Thoái vốn, tái cơ cấu DNNN tại TPHCM - Vẫn đứng yên…

Câu chuyện thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của cả nước những năm gần đây đã chựng lại bởi các địa phương không muốn thực hiện vì sợ mất quyền. Sau khi thoái vốn, cổ phần hóa thì nguồn tiền thu được sẽ bị chuyển về Trung ương, khiến các địa phương mất đi quyền quản lý và lợi ích… 

 

Thế nhưng, tại TPHCM, dù được cho giữ lại để tái đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội, nhưng năm qua hoạt động này vẫn chưa chuyển động.
Thoái vốn, tái cơ cấu DNNN tại TPHCM - Vẫn đứng yên… ảnh 1 Công ty Cholimex Food sau khi được nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản hỗ trợ mở rộng thị trường
Ảnh: HÀN NI

 Năm cũ chuyển sang vẫn chậm

Nhìn lại công tác thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thì chỉ giai đoạn 2013-2015 là đạt tỷ lệ cao nhất, thu được hơn 4.700 tỷ đổng, đạt gần 54% so với kế hoạch. Mặc dù các tổng công ty, công ty mẹ - con tích cực triển khai làm thủ tục liên quan đến thoái vốn tại các tổ chức tài chính, tín dụng theo hướng dẫn tại Công văn 1821/NHNN-TTGSNH ngày 25-3-2015 của Ngân hàng Nhà nước về việc thoái vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng và tích cực tìm kiếm đối tác để đảm bảo thực hiện thoái vốn đúng tiến độ, nhưng kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu. Số còn lại phải tiếp tục thoái vốn của giai đoạn này được chuyển sang giai đoạn sau, chủ yếu ở các lĩnh vực như tài chính ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm 9 tỷ đồng, quỹ đầu tư 34 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản 87 tỷ đồng, các lĩnh vực khác 1.300 tỷ đồng… Và trong năm 2016, TP tiếp tục thực hiện thoái vốn theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015 chuyển sang, thu được 2.540 tỷ đồng trên sổ sách nhưng thực tế thu được 3.540 tỷ đồng (tăng 1,4 lần so với giá trị sổ sách). 

Về hoạt động cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2016-2018 có 51 doanh nghiệp phải thoái vốn. Cụ thể, trong năm 2016, UBND TP đã thành lập 45 ban chỉ đạo cổ phần hóa các doanh nghiệp để thực hiện cổ phần hóa 51 doanh nghiệp (vì có 7 doanh nghiệp thành viên cổ phần hóa cùng tổng công ty không thành lập ban chỉ đạo). Tiến độ thực hiện cổ phần hóa đã cơ bản hoàn thành về mặt giấy tờ, gồm thành lập xong ban chỉ đạo cổ phần hóa, quyết định cổ phần hóa và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cho 39/45 doanh nghiệp, quyết định giao tài sản để cổ phần hóa 7/45 doanh nghiệp, công văn chấp thuận chọn đơn vị tư vấn cổ phần hóa 38/45 doanh nghiệp. Riêng năm 2017, UBND TP đã ban hành văn bản số 410/UBND-KT về điều chỉnh kế hoạch thoái vốn của 10 tổng công ty, công ty mẹ 100% vốn nhà nước thuộc thành phố đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013-2015. Thế nhưng, đến nay việc thoái vốn chỉ dừng trên giấy, còn thực tế chưa có đơn vị nào thoái vốn.

Vì sao chậm?

Về thủ tục hầu như hoàn chỉnh nhưng chậm thực hiện trên thực tế là do một số nguyên nhân: việc giao tài sản và công tác chuyển giao tài sản, mặt bằng cho doanh nghiệp cổ phần hóa còn chậm, phức tạp, mất thời gian. Những tài sản là đất đai nằm ngoài địa bàn TPHCM thì phải xin ý kiến cơ quan thẩm quyền tỉnh, thành phố - nơi có tài sản. Ngoài ra, ở một số doanh nghiệp, nhà nước tuy thoái vốn nhưng vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối nên chưa khuyến khích nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần phát hành ra công chúng. Đó là lý do nhiều trường hợp tỷ lệ cổ phần bán ra qua sàn giao dịch chứng khoán so với phương án cổ phần hóa đạt rất thấp (ví dụ Công ty cổ phần Satra Tây Nam chỉ bán được 0,15%, Công ty cổ phần Thương mại Sài Gòn 5 chỉ bán được 0,03%). Mặt khác, một số doanh nghiệp có nhà đầu tư chiến lược có năng lực nhưng lại không phát huy được vai trò, vị trí theo cam kết đối với quy định về nhà đầu tư chiến lược.

Một thực tế nữa trong việc cổ phần hóa các DNNN là cổ đông chiến lược mua cổ phần chỉ “ngắm nghía” đến bất động sản mà doanh nghiệp đó nắm giữ chứ ít quan tâm đến chiến lược phát triển, phương án hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Do vậy, rất ít nhà đầu tư chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuyên ngành sau cổ phần hóa. Từ đó dẫn đến một số doanh nghiệp cơ cấu lại chính sách đầu tư, sản phẩm đã làm thu nhập của người lao động có xu hướng giảm, khiến cho người lao động không làm việc lâu dài. Công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa thời gian qua cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong khi theo phê duyệt tại đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, hầu hết đều đề ra mục tiêu là tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh, vào các dự án thuộc ngành nghề kinh doanh chính; thực hiện các nghiên cứu chiến lược phát triển, đổi mới tổ chức, quản lý, công nghệ, sản phẩm, phát triển thị trường, đào tạo… Trong đó, các đề án không quên đề cập đến tập trung vào đổi mới khoa học công nghệ, máy móc, công nghệ thông tin và đổi mới về bộ máy quản lý, phương thức quản trị, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quản trị trong cơ chế thị trường.

Thế nhưng, các mục tiêu trên rất ít doanh nghiệp đạt được. Thực tế là công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm thay đổi, còn lạc hậu (nhất là các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối trên 50%). Doanh nghiệp sau cổ phần hóa rất ít quan tâm đến vấn đề thay đổi mô hình quản trị cũng như tâm lý “ngại thay đổi” và tiền lương cho quản lý vẫn bị khống chế theo quy định, dẫn đến việc thay đổi mô hình quản trị còn mang tính hình thức, chưa làm thay đổi chất lượng thật sự. Còn đối với những doanh nghiệp mà nhà đầu tư chiến lược nhắm đến thao túng doanh nghiệp thì việc ủy quyền toàn bộ việc quản lý vốn nhà nước thông qua người đại diện còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó kiểm soát, nhất là với các doanh nghiệp cổ phần hóa mà nhà nước không giữ vốn chi phối. Bởi nhà đầu tư chiến lược có thể mua chuộc người đại diện vốn nhà nước để hướng doanh nghiệp đến mục tiêu theo ý cá nhân nhằm thao túng doanh nghiệp. 

Do vậy, bên cạch việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN thì Nhà nước cần ban hành rõ biện pháp chế tài, xác định trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước, trách nhiệm vật chất đối với các đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đơn vị tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa trong trường hợp xác định không đúng giá trị tài sản hoặc phương án cổ phần hóa không có nhà đầu tư tham gia, tỷ lệ cổ phần bán ra không đạt theo phương án phê duyệt.
 Nhiệm vụ, giải pháp cổ phần hóa, thoái hóa vốn giai đoạn 2017-2020
° Có 51 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2017-2018. Trong đó, năm 2017 tập trung hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa DNNN; trường hợp một số doanh nghiệp có khó khăn, vướng mắc, đến cuối 2018 phải hoàn thành. 
° Nghiên cứu hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhằm tách chức năng đại diện vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của TPHCM.
° Lập kế hoạch thoái vốn tại các công ty cổ phần, ngành và lĩnh vực không cần giữ vốn chi phối của nhà nước giai đoạn 2017-2020.
° Triển khai kế hoạch sắp xếp, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty sau khi Chính phủ phê duyệt.
° Thực hiện sắp xếp giải thể, bán, phá sản 11 doanh nghiệp.
° Đối với 31 doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa giai đoạn 2013-2015 phải hoàn thành quyết toán, thực hiện thoái vốn đưa tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ phù hợp với tiêu chí phân loại và hoàn tất việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
° Triển khai thực hiện về chức năng, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Đảng ủy cấp trên cơ sở trong DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối… 

Tin cùng chuyên mục