Thơ và thi sĩ

Trong cuốn sách nổi tiếng Thi nhân Việt Nam 1932-1941, Hoài Thanh - Hoài Chân nhận xét: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên, rạo rực băn khoăn như Xuân Diệu…”.
Nhà thơ Nguyễn Bính. Ảnh: Tư Liệu
Nhà thơ Nguyễn Bính. Ảnh: Tư Liệu

Hoài Thanh - Hoài Chân còn nhận xét: “Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta”. Hoài Thanh không in thơ và hình như ông không làm thơ, nhưng những nhận xét đánh giá về thơ và các nhà thơ làm mọi người kính phục và nể trọng. Trong số những nhà thơ nổi tiếng, Hoài Thanh đã chọn một Nguyễn Bính để nhận xét “quê mùa như Nguyễn Bính”. Và anh thi sĩ quê mùa ấy sống mãi với thơ ca Việt Nam bằng những vần thơ lục bát dân tộc đằm thắm hóm hỉnh khiêm nhường mà chói lọi. 

Nguyễn Bính trong tôi thật thân thương và thi nhân thi sĩ!

Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mẹ dẫn anh em tôi tản cư, sơ tán. Trên những nẻo đường chạy giặc, cứ buổi chiều nghỉ chân, bà lại hát ru những câu thơ mà sau này tôi biết là của Nguyễn Bính. Lũ trẻ chúng tôi thuộc và hát ru em. Thơ Nguyễn Bính đâu phải chỉ cho người nhà quê vốn khiêm tốn và hiền lành, đâu phải chỉ cho những nhà thông thái nghiên cứu (chữ của Hoài Thanh) mà còn cho cả thị dân, người kẻ chợ, cho bao người chạy giặc tản cư, cho cả người lính ngoài mặt trận.

Chúng tôi thuộc lớp con cháu thi sĩ Nguyễn Bính. Sống trên phố chợ, được ăn học, được đi đánh giặc, được dựng xây đất nước và yêu thơ ca. Trong lòng tôi đầy ắp những câu ca dao của mẹ và đầy ắp những bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính những ngày chưa biết chữ và những đêm mưa tản cư sơ tán buồn.

Trong khu phố tản cư có mái nhà nhỏ của một trí thức từng làm báo Tiếng Dân. Lan “cằm chẻ”, sau này là ca sĩ nổi tiếng, cùng chúng tôi lân la đến xin đọc nhờ sách báo. Tôi đọc được gợi ý của một nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, đại ý, ông khuyên muốn trở thành nhà thơ hãy học thuộc 1/3 của 3.254 câu Kiều. Như bao bà mẹ Việt Nam, mẹ tôi thuộc Truyện Kiều. Đêm đêm, mẹ dạy tôi học thuộc Kiều. Hàng xóm toàn những bà mẹ góa, hoặc chồng đi xa nên các bà các mẹ các chị không chỉ thuộc Kiều mà đặc biệt thuộc thơ Nguyễn Bính. 

Những tiếng ru con, ru em vui vẻ, ai oán, nấc lên: Em ơi em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn mẹ già em thương/ Mẹ già một nắng hai sương/ Chị đi một bước trăm đường xót xa/ Cậy em em ở lại nhà… Cũng là thôi cũng là đành/ Trăm năm lỡ bước riêng mình chị đâu (Lỡ bước sang ngang), hay Cái thuở cô chửa lấy chồng/ Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa/ Lối này lắm bưởi nhiều hoa/ Đi vòng là để qua nhà đấy thôi/ Một hôm thấy cô cười cười/ Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mếch lòng/ Biết đâu cô chả nói chòng/ Làng này khối kẻ phải lòng mình đây… (Qua nhà).

Sau này chúng tôi được biết, ngoài thơ ca dân gian, thơ lục bát có nhiều nhà thơ viết hay như Tản Đà, Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Bùi Giáng… rồi Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân), Thanh Thảo, Vũ Quần Phương… Có một điều thú vị là hầu như các nhà thơ Việt Nam, kể từ phong trào Thơ Mới, trong sáng tác của mình đều có thơ lục bát hoặc vài câu lục bát hay. Nhưng một đời thơ lục bát chân quê như thi sĩ Nguyễn Bính thì không nhiều.

Sức sống của thơ Nguyễn Bính không chỉ ở thể loại thơ, những cảnh sắc và con người chân quê mà còn ở những gửi gắm, vỗ về khuyên nhủ ở triết lý sống làm người… 

Thơ Nguyễn Bính là bếp than hồng bập bùng sưởi ấm và chiếu rọi hồn quê Việt Nam! 

Tin cùng chuyên mục