Thời đại 4.0, ý thức 0.4

Nhận xét trên là của một nghệ sĩ Việt trước vụ việc di tích Yonago Nhật Bản bị bôi bẩn, cũng như thực tế đang diễn ra tại các điểm đến ở Việt Nam.

 Khắc tên lên di tích, vẽ bậy lên các điểm du lịch, vứt rác tại danh lam thắng cảnh, ăn mặc không phù hợp tới nơi tôn nghiêm và nhiều hành vi khác, khiến ý thức của người trẻ Việt ngày càng xấu xí trong mắt cộng đồng. 

Thời đại 4.0, ý thức 0.4 ảnh 1 Dòng chữ được cho là do người Việt vẽ tại di tích Yonago của Nhật Bản. Nguồn: Asahi
 “Hào ơi, anh ở đâu?”
Đây là dòng trạng thái hài hước của nhiều cư dân mạng trong những ngày qua sau khi dòng chữ Hào cùng hình ngôi sao và trái tim khắc trên phiến đá của thành cổ Yonago thuộc khu di tích Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản vấp phải sự phản ứng gay gắt từ người dân và chính quyền nước sở tại cũng như dư luận quốc tế.
Sự việc đang được hàng loạt cơ quan truyền thông nước Nhật lên tiếng chỉ trích, còn cảnh sát Nhật thì mở cuộc điều tra để truy tìm thủ phạm. Với những gì được lưu lại trên tường đá, dư luận và cộng đồng mạng đặt nghi vấn đây là dòng chữ Việt do người Việt khắc. Dù chưa chính thức khẳng định nhưng nhiều người cho rằng nghi ngờ của cộng đồng mạng là có cơ sở, bởi rất nhiều di tích tại Việt Nam đều có “bút tích” của ai đó để lại, từ khắc chữ, viết chữ đến bôi bẩn, xả rác…
Còn nhớ, thời điểm trước khi Nhà thờ Đức Bà tọa lạc giữa trung tâm TPHCM được rào lại để tu sửa thì các bức tường gạch xung quanh công trình hơn 140 tuổi này chi chít chữ. Chữ ngang, chữ dọc, chữ này khắc đè lên chữ khác rất phản cảm. Đa phần các dòng chữ đó là của người trẻ, khi các bạn vô tư coi nhẹ di tích, biến những nơi đáng lẽ phải được bảo vệ, trân trọng thành nơi gửi gắm tâm sự, hay đơn giản chỉ là “thích thì viết thôi” mà chẳng cần lý do gì cụ thể.
Không riêng ở TPHCM, tại quần thể di tích Hồ Gươm (Hà Nội) vốn nổi tiếng với tháp Hòa Phong, tháp Bút cũng đã từng khiến du khách nước ngoài thốt lên xót xa khi thấy các dòng chữ chồng chéo được khắc bằng vật nhọn hoặc viết bằng bút xóa, bút dạ trên mọi ngóc ngách ở chân tháp. Có những dòng chữ khắc rất lớn, làm hư hỏng cả mảng tường của di tích. “Ma trận chữ” lời chúc về tình bạn, tình yêu, vài câu nói vu vơ xuất hiện tại bia đá trên núi Bài Thơ (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cũng được cộng đồng nhắc đến nhiều. Dù đơn vị quản lý các di tích trên đã nhiều lần khắc phục, xử lý nhưng tình trạng này vẫn ít nhiều diễn ra, tùy thời điểm. 
Không chỉ di tích, cứ nơi nào thu hút người trẻ thì ở đó sẽ có phiền hà. Đợt ra mắt MV Lạc Trôi của Sơn Tùng MTP quay tại chùa Linh Quy Pháp Ấn (Lâm Đồng) với các cảnh quay liêu trai khiến nơi này nổi như cồn trên mạng xã hội. Chỉ vài ngày sau đó, người trẻ khắp nơi ồ ạt tìm đến và biến khuôn viên ngôi chùa thành nơi xả rác. Khách tìm tới chùa chỉ để thỏa mãn sự tò mò nên trang phục cũng không chuẩn mực, vô tư nói, cười, đi lại. Mọi tôn nghiêm và vẻ thanh bình vốn có của ngôi chùa đều bị xâm phạm, chỉ đến khi nhà chùa lên tiếng cầu xin người trẻ đừng xả rác, cư dân khắp nơi phê phán ý thức của người trẻ thì ngôi chùa mới tạm bình yên.
Xử lý thật nghiêm
Ở thời đại mà chỉ một tích tắc với điện thoại đã có thể giúp du khách check in điểm đến. Thế nhưng dường như vẫn chưa đủ, một bộ phận không nhỏ người trẻ Việt vẫn có thói quen lưu lại kỷ niệm ở những nơi họ tới bằng những cách không thể chấp nhận. Thói quen bất chấp quy định, bất chấp tình và lý đã gây ra nhiều hệ lụy và để lại không ít phiền toái trong mắt cộng đồng. 
Chính tư duy “tự do cá nhân” và suy nghĩ không có biển cấm thì sẽ vô tư làm điều mình muốn đã đẩy giới trẻ lùi về phía sau. Bởi lẽ ở thời đại này, các bạn có đầy đủ thiết bị, kỹ năng để tìm hiểu điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Nhất là khi đặt chân tới một nơi mới thì nên tìm hiểu về văn hóa và con người nơi đó để không bị “khác người”, đó là tư duy hội nhập.
Cũng bàn về nạn vẽ bậy tại di tích và các điểm du lịch, Trịnh Phương Linh (du học sinh Canada) bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân: “Nếu đến tham quan một di tích, một địa danh nào đó mà cứ vài bước lại thấy một biển cấm xả rác, cấm vẽ bậy thì sẽ thế nào? Ở khía cạnh nào đó, những biển cấm ấy cũng là minh chứng cho việc thiếu ý thức của người dân, bởi ý thức phải mang tính tự giác, xuất phát từ chính suy nghĩ của mỗi người chứ không phải là sự nhắc nhở qua những biển cấm rải khắp nơi. Qua trải nghiệm ở nhiều nước, tôi nghĩ nền kinh tế không phải là yếu tố duy nhất khiến đất nước tụt hậu mà chính ý thức mới khiến chúng ta tụt hậu nhanh so với thế giới”.
Theo nhiều người dân, chỉ có xử lý thật nghiêm hành vi vẽ bậy, khắc bậy nơi công cộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh và hủy hoại tài sản công cộng, nhất là những điểm di tích, mới mong giảm thiểu hành vi trên.

Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nếu vẽ bậy làm xấu cảnh quan và có thể làm bẩn nơi công cộng, người vẽ sẽ bị xử phạt hành chính. Trong trường hợp người vẽ lên các công trình, làm giảm giá trị sử dụng của công trình thì tùy theo mức độ thiệt hại, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 đối với tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tất nhiên, hành vi vẽ bậy, khắc bậy không làm hủy hoại tài sản, nhưng làm hư hỏng tài sản thì có thể và nếu số tiền bỏ ra để khôi phục hiện trạng ban đầu từ 2 triệu đồng trở lên, người vẽ bậy, khắc bậy đó có thể bị khởi tố hình sự.

Tin cùng chuyên mục