chiều nay phải
Vĩnh biệt anh nằm dưới bóng dương…”.

Nhà thơ Tố Hữu viết trong hồi ký: “Anh Thanh là một cán bộ lãnh đạo, một tướng lĩnh rất xuất sắc, quả cảm, táo bạo, xông xáo, rất chân thành và giản dị. Với tôi, anh là người bạn luôn gần gũi, ngay từ những ngày đầu tôi bước vào hoạt động cách mạng. Tôi đã gửi gắm vào bài thơ cả nỗi niềm tiếc thương khâm phục:

Ở đâu nghèo đói gọi xung phong
Lon nước mo cơm lội khắp đồng
Ở đâu tiền tuyến kêu anh đến
Vượt núi băng rừng lại tiến công...

Ôi sống như anh, sống trọn đời
Sáng trong như ngọc một con người
Thanh ơi, anh mất rồi chăng đấy
Cứ thấy như anh nở miệng cười...”.

Đất nước giải phóng, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng, nhà thơ Tố Hữu khi trở về thăm lại quê hương Thừa Thiên - Huế, đi trên mỗi bước đường đã không nguôi nhớ bạn - người đồng chí đồng hương thân yêu - Nguyễn Chí Thanh:

Cơ chi anh, sớm được về bên nội,
Hôn nỗi đau tan nát Phù Lai
Như quê bạn Niêm Phò trơ trụi,
Đạn bom cày cả nương sắn đồng khoai
(Bài thơ quê hương)

…Có lẽ còn hơn như thế, Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh, đôi bạn bên sông Bồ, không chỉ là đôi bạn, đôi đồng chí, mà còn là một đôi tri âm tri kỷ đi vào lịch sử và thơ ca Việt Nam…

TRIỆU PHONG

Tin cùng chuyên mục