Thông qua nghị quyết thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc tỉnh Nam Định

Sáng 13-12, tại phiên họp thứ 19, sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trên cơ sở các ý kiến thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thông qua nghị quyết về việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Tại Tờ trình số 538/TTr-CP của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Ninh Cường, thị trấn Ninh Cường được thành lập trên cơ sở toàn bộ 7,41 km²diện tích tự nhiên, 10.244 người và 16 xóm của xã Trực Phú. Xã Trực Phú là cửa ngõ phía Tây Nam của huyện Trực Ninh, là đầu mối giao thông nối liền các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Hải Hậu thuộc tỉnh Nam Định.

Chính phủ cho biết việc thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định dựa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Trực Phú được nhận định là “sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân ở địa bàn này; đáp ứng quá trình đô thị hóa của huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; đáp ứng các tiêu chuẩn thành lập thị trấn quy định tại Điều 9 của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5-2016 của UBTVQH (Nghị quyết số 1211) và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định với những lý do nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Thông qua nghị quyết thành lập thị trấn Ninh Cường thuộc tỉnh Nam Định ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Tuy nhiên, tại phiên họp thẩm tra, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc đổi tên từ Trực Phú sang Ninh Cường vì tên gọi Trực Phú đã hình thành ổn định từ năm 1956 đến nay. Một số ý kiến cho rằng, việc thành lập thị trấn trên cơ sở nguyên trạng diện tích và dân số của một xã nhưng lại mang tên mới, có thể phát sinh những khó khăn, tốn kém nhất định. Trường hợp đổi tên thành thị trấn Ninh Cường thì cần làm rõ ý nghĩa chính trị, lịch sử của tên gọi Ninh Cường.   

Giải trình về vấn đề này, báo cáo của Chính phủ cho rằng, địa bàn xã Trực Phú hiện nay có lịch sử từ thời phong kiến là thủ phủ của tổng Ninh Cường, các địa danh trên địa bàn xã Trực Phú đều gắn liền với từ Ninh Cường. Theo đó, tên gọi Ninh Cường đã ăn sâu vào tiềm thức người dân xã Trực Phú. Vì vậy, việc đổi tên gọi khi thành lập thị trấn từ Trực Phú thành Ninh Cường là lấy lại tên một địa danh không chỉ mang ý nghĩa chính trị, mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương.

Qua lấy ý kiến cử tri, việc đổi tên gọi này đã nhận được ý kiến đồng thuận của 99,69% cử tri trên địa bàn xã Trực Phú. Tên gọi này đã được HĐND xã Trực Phú, HĐND huyện Trực Ninh, HĐND tỉnh Nam Định tán thành và Chính phủ cũng nhất trí đề nghị UBTVQH xem xét, quyết định.

“Qua lấy phiếu các thành viên của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong số 40/42 ý kiến đồng ý thành lập thị trấn, có 28/40 ý kiến tán thành đổi sang tên gọi là Ninh Cường (chiếm 70%); 12/40 ý kiến đề nghị giữ nguyên tên gọi Trực Phú (chiếm 30%)”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết.

Người đứng đầu Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, tới đây Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân (thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương) khi tách nhập, đổi tên các đơn vị hành chính. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã tiếp thu ý kiến này.

Tin cùng chuyên mục