Thống nhất 7 lĩnh vực liên kết tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên

Sau nhiều lần bàn bạc của lãnh đạo 4 địa phương (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ), cùng sự góp ý của các bộ ngành Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia… các tỉnh thống nhất 7 lĩnh vực liên kết phát triển tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.
Tứ giác Long Xuyên là vùng sản xuất lúa gạo chủ lực của ĐBSCL
Tứ giác Long Xuyên là vùng sản xuất lúa gạo chủ lực của ĐBSCL

Ngày 17-10, UBND TP Cần Thơ phối hợp cùng các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang tổ chức hội nghị bàn về giải pháp liên kết tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. 

Việc liên kết theo hướng phồn thịnh, nâng cao chất lượng sống cho người dân, việc phát triển thông qua liên kết, hợp tác giữa các bên tham gia.

Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Tứ giác Long Xuyên là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của ĐBSCL và cả nước. Tứ giác Long Xuyên thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ với tổng diện tích hơn 500.000ha, sản lượng lúa hơn 5 triệu tấn/năm. Đây là vùng trũng tự nhiên, nằm ở phía đầu nguồn ĐBSCL. Cùng với Đồng Tháp Mười phía tả ngạn sông Tiền, Tứ giác Long Xuyên có chức năng điều tiết thủy văn quan trọng cho toàn vùng ĐBSCL. Thông thường khi vào mùa lũ, vùng này ngập tự khiên khoảng 3m, vì vậy hấp thu một khối lượng lớn nước lũ, phù sa, tài nguyên thủy sản… đồng thời giúp giảm ngập cho các vùng phía hạ lưu. Đến mùa khô, nước lũ trong vùng trũng này sẽ bổ sung cho dòng chảy, giúp cân bằng ranh giới mặn- ngọt cho các tỉnh ven biển”.

Bốn tỉnh thống nhất 7 lĩnh vực liên kết phát triển tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên
Là vùng sản xuất lúa gạo, nuôi thủy sản… khá lớn, tuy nhiên trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất ở Tứ giác Long Xuyên.
Việc Trung Quốc xây dựng 7 thủy điện trên dòng chính sông Mê Công làm ảnh hưởng nguồn nước ngọt về ĐBSCL, đồng thời gây tổn thất về nguồn thủy sản nước ngọt. Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm nước ngầm, sụt lún đất diễn ra gay gắt và khó lường; đa dạng sinh học đất ngập nước suy giảm do mất sinh cảnh; các khu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước còn lại diện tích nhỏ và rời rạc.
Vấn đề gia tăng canh tác lúa ba vụ hàng năm trong đê bao khép kín ở Tứ giác Long Xuyên tăng nhanh từ sau năm 2000, dẫn đến đất đai có nguy cơ bị cạn kiệt dinh dưỡng, chi phí sản xuất gia tăng, lợi nhuận giảm…
Vấn đề lo ngại là thời gian qua, mỗi địa phương ở Tứ giác Long Xuyên theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội riêng lẻ; điều này có sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau, không phát huy được sức mạnh vùng, khó khăn trong việc phát triển hạ tầng, vận chuyển nông sản hàng hóa…
Để đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững thì việc liên kết phát triển tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia về đất ngập nước và hệ sinh thái ở ĐBSCL, lưu ý: Việc liên kết tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên cần hướng đến sự phát triển bền vững cả 3 mặt là “kinh tế, xã hội và môi trường”. Theo đó, về kinh tế phấn đấu đến năm 2030 thu nhập của người dân ở Tứ giác Long Xuyên từ bằng đến cao hơn trung bình ĐBSCL; về xã hội cần xây dựng Tứ giác Long Xuyên là nơi đáng sống, chất lượng đời sống cao, bộ máy chính quyền thân thiện, phục vụ, kiến tạo; về môi trường phải trong lành, không ô nhiễm về đất, nước, không khí…
Sau nhiều lần bàn bạc của lãnh đạo 4 địa phương (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ), cùng sự góp ý của các bộ ngành Trung ương, các nhà khoa học, chuyên gia… các tỉnh thống nhất 7 lĩnh vực liên kết phát triển tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: quy hoạch, kế hoạch; sản xuất và xúc tiến thương mại, nông nghiệp, thủy sản; phát triển du lịch; quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư; thiết lập hệ thống thông tin vùng; xây dựng thể chế, chính sách cho tiểu vùng.
Các tỉnh thống nhất trong tháng 10 và tháng 11-2017, sẽ chọn đơn vị xây dựng đề án chi tiết về liên kết tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, ước tính kinh phí khoảng 4,5 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục