Tiêu cực có hệ thống tại Bộ GT-VT

Thượng bất chính, hạ tắc... tiêu cực

Thượng bất chính, hạ tắc... tiêu cực

Trong loạt bài về tiêu cực có hệ thống ở Bộ GTVT ở các số báo trước, SGGP đã nêu hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong các dự án ở Bộ GT-VT dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình. Theo nhận xét chung, các dự án ở Bộ GT-VT luôn được quản lý theo kiểu “khép kín” để dễ… tiêu cực. Có người đã rút ra mô hình... tiêu cực ở Bộ này: đằng sau mỗi dự án đều có bóng dáng của lãnh đạo “bảo kê”.

  • Xử “đồng chí” chứ ai nỡ phạt thân tín của mình

Theo một cán bộ ở Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ GT-VT, nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã từng lên danh sách các cán bộ ở Bộ GT-VT sẽ phải “ngồi chơi xơi nước” khi ông Tiến lên đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ GT-VT. Đồng thời, dự trù đưa những người thân tín vào những “chỗ thơm”, chỗ nhiều “màu” ở Bộ và doanh nghiệp mạnh thuộc Bộ. Theo vị cán bộ này, đây là cách làm “bình thường”.

Thượng bất chính, hạ tắc... tiêu cực ảnh 1
Ông Nguyễn Việt Tiến

Tuy nhiên, cũng vì sự “bình thường” này mà trong thời gian dài, tiêu cực trong ngành giao thông không giảm. Thanh tra bộ muốn tiến hành thanh, kiểm tra phải cân nhắc “bạc tóc” xem đơn vị, dự án đó do thứ trưởng nào, hay do Bộ trưởng phụ trách. Và dĩ nhiên, muốn thanh tra, phải được lãnh đạo đó... gật! Những cá nhân, đơn vị sai phạm bị đề nghị “xử lý nghiêm” thì chỉ bị xử lý qua loa. Việc này, trong ngành giao thông có một câu đùa khá hay rằng: “xử đồng chí chứ ai nỡ phạt thân tín của mình”.

Chẳng hạn, qua thanh tra các dự án của PMU 18, nhiều sai phạm mang tính chủ quan như ở dự án cầu Hoàng Long (Thanh Hóa), dự án cải tạo QL18, dự án cải tạo QL10, dự án giao thông nông thôn 2.... đã bị Thanh tra Chính phủ phát hiện. Các kết luận thanh tra hầu hết đều kiến nghị xử lý trách nhiệm của Tổng Giám đốc PMU 18. Thế nhưng, các vị tổng giám đốc của “siêu ban” này không những chẳng làm sao, mà vẫn liên tục thăng tiến trên quan lộ.

Trong khi đó, một số người khác, được cho là “không cùng cánh” với các sếp thì bị “xử” rất quyết liệt. Các trường hợp như ông Phạm Tuân, nguyên Tổng Giám đốc Cienco 5; ông Nguyễn Lai, nguyên Tổng Giám đốc cụm cảng hàng không miền Trung... bị cách chức, hiện vẫn gây nhiều dư luận trái chiều trong ngành GT-VT.

  • Người thân = chỗ “thơm”!

Hôm làm việc với lãnh đạo chủ chốt Bộ GT-VT, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc khâu đánh giá, đề bạt cán bộ. Có lẽ, công tác này là nguyên nhân chính dẫn đến những “cán bộ điên khùng, sai phạm điên khùng”, như Bộ trưởng Đào Đình Bình thừa nhận.

Với quyền lực của mình, ông Tiến đã đưa cháu mình là Nguyễn Ngọc Long lên làm Phó Tổng PMU18, đưa thư ký - đệ tử Nguyễn Việt Bắc lên làm Phó Tổng giám đốc Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, đưa con gái làm Chánh văn phòng một đơn vị tư vấn thuộc PMU18, hưởng lương vài ngàn USD/tháng... Còn Bùi Tiến Dũng, dù chẳng họ hàng gì với ông, nhưng lại là người đã theo ông suốt một chặng đường dài từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư sang PMU18, lại “có công” đứng ra dàn xếp hậu quả những vụ ăn chơi của “sếp”. Vì vậy, khi ông Tiến lên làm Thứ trưởng Bộ GT-VT, chức vụ Tổng Giám đốc PMU 18 không thể rơi vào tay ai khác ngoài Bùi Tiến Dũng.

Nhưng, Bộ trưởng Đào Đình Bình mới là “quán quân” nhận đơn thư khiếu tố liên quan đến công tác cán bộ. Đến nay, dư luận trong ngành đường sắt (nơi ông Bình từng làm lãnh đạo) và Bộ GT-VT vẫn không khỏi bức xúc về hiện tượng một loạt người thân, anh em ruột, cọc chèo, vợ con của Bộ trưởng Bình được đề bạt giữ các vị trí công tác lãnh đạo các đơn vị quản lý, hoặc doanh nghiệp lớn trong ngành GT-VT.

Mặt khác, một số trường hợp trong công tác cán bộ được Bộ trưởng Đào Đình Bình thực hiện không đúng quy trình. Điển hình là việc ông Đào Đình Bình ký bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho ông Nguyễn Hữu Bằng trái thẩm quyền (theo quy định, chức vụ này phải do Thủ tướng ký bổ nhiệm). Về việc này, trong kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nêu: “Đồng chí Đào Đình Bình cần rút kinh nghiệm trong việc ký quyết định bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc LHĐSVN và phương pháp trong khi chuẩn bị nhân sự trước khi đi nhận công tác mới”.

Dư luận trong ngành đường sắt còn cho rằng, ở mỗi vị trí công tác, ông Đào Đình Bình đều có những quyết sách khác nhau, có lợi cho mình. Khi ông Bình còn là Tổng Giám đốc Liên hiệp ĐSVN, Bộ GT-VT có chủ trương thành lập Cục (hoặc Vụ) làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường sắt, nhưng ông Bình phản đối quyết liệt.

Ngày 3-8-2000, với cương vị Bí thư Đảng ủy Liên hiệp ĐSVN, ông Đào Đình Bình ký Nghị quyết số 10 NQ/TV khẳng định: “Lĩnh vực quản lý nhà nước đường sắt vẫn do các vụ của Bộ GT-VT trực tiếp giúp Bộ trưởng tổ chức quản lý. Bộ có thể ủy quyền cho đường sắt Việt Nam làm một số việc thuộc chức năng quản lý nhà nước”.

Thế nhưng, khi lên làm Bộ trưởng Bộ GT-VT, ông Đào Đình Bình đã quay ngoắt 180 độ, tìm mọi cách để thành lập Cục Đường sắt Việt Nam. Vậy là khi Cục ra đời, ông Bình đã bổ nhiệm một người từng làm Chánh văn phòng cho ông khi còn ở Liên hiệp ĐSVN lên làm Cục trưởng! Phải chăng ông Bình thành lập Cục này nhằm tạo ra những ghế “ngon” cho người thân tín của mình?

Bộ trưởng Đào Đình Bình sẽ bị kỷ luật

Chính phủ vừa gửi văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ về trường hợp Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình nhằm phối hợp thực hiện việc đưa ra Quốc hội xử lý việc từ chức đối với ông Bình. Tuy nhiên, trong khi chờ Quốc hội họp, ông Bình đang được làm thủ tục để thôi các chức danh về Đảng như Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ GT-VT. Không những thế, theo một nguồn tin, sau Hội nghị Trung ương 15 lần này, Bộ trưởng Đào Đình Bình sẽ phải nhận một mức kỷ luật thích hợp, do đã để xảy ra vụ việc tiêu cực hết sức nghiêm trọng tại Bộ GTVT và PMU18.

Tin, bài liên quan:

Cho mượn rồi đi thuê!

Thừa nhận có nhận phong bì của cơ sở

Tin cùng chuyên mục