Ngôi trường sau “cổng” nghĩa địa!

Ngôi trường sau “cổng” nghĩa địa!

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân vừa có chuyến làm việc với tỉnh Kiên Giang. Địa điểm mà bộ trưởng tới thăm đầu tiên là Trường THCS Chu Văn An. Nghe nói đó là một trường yếu kém của TP Rạch Giá. Đón tân bộ trưởng về mà mời đến ngay một trường yếu kém thì quả là lạ!

  • Hai “trụ cổng trường”...lạ nhất thế giới!

Trường THCS Chu Văn An nằm ở trung tâm TP Rạch Giá, thuộc phường Vĩnh Lạc. Từ đại lộ Nguyễn Trung Trực - đoạn cách cổng Tam quan nổi tiếng khoảng 100m – sẽ nhìn thấy tấm bảng tên trường màu xanh đã bạc màu chỉ hướng rẽ vào trường. Hướng rẽ ấy mang tên đường Đặng Trần Côn - tác giả “Chinh phụ ngâm khúc” - nhưng thực ra mới là một hẻm nhỏ xuyên qua… nghĩa địa.

Ngôi trường sau “cổng” nghĩa địa! ảnh 1
Đường vào Trường THCS Chu Văn An và hai “trụ cổng” là hai ngôi mộ cổ.

Từ xa, chúng tôi nhìn thấy hai “trụ cổng” rất lạ, có chữ Hán, tuy không cao nhưng bề thế cổ kính, có vẻ như đây là một trong những ngôi trường xưa nhất của Kiên Giang, mang tên vị sư thánh. Nhưng đến gần hóa ra không phải hai trụ cổng mà là hai ngôi mộ lớn của người Hoa.

Và con đường vào trường đích thực đi vào khoảng trống 2m giữa hai ngôi mộ ấy! Vào trong, có thể tóm tắt hình dáng ngôi trường bằng câu nói của chính Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: “Nghèo nàn, thiếu thốn hơn cả ngôi trường tôi đã học gần nửa thế kỷ trước!”.

Đúng là Trường THCS Chu Văn An rất nghèo. Không có phòng họp, phòng thí nghiệm, phòng thiết bị, sân thể dục, phòng cách âm để học nhạc… và cả phòng ban giám hiệu! Tất cả “phòng chức năng” hiện có thực chất chỉ là sự cố gắng sắp xếp, lắp ghép, thu vén kiểu con nhà nghèo – của 53 CB-CNV và thầy cô giáo của trường – để dành những gì tốt nhất cho 8.000 học sinh. Đó là 11 phòng học ẩm ướt, trần thấp lè tè, mở hết cửa sổ, bật hết 3 bóng đèn néon 1,2m cũng không đủ sáng.

Chúng tôi đến các phòng học. Những bàn ghế vừa hư cũ vừa nhỏ bé chỉ vừa với học sinh lớp 5, lớp 6. Cô hiệu trưởng Phan Thị Lý ngậm ngùi: “Các em lớp 8, lớp 9 phải ngồi khom lưng mà viết!”. Trong phòng thiết bị nhỏ bé – thực chất là một nhà kho tổng hợp chứa đủ thứ liên quan đến dạy và học.

Thiết bị, đồ dùng học tập rất thiếu. Thiếu bản đồ, thiếu tranh ảnh minh họa cho nhiều môn học. Bản đồ không tráng nhựa (thầy cô cưng như con cầu tự) mà vẫn khó toàn vẹn sau vài lần sử dụng.
Ấy vậy mà Trường THCS Chu Văn An không hề yếu kém về chất lượng đào tạo. Dù đầu vào là học sinh nghèo vùng ven và những em “không thể chạy vào trường đẹp hơn”, nhưng tỉ lệ học sinh khá, giỏi  chỉ thua các trường điểm.

  • Những công trình dài nhất thế kỷ

Dư luận xã hội đã lên tiếng bất bình về nhiều công trình “dần xây”, vừa làm vừa nghỉ khiến người dân nín thở. Trường THCS Chu Văn An cũng có 3 công trình như thế. Đó là con hẻm xi măng nối đại lộ Nguyễn Trung Trực - khép nép xen giữa 2 ngôi mộ bề thế đã nói ở đầu bài - đi vào trường. Công trình vỏn vẹn 200m này đã hoàn thành sau… 19 năm.

Chuyện là… Trường Chu Văn An (thành lập năm 1986) nằm trên con đường cùng tên, nhưng đường này không đi được vì nó chưa thành đường lộ mà chỉ là đường mòn quanh co, lầy lội. Do đi từ Nguyễn Trung Trực vào thuận lợi hơn nên Hội phụ huynh học sinh (PHHS) cùng thầy và trò đồng lòng đào đắp, mở một lối đi mới.

Đào đắp liên tục nhưng vào mùa mưa nước vẫn ngập lên đầu gối. Năm 2003, từ nguồn kinh phí phòng chống thiên tai, tỉnh định biến hẻm thành con đường hoành tráng nhưng vướng công tác đền bù giải tỏa nên… thôi! Năm học 2005-2006, trường kêu cứu và TP Rạch Giá cấp cho gần 55 triệu đồng từ quỹ công ích để tráng xi măng. Thế là sau 19 năm thành lập, thầy và trò Trường THCS Chu Văn An mới thoát khỏi cảnh xắn quần xách dép suốt mùa mưa lũ.

Cái sân trường bé tí chưa đầy 500m2 cũng là công trình… xây dần bằng tiền PHHS đóng góp trong 4 năm, từ một đoạn 5m cho học sinh “rút chân khỏi nước ngập” bước lên hành lang phòng học đầu tiên, đến khoảng sân chào cờ, đến hàng rào đơn sơ cách ly với khu dân cư. Cuối cùng là cái cổng trường phía đường Chu Văn An cũng từ cổng tre cuộn kẽm gai tiến lên cổng sắt bằng kinh phí của Phòng Giáo dục TP Rạch Giá sau 18 năm.

Nhưng từ cổng này vào được phòng học đầu tiên còn 10m ngập sình lầy và nó được tôn nền – sau 17 năm - nhờ năm 2003 đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Thu - Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Lạc vận động bạn bè góp tặng 3 triệu đồng.

  • Chuyện 3.000m2 = 15.300m2

Nhiều người thắc mắc: quỹ đất Rạch Giá vào năm 1986 còn quá nhiều tại sao phải xây dựng một ngôi trường nằm trên nghĩa địa, quay mặt vào một con đường chưa thể đi, phải mất công mở lối thoát khác về hướng Nguyễn Trung Trực thì được cô Hiệu trưởng Phan Thị Lý giải thích: Vì có sẵn 3 phòng học hư cũ được cất từ hồi xửa hồi xưa và vì tỉnh đã quy hoạch cho trường tại chính đất này tới 15.300m2.

Đó là Quyết định số 431/QĐ-UB do Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Xe ký cách nay gần 2 thập kỷ. Nhưng với Trường PTCS An Lạc 1 (tức Trường THCS Chu Văn An) là mảnh đất trong mơ. Hai vị hiệu trưởng nối tiếp nhau “chạy marathon” gần 20 năm vẫn không cơ quan chức năng nào cắm mốc, xác định ranh giao đất, di dời các hộ dân trong khu quy hoạch.

Từ 9 hộ dân ngày ấy, nay phát triển thành 19 hộ. Họ dồn trường “cụm” lại trong mảnh đất xéo 3.000m2, PHHS phải gom góp nhiều năm mới làm xong hàng rào để tự bảo vệ mình. Trường không mở lớp phụ đạo cho học sinh yếu vào ban đêm được vì nhiều tên bất hảo núp sau những chòm mả sẵn sàng tấn công thô bạo nữ sinh và cô giáo.

Bao giờ con đường mang tên tác giả “Chinh phụ ngâm khúc” là đường đến trường để không ai tưởng nhầm hai ngôi mộ là trụ cổng trường? Bao giờ học sinh ngôi trường nằm trên nghĩa địa cũ này thôi ngơ ngác trước con tính 3.000m2 = 15.300m2?

NGUYỄN THỊ KỲ

Tin cùng chuyên mục