Hàng ngàn tấn thép tồn đọng tại cảng Hải Phòng

Thép phế liệu bị coi là “rác”

Thép phế liệu bị coi là “rác”

Hàng ngàn tấn thép phế liệu, cả loại nằm trong danh mục được phép thông quan và loại đang bị “nhà cảng” nghi ngờ là... rác. Chưa hết, hàng trăm con tàu cũ được nhập về để “xả thịt” cũng đang nằm thành một dãy dài quanh lưu vực cảng Hải Phòng từ nhiều tháng qua mà chưa thể làm thủ tục thông quan vì vướng... luật!

  • Lấy “luật môi trường” làm lý lẽ

Cả một đoạn dài hơn 1km quanh lưu vực cảng Hải Phòng, hàng trăm con tàu chở container và tàu cũ nằm buồn thiu trên mặt sóng. Container chất trên tàu chưa thể bốc xếp lên bờ vì hàng trăm container trên bãi chưa thể thông quan.

Phía “nhà cảng” không đưa ra con số chính xác hiện có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu thép phế liệu đang bị “kẹt” hàng ở đây. Nhưng theo điều tra của phóng viên, không dưới 300 doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thông quan.

Thép phế liệu bị coi là “rác” ảnh 1

Phụ tùng, máy móc cũ đựng trong các thùng các-tông được nhập về cảng Hải Phòng đang bị hải quan coi là rác.

“Chúng tôi nhập thép phế liệu về cảng đã nhiều tháng nay. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa thể đưa thép về để kinh doanh được. Đây là điều mà tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong tình cảnh tương tự không thể nào chấp nhận”- bà Trân Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Sinh Hùng (Hải Phòng) bức xúc.

Lý do toàn bộ số thép của công ty này không thể thông quan, theo bà Hiếu, vì phía “nhà cảng” khẳng định họ vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Bà giải thích thêm: “Bên Cục Hải quan Hải Phòng và cảng Hải Phòng cho rằng những lô hàng của chúng tôi nhập về là rác thải công nghiệp vì trong đó có lẫn các loại máy móc, sản phẩm khác. Trong khi tôi có thể khẳng định rằng, 90% trong số này là máy móc cũ và đã có giấy tờ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Tất nhiên, là hàng phế liệu không thể không lẫn một vài “tạp chất”, nhưng tỷ lệ là rất nhỏ. Vả lại, trước ngày 1-7, việc nhập khẩu những loại hàng như thế này vẫn bình thường”.

Còn ông Trần Bá Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt, một doanh nghiệp nhập khẩu thép chủ lực và lâu năm ở Thái Nguyên, cũng đang gặp phải tình cảnh tương tự, nói thẳng: “Thực ra các doanh nghiệp vẫn có thể làm thủ tục thông quan được với điều kiện là đáp ứng yêu cầu của “nhà cảng”: mỗi container chi khoảng 2 triệu đồng tiền bồi dưỡng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hoàng Dương, Trưởng phòng nghiệp vụ - Cục Hải quan Hải Phòng tâm sự, phía các cơ quan thực thi luật như hải quan và bảo vệ môi trường không thể làm khác luật được. Song ông Dương cũng khẳng định Luật Bảo vệ môi trường còn có những điểm chưa rõ ràng nên đã làm khó cho cả hải quan và các doanh nghiệp.

Ông Dương khẳng định, nếu quy chiếu theo Luật Bảo vệ môi trường thì hiện ở cảng Hải Phòng đang tồn đọng khoảng 6.000 tấn thép phế liệu bị coi là “rác”. Trong đó, chủ yếu là những con tàu cũ được nhập về để chờ phá dỡ làm nguồn nguyên liệu. Số còn lại là các phương tiện, máy móc, phụ tùng khác.

Theo ông Nguyễn Xuân Quý, Giám đốc Công ty TNHH Quý Hải, một trong gần 20 công ty chuyên nhập khẩu tàu cũ từ nước ngoài về để phá dỡ, khai thác sắt thép phế liệu, hiện nay nguồn thép phế liệu thu được ở nước ta có tới 95%-98% là từ việc phá dỡ các con tàu cũ. Bởi vậy, ông không đồng tình với quy định cấm nhập khẩu tàu cũ của Luật Bảo vệ môi trường. Theo ông, khi soạn thảo dự án này, ban soạn thảo đã không “lắng nghe”, tìm hiểu tâm tư của các doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng không thể chấp nhận được hiện tượng chỉ trong chưa đầy 2 tháng đã có 2 văn bản luật “đá” nhau. Cụ thể, ngày 18-5-2006, Chính phủ đã ban hành nghị định 49/2006/NĐ-CP cho phép nhập tàu biển về phá dỡ với những điều kiện nhất định. Nhưng đến ngày 1-7, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực lại cấm doanh nghiệp nhập khẩu tàu về phá dỡ. “Luật có hiệu lực thì hàng chục tàu của chúng tôi đã được kéo về cảng, chúng tôi trở tay không kịp nữa”- ông Quý giãi bày.

  • Không thông quan thì sẽ “đói” thép nguyên liệu

Thép phế liệu bị coi là “rác” ảnh 2
Xe cẩu đang bốc các container thép phế liệu vào bãi cảng chùa Vẽ (Hải Phòng), không biết khi nào mới có thể thông quan.

Ông Nguyễn Trọng Khôi, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam nhận định, Luật Bảo vệ môi trường với việc cấm nhập khẩu phương tiện giao thông đã qua sử dụng để phá dỡ và Nghị định 12 không cho phép nhập vỏ khung gầm ô tô đã qua sử dụng sẽ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh thép ở trong nước gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi vì chúng ta sẽ không có đủ nguồn nguyên liệu thép phế liệu để phục vụ sản xuất thép trong nước.

Ông Khôi khẳng định, hiện ở nước ta, tổng công suất luyện thép đã đạt 4 triệu tấn. Trong khi nguyên liệu trong nước chỉ có khoảng 1 triệu tấn. Còn lại, chúng ta đang phải nhập khẩu tới 3 triệu tấn nguyên liệu. Theo ông, các cơ quan hải quan, bảo vệ môi trường không nên vận dụng một cách khiên cưỡng những quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội, mục đích của Luật Bảo vệ môi trường là nhằm hạn chế những hậu quả từ việc nhập thép phế liệu đến môi trường. Tuy nhiên, ông Tuyến cũng thừa nhận, điểm yếu của các nhà soạn luật là chưa đưa ra được những quy định nhằm giúp cả hải quan và doanh nghiệp phân định được đâu là rác thải công nghiệp, đâu là nguyên liệu thép phế có thể nhập khẩu để sản xuất phôi?

Theo quan điểm của ông Tuyến, hiện nay việc sửa Luật Bảo vệ môi trường là rất khó. Bởi vậy, Bộ TN-MT, Tổng cục Hải quan và các cơ quan có liên quan phải có ngay những văn bản hướng dẫn về danh mục các loại thép phế liệu cầm nhập khẩu để doanh nghiệp có căn cứ cụ thể. Đồng thời, đối với các lô hàng đã nhập khẩu trước ngày 1-7, phải triển khai thông quan ngay cho họ. 

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục