Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh

Hôm qua (27-6), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM giữ chức Chủ tịch nước; bầu ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm 1 Phó Thủ tướng và 7 thành viên khác của Chính phủ.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh

Hôm qua (27-6), với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM giữ chức Chủ tịch nước; bầu ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực giữ chức Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau đó, tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm 1 Phó Thủ tướng và 7 thành viên khác của Chính phủ.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh ảnh 1

Thay mặt Quốc hội Phó Chủ tịch Trương Quang Được tặng hoa cho các đồng chí Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ vừa được Quốc hội bầu giữ các cương vị chủ chốt của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Với tỷ lệ 94,12%, tương đương 464 đại biểu Quốc hội đồng ý, hôm qua, ông Nguyễn Minh Triết đã chính thức được bầu làm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Trước đó, kết quả thảo luận tại các Đoàn ĐBQH cho thấy: có 61 đoàn nhất trí với tờ trình của UBTVQH đề cử ông Nguyễn Minh Triết làm Chủ tịch nước. Ba đoàn còn lại có thêm ý kiến khác: khóa sau Tổng Bí thư nên kiêm Chủ tịch nước để phù hợp với xu thế hội nhập; đề nghị Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh kiêm Chủ tịch nước (đoàn Lạng Sơn). Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu thông báo: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thông báo với Đoàn thư ký kỳ họp xin rút khỏi sự đề cử.

Cũng giống như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, trước khi Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu ngắn gọn trước Quốc hội.

Ông nhấn mạnh, nếu mình được tín nhiệm thì trước mắt sẽ làm tốt những công việc trọng tâm của năm 2006, đặc biệt là Hội nghị APEC; tiếp tục thực hiện những chương trình, kế hoạch, cả những hoài bão tốt đẹp của đồng chí Trần Đức Lương, người Chủ tịch nước tiền nhiệm để lại; nghiên cứu, vận dụng, làm đúng, làm đủ, làm nghiêm túc và có sáng tạo đối với 12 nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước đã được Hiến pháp quy định. “Tôi sẽ cùng vui với cái vui của mọi người, đồng thời cũng chia sẻ những nỗi buồn, những nỗi đau của người dân và sẽ làm hết sức mình để sớm vơi đi những nỗi đau đó” - ông Nguyễn Minh Triết chân thành nói.

Ngay sau khi trúng cử vào cương vị mới, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói trước Quốc hội: “Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Quốc hội và nhân dân đã tin tưởng giao phó. Tôi nguyện phấn đấu hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đánh giá cao vai trò của người tiền nhiệm – nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, đã có vai trò quan trọng trong việc cải thiện đời sống của nhân dân, hình ảnh và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Để góp phần thắng lợi thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trên cương vị công tác mới, tân Chủ tịch nước mong muốn nhận được sự hợp tác nhiệt tình của các vị đại biểu Quốc hội, sự quan tâm, ủng hộ của toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài, sự phối hợp thường xuyên của các cơ quan, tổ chức để hoàn thành trọng trách mà Quốc hội giao cho.

Về chương trình hành động trong thời gian tới, vị tân Chủ tịch nước cam kết sẽ đề cao trách nhiệm cá nhân, ra sức học tập và rèn luyện, tăng cường phối hợp và cộng tác chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, các ngành, các cấp, với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, cố gắng hết sức mình hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Mục tiêu là tập trung chăm lo các mặt công tác đối nội, đối ngoại, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đưa dân tộc ta sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới vì sự tiến bộ chung của nhân loại”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hứa.

Tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng:
Chính phủ sẽ kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí

Chiều qua, ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đã chính thức trúng cử vào chức vụ Thủ tướng Chính phủ thay ông Phan Văn Khải đã được Quốc hội miễn nhiệm. Có 454 đại biểu (bằng 92,08%) trong tổng số 469 đại biểu có mặt đã đồng ý bầu ông Nguyễn Tấn Dũng giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kết quả thảo luận tại các đoàn ĐBQH về nhân sự Thủ tướng cho thấy: cả 64 đoàn ĐBQH đều nhất trí với tờ trình của Chủ tịch nước giới thiệu ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, có thêm 3 đoàn có một số ý kiến như: đoàn Nam Định đề nghị làm rõ về thành phần gia đình xuất thân là cán bộ kháng chiến; đoàn Bắc Ninh đề nghị ứng cử viên phát biểu trước khi Quốc hội bầu; đoàn Thái Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ kế nhiệm cần tiếp tục sự nghiệp đổi mới của Chính phủ, điều hành Chính phủ năng động hơn nữa, thực hiện sự nghiệp cải cách hành chính sâu rộng, nâng cao vị thế của nước ta ngang trong khu vực và trên thế giới.

Ngay sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu vào cương vị mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có bài phát biểu cảm xúc và sâu sắc trước Quốc hội. Thủ tướng nói: “Tôi nhận thức sâu sắc rằng đây là vinh dự lớn, đồng thời là trách nhiệm rất nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Để xứng đáng với sự tín nhiệm đó, tôi nguyện trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với mục tiêu lý tưởng cao đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện tốt nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Tôi luôn coi đây là nghĩa vụ thiêng liêng của mình”.

Trước Quốc hội và cử tri, Thủ tướng tuyên thệ rằng: “Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ sẽ tập trung sức đẩy mạnh cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền và thực hiện dân chủ; xây dựng hệ thống hành chính, Chính phủ trong sạch, vững mạnh, sâu sát và gắn bó với dân, hết lòng phục vụ nhân dân; kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xem đây là một trọng tâm của Chính phủ trong thời gian tới”.

Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ thẳng thắn và chân thành tâm niệm của mình: “tất cả là nhờ có dân, có Đảng”. Bởi vậy, “tôi nguyện nỗ lực gương mẫu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: cán bộ chính quyền là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

* Chiều qua, 27-6, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đã có thư chúc mừng tới tân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Trong thư, ông Phạm Thế Duyệt bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện các đồng chí vừa được Quốc hội bầu giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Ông Duyệt cho rằng, “đây là sự tín nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân và Quốc hội khóa XI đối với các đồng chí” 

BẢO – PHÚC - MY

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sinh ngày 8-10-1942. Quê quán: xã Phú An, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Thành phần gia đình: Nông dân. Ngày tham gia Cách mạng: 1-1960. Ngày vào Đảng: 30-3-1965. Trình độ chuyên môn: Đại học Toán. Lý luận chính trị: cử nhân. Chức vụ hiện nay: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XI.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sinh ngày 17-11-1949. Quê quán: TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Thành phần gia đình: Cán bộ kháng chiến. Ngày tham gia Cách mạng: 17-11-1961. Ngày vào Đảng: 10-6-1967. Trình độ học vấn: Cử nhân Luật, lý luận chính trị cao cấp. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 6, 7, 8, 9, 10. Ủy viên Bộ Chính trị khóa 8, 9, 10. Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ khóa 10, 11. Đại biểu Quốc hội khóa 10, 11.

Tin cùng chuyên mục