Siêu thị ở Cần Thơ

“Bên kia pháo nổ, bên này quạnh hiu”

Ngày 22-7-2006, Vinatex đã khai trương siêu thị thứ 29, siêu thị lớn nhất trong hệ thống của mình tại Cần Thơ với diện tích mặt bằng 1.700m2, cao 5 tầng chưa kể 1 tầng hầm để xe. Trước đó, tháng 9-2006, siêu thị Maximart nằm ngay vị trí “vàng”, ngã tư Nguyễn Trãi – Hùng Vương, cửa ngõ vô nội ô cũng đã đi vào hoạt động.

Chỉ trong vòng một năm, ngay khi vừa được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương, liên tiếp ba siêu thị lớn Citimart, Co.op Mart, Metro Cash & Carry Hưng Lợi xuất hiện tại Cần Thơ. Đó là chưa kể một số siêu thị – trung tâm thương mại khác (siêu thị sách 9 tầng, siêu thị điện tử Gol Mart, trung tâm thương mại đối diện Bảo tàng QK9...) đang thi công hoặc chuẩn bị triển khai.

Cần Thơ, TP đồng bằng cấp quốc gia đã khẳng định được vị trí trung tâm vùng qua tính hiện đại của một hệ thống dịch vụ thương mại cao cấp. Các siêu thị lớn xuất hiện không chỉ làm nóng thị trường, làm tăng nguồn thu, tăng tổng mức hàng hóa bán ra mà quan trọng hơn giúp người dân tiếp cận với một phong cách phục vụ, một phương thức kinh doanh, quản lý mới, hiện đại; góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực tương xứng, mang tính chuyên nghiệp cao; vừa giúp giảm áp lực của chợ truyền thống vừa cải cách hệ thống phân phối hàng hóa.

Một bước đi ngắn trong siêu thị (thang máy) là cú nhảy dài của hội nhập. “Văn hóa siêu thị” đang dần hình thành, tác động mạnh vào cuộc sống cư dân, thổi “hồn đô thị” cho thành phố trẻ ven sông Hậu.

Tỷ lệ ngày càng cao sản phẩm đồng bằng trong các siêu thị (cá đồng Cà Mau, trái cây Tiền Giang, Vĩnh Long, kẹo dừa Bến Tre, mắm Châu Đốc, cá ba sa An Giang...) mở ra hướng tiêu thụ mới cho người nông dân đồng thời siêu thị cũng trở thành kênh quảng bá thương hiệu quan trọng cho hàng Việt Nam. Song song đó là bước chuyển lớn trong nhận thức về quản lý, đăng ký chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, các điều kiện cạnh tranh (bao bì, mã số thuế, “hàng sạch”…) của các doanh nghiệp...

Có một điều cần bàn là tất cả các siêu thị đang hoạt động và chuẩn bị đi vào hoạt động đều chỉ tập trung tại những nơi “đắc địa” trên địa bàn quận Ninh Kiều, quận trung tâm của TP Cần Thơ.

Việc quy hoạch vị trí các siêu thị – trung tâm thương mại khá dày như vậy khiến các sản phẩm bày bán đã có sự trùng lặp khá cao; thị phần bị chia nhỏ không cần thiết đồng thời còn làm cho người tiêu dùng nơi khác bị thiệt thòi… Hiện tượng “Bên kia pháo nổ, bên này quạnh hiu” đã xuất hiện. Theo đánh giá của những người am hiểu, hiện chỉ có hai siêu thị Co.op Mart, Metro Cash & Carry Hưng Lợi được coi là kinh doanh có hiệu quả.

Xây dựng siêu thị, khu trung tâm thương mại cao cấp, bề thế thì ngoài cách quản lý phải hiện đại, hàng hóa đa dạng thể hiện đẳng cấp, xu hướng tiêu dùng riêng rõ ràng còn phụ thuộc vào yếu tố mật độ trên cùng một loại hình và mặt hàng kinh doanh. Nắm bắt được thời cơ, phân tích được thị trường, cách đây hơn 1 năm, Co-op Mart đã dự tính sẽ phát triển chuỗi siêu thị mới, xuống tận quận huyện (Thốt Nốt…).

Một chuyên gia, ông Lê Phụng Hào, Phó Chủ tịch Hội Marketing TPHCM có lần đã phân tích: “Xây các trung tâm kinh doanh lớn, có vị trí mặt bằng trung tâm đô thị hay mở nhiều điểm đồng loạt chưa hẳn đã tốt. Một siêu thị chuyên bán hàng bình dân đặt ở khu trung tâm thành phố sẽ khó cạnh tranh với siêu thị chuyên bán hàng hiệu. Điều mà các nhà bán lẻ cần tính toán là sự thay đổi của thị trường, của tâm lý tiêu dùng, của đời sống kinh tế xã hội Việt Nam những năm 2010 để có chiến lược thích hợp”.

Đó là điều cần lưu tâm trong xu hướng phát triển nhanh cơ sở hạ tầng thương mại tại đây. Nhất là khi đề án quy hoạch, phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Cần Thơ đến năm 2010 đã ước tính nhu cầu vốn lên đến 2.528 tỷ đồng, trong đó riêng vốn xây dựng siêu thị hơn 300 tỷ đồng, vốn xây dựng trung tâm thương mại hơn 1.400 tỷ đồng.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục