Thời của kinh tế tri thức

Thời của kinh tế tri thức

Tạm gạt bỏ một số phương thức phát triển kinh tế ì ạch với sự trì trệ và phong cách nghiên cứu khoa học theo kiểu bàn giấy, xu hướng phát triển thế giới hiện đã bước sang giai đoạn bùng nổ của sáng tạo. Ý tưởng và phát kiến chưa bao giờ được xem trọng bằng lúc này (chính xác hơn là trong khoảng một thập niên trở lại đây). Sự phát triển một quốc gia bây giờ không đơn thuần là căn cứ vào mũi tên đi lên trong tỉ lệ GPD mà còn ở mức độ đầu tư cho nghiên cứu-phát triển (R&D).

Phải đổi mới hoặc... tự sát!

Thời của kinh tế tri thức ảnh 1
Tivi LCD 82 inch của Samsung Electronics (thuộc tập đoàn Samsung).

Nhìn khắp các lĩnh vực, có thể thấy sáng tạo và đầu tư cho phát kiến đã đem lại màu sắc mới cho cuộc sống như thế nào, từ năng lượng, sinh học, phần mềm đến nhiều ngành công nghiệp khác. Tờ BusinessWeek đã đưa ra bức tranh so sánh cách đây ¾ thế kỷ, khi con người chưa có thuốc kháng sinh hiệu quả, chưa du lịch bằng máy bay, chưa có truyền hình màu, chưa có máy tính và tất nhiên chưa có liên lạc di động.

Những cuộc cách mạng liên tục trong công nghiệp đã làm lột xác đời sống hành tinh. Cụ thể, nhờ hỗ trợ kỹ thuật, công nhân hiện nay đã tung ra xuất lượng nhiều hơn so với cách đây vài thập niên (xuất lượng mỗi giờ công lao động ở Mỹ hiện tăng gần gấp 5 so với cách đây 75 năm và tăng trung bình 2%/năm).

Miệt mài nghiên cứu và ứng dụng là tác nhân đem lại bộ mặt mới cho xã hội, trong đó sáng tạo là điều kiện cần thiết số một. Các công trình nghiên cứu được ấn hành cũng tăng 40% từ năm 1988. Nói theo BusinessWeek, mức độ và con đường của sáng tạo như thế nào sẽ đóng vai trò tiên quyết cho tương lai kinh tế thế giới. Trong thực tế, một xã hội sáng tạo thậm chí quan trọng cho phát triển hơn cả tỷ lệ vốn đầu tư.

Từ năm 1995 đến nay, sự chia sẻ trong xuất lượng quốc gia cho đầu tư doanh nghiệp tại Mỹ đạt trung bình 11,3% - gần tương đương so với hai thập niên trước (thấp hơn so với Nhật). Tuy nhiên, xuất lượng của Mỹ vẫn bùng nổ, nhờ ứng dụng kỹ thuật mới. Sự phát triển phi mã, đặc biệt kỹ thuật ứng dụng, của Trung Quốc và Ấn Độ, cũng là nhờ chính sách hợp lý cho R&D.

Nói cách khác, sáng tạo là chìa khóa của thành công. Hãy thử nhìn lại phát kiến thẻ tín dụng. Được Ngân hàng tập đoàn Hoa Kỳ (Bank of America Corp) tung ra năm 1958, thẻ tín dụng đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt sinh hoạt cộng đồng với tính tiện ích của nó (mà đến nay một số nước mới bắt đầu áp dụng!).

Thử nhìn vài công ty tạo ra đột phá nhảy vọt về điển hình của thành công doanh nghiệp, có thể thấy phần lớn bài học thành công đều dựa vào nền tảng sáng tạo. Samsung không phải là nơi chế ra điện thoại di động nhưng hiện là hãng điện thoại di động linh hoạt nhất thế giới với hàng loạt thay đổi mẫu mã (100 mẫu mới/năm – so với hơn 20 của Nokia).

Samsung cũng không làm giấy khai sinh cho kỹ thuật điện thoại di động CDMA (mà là Qualcomm của Mỹ) nhưng hãng này đã thành công trong việc thương mại hóa CDMA khắp châu Á (tại thị trường Việt Nam, với sản phẩm S-fone). Việc Samsung đạt doanh thu gấp đôi kể từ năm 1999 và lợi nhuận tăng 20 lần rõ ràng không chỉ nhờ kỹ thuật tiếp thị mà còn ở sự hấp dẫn của sản phẩm mà điều này chỉ có được nhờ các bộ não sáng tạo trong bộ phận thiết kế.

Năm 2007, Samsung đã chính thức soán ngôi của Motorola để trở thành hãng điện thoại di động thứ hai thế giới sau Nokia với thị phần toàn cầu tăng 3% năm 2006 và doanh số 2007 có thể đạt đến 160 triệu chiếc, tăng 40% so với 2006 (News Factor 28-12-2007).

Như Newsweek kết luận, Samsung là công ty số một thế giới hiện nay về sự khai thác hiệu quả cuộc cách mạng kỹ thuật số, dù kỹ thuật số không được đốt đuốc tiên phong ở Hàn Quốc mà là ở Mỹ và Nhật. Newsweek cho biết thêm, hiện gần ¼ trong 88.000 công nhân Samsung là lực lượng nghiên cứu (một tỷ lệ cực cao!) với số tiến sĩ là 1.500 người. Nhà đầu tư Paul Vais thuộc hãng Apax Partners (Mỹ) thậm chí nói rằng “dân Hàn Quốc đang thống trị trái đất” và rằng Samsung đã áp dụng thành công học thuyết tiến hóa trong sản xuất.

Thông thường, các công ty điện tử tiêu dùng – ví dụ Sony – luôn hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ. Tuy nhiên, tại Samsung, người ta hô hào cạnh tranh – càng quyết liệt càng tốt – giữa bốn bộ phận chính (bán dẫn, truyền thông kỹ thuật số, viễn thông và màn hình phẳng). Sự thôi thúc cạnh tranh đã đem đến kết quả ngày càng có nhiều sáng tạo mới.

Cuộc thi (nội bộ hãng) gần đây giữa nhóm camera kỹ thuật số với nhóm camera quay băng từ đã đưa đến sự ra đời sản phẩm DuoCam. Cơn sốt sáng tạo không mệt mỏi đã giúp Samsung tung 30.000 sản phẩm mới vào năm 2002, so với 18.000 sản phẩm vào hai năm trước đó.

Từ ý tưởng đến thực thi

Có thể nhắc đến diễn đàn các nhà lãnh đạo mang chủ đề sáng tạo do hãng IBM tổ chức tại Rome (Ý) vào đầu tháng 4-2006. Trong ngày đầu tiên, thành phần khách mời được chia thành nhóm nhỏ  đi tham quan Viện bảo tàng Vatican, trong đó có bức bích họa để đời của Michelangelo trong nhà nguyện Sistine.

Họ nhấm nháp cocktail ngoài hàng lang ở phía sau nhà thờ St. Peter rồi ăn tối trong đại sảnh đầy tượng cẩm thạch bên trong Vatican. Còn nơi nào tốt hơn nước Ý để tổ chức một hội thảo về sáng tạo! Chẳng phải nước Ý là nơi khai sinh phong trào Phục hưng – giai đoạn hưng thịnh của bùng nổ phát kiến và thay đổi – đó sao! Hôm sau, tại Auditorium Parco della Musica, 500 giám đốc điều hành (CEO), viên chức nhà nước cấp cao và nhiều học giả được mời nghe một nhóm chuyên gia đầu ngành về kinh tế sáng tạo đăng đàn thuyết trình.

Sunil B. Mittal – CEO của công ty viễn thông Ý Bharti Tele-Ventures Ltd – giới thiệu về mô hình doanh nghiệp cấp tiến của mình, với kỹ thuật tận dụng nguồn nhân lực mở (trừ tiếp thị và quản lý khách hàng), nơi thu hút 1 triệu khách hàng mỗi tháng. Yang Mingsheng – CEO Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc (ngân hàng thương mại lớn thứ hai Hoa lục) – nói về việc xây dựng một ngân hàng mạnh từ mô hình doanh nghiệp đơn giản từ những chương trình cho vay nhỏ cho nông dân.

Những câu chuyện trên đã phản ánh trong một bình luận từ CEO của IBM, Samuel J. Palmisano, trình bày vào hôm trước, rằng: “Cách mà bạn phát triển trong môi trường hiện thời là bằng sáng tạo – sáng tạo trong kỹ thuật; sáng tạo trong chiến thuật; sáng tạo trong mô hình doanh nghiệp”. Nhận định Palmisano đã tóm lược sự tập trung ở diện rộng về khuynh hướng sáng tạo trong nền kinh tế thế kỷ 21.

Ngày nay, như nhận xét của BusinessWeek (24-4-2006), sáng tạo không thuần túy là thiết kế mới sản phẩm. Nó là tiến trình tái lập phát kiến trong hoạt động doanh nghiệp và xây dựng thị trường hoàn toàn mới để đáp ứng cho những nhu cầu khách hàng chưa được thâm nhập. Quan trọng nhất, ở thời mà Internet và toàn cầu hóa mở rộng phạm vi cho vô vàn ý tưởng mới, sáng tạo còn là sự chọn lọc và triển khai ý tưởng đúng rồi đưa nó ra thị trường trong thời gian kỷ lục.

Thập niên 90, khi nói đến sáng tạo, người ta thường liên tưởng đến kỹ thuật và sự kiểm soát chất lượng cũng như chi phí sản xuất. Ngày nay, sáng tạo hàm ý về sự xây dựng tổ chức doanh nghiệp (corporate organization – ý nghĩa rộng hơn từ “công ty”), sao cho hiệu quả đồng thời tái thiết kế chúng để mang tính sáng tạo và phát triển.

Đúng như nhận xét của Vijay Govindarajan – giáo sư Trường kinh thương Tuck thuộc Đại học cộng đồng Dartmouth, tác giả quyển Ten Rules for Strategic Innovators: From Idea to Execution (10 qui luật cho các nhà sáng tạo chiến lược: từ ý tưởng đến thực thi), rằng “sáng tạo (ngày nay) không phải hàm chứa bất cứ gì liên quan đến kỹ thuật”.

Đứng đầu bảng về sáng tạo là hãng Apple Computer Inc. Bây giờ không chỉ sản xuất máy tính, Apple còn tạo ra cuộc cách mạng trong công nghiệp giải trí bằng thiết bị nghe nhạc iPod. Chỉ với iPod, Apple đã nằm ít nhất ở bảy hạng mục-phạm vi sáng tạo, từ sáng tạo về hoạt động mạng (thỏa thuận với các công ty đĩa bán nhạc trên mạng); sáng tạo về mô hình doanh nghiệp; sáng tạo về xây dựng thương hiệu…

Sau iPod, Apple tiếp tục lĩnh giải sáng tạo cho điện thoại iPhone. Toyota Motor Corp cũng là bậc thầy về sáng tạo với thành công đặc biệt từ dòng xe Prius. Năm 2005, Toyota tung ra chiến lược Sáng tạo giá trị. Thay vì làm việc với các nhà cung cấp để giảm chi phí cho phụ tùng, Toyota đầu tư nghiên cứu sâu về tiến trình thiết kế để có thể tiết kiệm ở toàn bộ bộ phận của nguyên chiếc xe.
 
Nói riêng ở châu Á, cần nhấn mạnh, yếu tố toàn cầu đã góp phần đáng kể cho làn sóng kinh tế sáng tạo. Châu Á còn được tiêm một liều khá mạnh từ ưu thế nghiên cứu của các công ty Mỹ. 5 năm qua, hơn 100 công ty Mỹ (General Motors, Boeing, Mobil, Johnson & Johnson, DuPont, Procter & Gamble…) đã dựng trung tâm R&D tại Ấn Độ và Trung Quốc. Phòng lab General Electric (GE) tại Ấn Độ – lớn nhất GE, ngoài phạm vi Mỹ – hiện sử dụng 1.600 nhà nghiên cứu chủ yếu người bản địa. Khuynh hướng này, nếu được tận dụng, sẽ là bước đệm cực tốt cho việc xây nền móng cho kinh tế sáng tạo trong nước.

Kiran Mazumdar-Shaw – chủ tịch công ty hóa sinh Biocon (sản phẩm thuốc giảm cholesterol), người đàn bà giàu nhất Ấn Độ – khẳng định: “Ấn Độ cần đột phá, chuyển từ giai đoạn bắt chước sang giai đoạn R&D mang tính sáng tạo cao”. Trung Quốc cũng là nơi đề cao chính sách kinh tế sáng tạo. Vài công trình nghiên cứu của khoa học gia Trung Quốc đã xuất hiện trên các chuyên san khoa học uy tín phương Tây và mỗi tuần đều có vài bản tin về dự án nghiên cứu mới. Trung Quốc đang tập trung mạnh vào lĩnh vực kỹ thuật hóa sinh, năng lượng và kỹ thuật siêu nhỏ.

Lê Thảo Chi

Tin cùng chuyên mục