Thời tiết cực đoan gây hại kinh tế toàn cầu

Năm ngoái, thời tiết cực đoan đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 129 tỷ USD. Con số thiệt hại được dự báo tiếp tục tăng trong năm nay khi tình trạng biến đổi khí hậu làm gia tăng hạn hán và bão lũ trên thế giới. 
Đáy hồ Chandola ở Ahmedabad (Ấn Độ) khô nứt
Đáy hồ Chandola ở Ahmedabad (Ấn Độ) khô nứt
Đây là kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí y học Lancet.

Thảm họa thời tiết tăng gần 50%

Báo cáo này do chuyên gia từ 24 cơ sở giáo dục và các cơ quan liên chính phủ, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tổng hợp. Theo đó, thảm họa thời tiết đã tăng 46% trong giai đoạn từ 2010-2016, với 797 hiện tượng cực đoan được ghi nhận chỉ riêng trong năm ngoái. 10 năm trước, số đợt thời tiết khắc nghiệt đã lên đến 606 đợt trong khi thiệt hại ít hơn nhiều so với hiện nay, chỉ hơn 69 tỷ USD. Thông qua đánh giá thiệt hại về tài sản, các nhà nghiên cứu đã đưa ra con số mất mát kinh tế khổng lồ trên. Nghiên cứu cũng chỉ ra các thảm họa thời tiết ngày càng thường xuyên, với trung bình 306 đợt thời tiết khắc nghiệt xảy ra hàng năm vào giữa năm 2007 và năm 2016. Trong đó, kể từ năm 2000, bão và lũ lụt tăng đến 46%.

Thiệt hại kinh tế được hiểu là thiệt hại đối với tài sản vật chất, không tính đến thiệt hại về người, gồm tử vong, thương tích hoặc bệnh tật gây ra. Theo đó, mức thiệt hại kinh tế lên tới 129 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với 97 tỷ USD của năm 2014 và tương đương với ngân sách của quốc gia Phần Lan. Mặc dù việc gia tăng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây không thể khẳng định hoàn toàn là do biến đổi khí hậu, song nhiều bằng chứng cho thấy, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hình thái thời tiết như bão nhiệt đới, hạn hán và lũ lụt trên khắp thế giới. 

Trước tình trạng này, tài chính của các nước nghèo lại không đủ ứng phó với thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra. Cụ thể, thiệt hại do thời tiết cực đoan của các nước này trong năm 2016 đã cao gấp 3 lần so với năm 2010, trong đó tỷ lệ thiệt hại trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn rất nhiều so với những nước giàu có. Tại các quốc gia có thu nhập cao, khoảng một nửa thiệt hại kinh tế đã được bảo hiểm, trong khi con số này tại các nước nghèo là chưa đầy 1%. 

Con người bị tổn thương 

Mỹ - quốc gia vừa tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris, cũng đã tiêu tốn đến 240 tỷ USD để đối phó với biến đổi khí hậu trong một thập kỷ qua, trong đó có thiệt hại kinh tế do thời tiết khắc nghiệt, chi phí y tế do ô nhiễm không khí...  Theo một nghiên cứu mới công bố của Quỹ Sinh thái toàn cầu, 240 tỷ USD nói trên chiếm 40% tăng trưởng hiện tại của nền kinh tế Mỹ và 1,2% GDP. Nghiên cứu này dự đoán mức thiệt hại sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới. 

Các nhà nghiên cứu nêu rõ, kể từ năm 2000, việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên đã làm giảm tới 5,3% năng suất lao động của các công nhân phải làm việc ngoài trời. Cũng trong giai đoạn này, số người dễ bị tổn thương bởi các đợt nắng nóng đã tăng khoảng 125 triệu người. Các đợt nắng nóng, lũ lụt và bão không chỉ gây nguy hiểm về người và tài sản, làm lây lan các dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước, mà về lâu dài biến đổi khí hậu còn đặt ra nguy cơ lớn về sức khỏe con người. Thực tế, có nhiều bằng chứng đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tăng bệnh thận mãn tính, mất nước với biến đổi khí hậu. 

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa, khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1°C đã dẫn đến việc giảm 6% sản lượng lúa mì, 10% sản lượng ngũ cốc trên thế giới. Diễn biến này khiến các nhà nghiên cứu đưa ra cảnh báo về gia tăng nạn đói trên toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục