Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng:

Tôi học tập được rất nhiều từ người tiền nhiệm

Tôi học tập được rất nhiều từ người tiền nhiệm

Ngay sau khi kết thúc phiên họp toàn thể tại hội trường chiều qua (26-6), tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã dành hơn 30 phút để gặp gỡ và trả lời các câu hỏi của báo chí.

Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói: “Được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội, tôi thấy rằng đây là vinh dự rất lớn, nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Tôi mong rằng, sắp tới giới báo chí sẽ tiếp tục cộng tác, giúp đỡ để Quốc hội cũng như cá nhân tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ”.

- Báo Tiền Phong:
Ông có cảm thấy có nhiều sức ép không, khi vị tiền nhiệm là ông Nguyễn Văn An đã có những hoạt động rất tích cực, góp phần đổi mới, nâng cao hoạt động của Quốc hội?

Tôi học tập được rất nhiều từ người tiền nhiệm ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo chí.

- Chủ tịch NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Tôi và đồng chí Nguyễn Văn An có quan hệ đồng chí anh em từ những năm đồng chí An còn là Bí thư tỉnh Hà Nam Ninh, sau đó lên làm Phó ban Tổ chức Trung ương. Trong quá trình công tác, chúng tôi thường xuyên có quan hệ với nhau, đặc biệt là những lĩnh vực về xây dựng nghị quyết về hệ thống chính trị.

Vừa qua, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Văn An có nhiều sáng kiến đổi mới, rất tâm huyết, sáng tạo, điều hành rất khéo, được lòng dân. Tôi học tập được nhiều từ đồng chí Nguyễn Văn An. Nhưng tôi không nghĩ đó là sức ép. Bởi mỗi người có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Chúng tôi sẽ khiêm tốn học tập anh An và những vị chủ tịch tiền nhiệm khác… Nhưng có điều rất hay là đồng chí Nguyễn Văn An nói: “Hoa đến thì, thì hoa phải nở”. Và đồng chí An bây giờ vẫn còn là ĐBQH, sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ tôi. Tôi có ý thức là sẽ luôn luôn trao đổi, học tập đồng chí Nguyễn Văn An. Và chắc là thoải mái thôi, không có sức ép gì cả.

- Báo SGGP: Thưa Chủ tịch, do đặc thù của Quốc hội hiện nay là hoạt động kiêm nhiệm, nên nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An từng đánh giá: Quốc hội mới thực hiện được 30% công việc của mình. Vậy trong thời gian tới, Chủ tịch sẽ làm gì để cải thiện vấn đề này?

- Đánh giá chuẩn xác Quốc hội làm được bao nhiêu phần trăm công việc cũng là một cách nói. Đồng chí Nguyễn Văn An đã rất có lý khi đã lượng hóa, nói rằng Quốc hội đã làm được 30% công việc. Tôi nghĩ điều này cũng phù hợp với thực tế. Hiện nay chúng ta có 493 ĐBQH, thì số ĐBQH chuyên trách chỉ khoảng 120 người, chiếm khoảng 25%. Như vậy, 75% còn lại là kiêm nhiệm, khó có thể làm như ĐBQH chuyên trách được. Bản thân tôi cũng là ĐBQH kiêm nhiệm, cũng thấy rất khó khăn.

Nhưng cũng không thể không có ĐBQH kiêm nhiệm được, bởi vì đây là sự bổ sung cho nhau: có bộ phận nghiên cứu sâu, bác học, kinh viện; nhưng cũng phải có các nhà hoạt động thực tiễn. Cho nên chúng ta phải tiếp tục nâng cao hoạt động của ĐBQH, kể cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả. Nhưng tôi nghĩ trước hết tất cả các vị ĐBQH đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước dân để làm tốt hơn công việc của mình.

- Báo SGGP:
Hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian qua đã có nhiều đổi mới, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới hoạt động này cần tăng thêm cả về số lượng và chất lượng. Chủ tịch có đồng ý với quan điểm này?

- Tôi hoàn toàn đồng ý! Hoạt động giám sát thời gian qua đã có một số kết quả bước đầu, dưới nhiều hình thức như: giám sát chuyên đề; giám sát các công trình, dự án; hoạt động chất vấn ngày càng đổi mới, thiết thực hơn. Giám sát là để nâng cao trách nhiệm chính trị của các chức danh Nhà nước, làm sao bảo đảm hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, hạn chế được những thiếu sót, tiêu cực.

Vì thế, sắp tới sẽ phải nâng cao chất lượng hiệu quả của giám sát, hướng vào giám sát ngân sách, giám sát thực thi công vụ, giám sát chuyên đề và đổi mới chất vấn để nâng trách nhiệm cá nhân và tập thể trong bộ máy công quyền.

- Báo Tuổi trẻ:
Trong bài phát biểu trước khi được bầu vào chức vụ Chủ tịch Quốc hội, ông có nói rằng: “Tôi có thể làm được hay không là nhờ vào các vị ĐBQH”. Nhưng ông có nghĩ rằng, trên thực tế, các vị ĐBQH có làm được hay không là phần nhiều nhờ vào Chủ tịch Quốc hội?

- Đúng thế, đó là mối quan hệ biện chứng. Nhưng trong cơ quan quyền lực tập thể là Quốc hội, tôi chỉ một cá nhân nằm trong tập thể UBTVQH. Tất cả là chuẩn bị, đề xuất để Quốc hội bàn thảo và quyết định, kể cả lập pháp, giám sát, quyết định chủ trương lớn và công tác nhân sự, tổ chức bộ máy. Tôi sẵn sàng làm mọi việc để tạo điều kiện phát huy trách nhiệm của các vị ĐBQH, nhưng phải theo chức năng, nhiệm vụ pháp luật quy định, không thể tùy hứng cảm tính cá nhân được.

- Báo Tuổi trẻ:
Trong 2 bài phát biểu của ông đều không nhắc tới chức năng đại diện của ĐBQH, nhưng đây lại là chức năng yếu nhất của Quốc hội hiện nay. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

- Phải phản ánh cho được tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của nhân dân đến Quốc hội và phải thể hiện được trong nghị quyết của Quốc hội. Ở đây có vấn đề tiếp xúc cử tri. Là ĐBQH, tôi đã đi tiếp xúc một số cuộc. Chúng tôi đã cố gắng đổi mới hoạt động này.

Trước kia, ĐBQH đến một quận hoặc phường, mời các cơ quan, đại biểu có tính chất đại diện. Nay không làm theo cách đó, mà làm theo chuyên đề. Nhưng tôi quan niệm, tiếp xúc như vậy chỉ là một hình thức. Còn có tiếp xúc tại chỗ, thông qua gia đình, anh em, bạn bè, đồng chí. Và quan trọng hơn là tiếp xúc như thế nào để chọn lọc, tiếp thu thông tin, thể hiện trong hành động công việc cụ thể. Tôi đồng ý sắp tới phải nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của ĐBQH theo quy định của pháp luật.

- Báo Thanh niên:
Trong quá trình điều hành Quốc hội, ông Nguyễn Văn An thường xuyên nhắc tới tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Sắp tới, Chủ tịch sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này?

- Đây là căn bệnh tương đối phổ biến. Nhưng cũng có nhiều anh chị em lăn lộn lắm, gian nan lắm, nếu không làm gì có sự nghiệp thế này. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, tôi sẽ cùng với UBTVQH và Quốc hội cố gắng tìm mọi cách để khắc phục dần từng bước hiện tượng này, nhưng phải bằng cơ chế chính sách kết hợp nhiều phương pháp, kể cả về công tác tư tưởng và hành chính.

- Xin cảm ơn Chủ tịch!  

NHÓM PHÓNG VIÊN

Tin cùng chuyên mục