Loạn thu phí ở nông thôn Bạc Liêu: Dân nghèo “chới với”

“Muốn qua sông phải lụy đò”
Loạn thu phí ở nông thôn Bạc Liêu: Dân nghèo “chới với”

Tại nhiều vùng nông thôn Bạc Liêu, người dân vẫn đang phải nai lưng đóng hàng loạt phí, quỹ. Trên danh nghĩa các loại quỹ là “vận động nhân dân đóng góp” nhưng thực chất cán bộ cơ sở đã bắt buộc dân phải đóng, nhất là khi có việc cần xin dấu “mộc đỏ xác nhận” của các cấp chính quyền… 
   
“Muốn qua sông phải lụy đò”

Anh Huỳnh Văn Đấu, ấp Trà Hất, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu bức xúc: “Nhà tôi có 4 công ruộng, 5 nhân khẩu mà năm nào cũng bị chính quyền gửi giấy đòi đóng tiền ủng hộ, thu các loại phí gần 400.000đ. Năm 2007, tôi chưa kịp đóng thì bị xã cho giấy mời lên công an xã làm việc. Chị của tôi xin giấy tạm vắng cho con đi làm công nhân tại TPHCM phải đóng các quỹ ủng hộ gần 100.000đ mới được xác nhận”.

Trong khi đó, tại thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, bà con nông dân bị đóng tiền quá nhiều loại phí, quỹ từ khi vùng quê nghèo này được “lên đời thành thị trấn”. Hàng loạt các loại phí tăng lên gấp đôi, có loại tăng gấp 3 lần…

Ông Nguyễn Văn Hai Mươi Mốt, xã Phong Tân, huyện Giá Rai (biên lai ghi Nguyễn Văn 21) mới đầu năm mà phải nộp một loạt các khoản gồm: quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ người nghèo và thuế nhà đất.

Loạn thu phí ở nông thôn Bạc Liêu: Dân nghèo “chới với” ảnh 1
Trong vòng 5 tháng anh Lê Văn Việt phải đóng 17 loại phí, quỹ

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hai Mươi Mốt cười méo xẹo, nói: “Hồi nào tới giờ, ở đây thu như vậy không hà. Hễ cứ làm giấy tờ, thủ tục đầu tiên là phải đóng hết các khoản phí, quỹ, thuế…”.

Điều hết sức ngạc nhiên là dù đã sang năm 2008 nhưng bà con nông dân ở đây vẫn phải đóng đủ loại quỹ khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ an ninh quốc phòng, thủy lợi phí, quỹ cơ sở hạ tầng, quỹ lao động công ích của năm 2007. Không ai bị bỏ sót, nhất là khi có việc phải cần nhờ chính quyền xác nhận, “xin mộc đỏ”…

Nhiều người dân ngao ngán cho rằng: Đây là quy định bất thành văn từ ấp đến xã, nhất là khi phải làm thủ tục như vay vốn, làm sổ đỏ, chứng giấy tờ để đi làm xa. Đúng là “muốn qua sông thì phải lụy đò”…

5 tháng, 17 lần đóng các loại phí, quỹ

Chuyện khó tin nhưng có thật 100% tại xã Phong Tân, huyện Giá Rai. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Lê Văn Việt, ấp 16A, xã Phong Tân, huyện Giá Rai bức xúc đưa ra 17 hóa đơn thu phí và các loại quỹ vận động trong nhân dân đóng góp từ tháng 11-2007 đến tháng 3-2008, tổng cộng gần 1,5 triệu đồng.

Chuyện đóng các loại phí, quỹ vận động của anh Việt còn lạ lùng hơn. Chỉ trong ngày 1-11-2007, để được chứng nhận hồ sơ làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, anh Việt phải đóng các khoản gồm: quỹ khuyến học, quỹ người nghèo, quỹ bảo trợ trẻ em, thủy lợi phí, quỹ an ninh quốc phòng, quỹ đền ơn đáp nghĩa, tổng cộng là 260.000đ.

Trớ trêu là người đứng tên để đóng các loại phí đó lại được ghi trong biên lai là Lê Văn Thảo, anh ruột của anh Việt, đã chết hơn 7 năm nay. Do thủ tục còn phức tạp, địa phương yêu cầu anh Việt phải đóng tiếp quỹ cơ sở hạ tầng 599.000đ (hóa đơn số 085578 ngày 11-1-2008)…

Vì hoàn cảnh nghèo khó, nợ nần chồng chất, vợ chồng anh Việt quyết định sang nhượng cho 2 người bà con 3 công đất (3.000m2), chia làm 2 đợt. Để được hoàn tất các thủ tục, vợ chồng anh Việt phải nộp gần 3 triệu đồng tiền các loại quỹ, phí cho địa phương. Anh Việt than thở: “Không có tiền, tôi phải vay tiền nóng bên ngoài để nộp phí cho địa phương”.

Áp lực từ cấp trên (?!)

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Trạng, Chủ tịch UBND xã Phong Tân thừa nhận: “Trước năm 2007, xã thu 8 loại phí, quỹ vận động nhưng từ đầu năm 2008, chỉ còn giữ lại 4 loại là quỹ người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, bảo trợ trẻ em và khuyến học”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề về trường hợp của anh Lê Văn Việt, ông Trạng nói không biết và hứa sẽ kiểm tra lại, nếu có là do ấp làm sai trong cách vận động. Do chỉ tiêu đề ra từ huyện rồi đưa xuống xã, phân bổ về ấp. Ấp muốn đạt chỉ tiêu vận động nên “đè dân” mà thu.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi thừa nhận thu quỹ do nhân dân đóng góp ở nông thôn không chỉ dân khổ mà cả cán bộ cũng khổ.

Nông dân quanh năm chỉ có ruộng đồng, có cái ăn, cái mặc đã khó, lại đủ thứ phí, quỹ “đè” lên, ngay cả chính quyền cũng thấy ngại. Nhưng không thu thì không được, vì chỉ tiêu của huyện giao, không hoàn thành không được. Từ đó, xã phân bổ về ấp và ở ấp là nơi phải chịu trách nhiệm thu các loại quỹ này.

Họ cũng bị áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu, do đó, nhiều khi cách thu (dù được nhắc nhở là chỉ vận động) nhưng trên thực tế, họ tìm đủ mọi cách để thu cho đủ, kể cả ép buộc.

Hơn nữa, định mức để thu các loại quỹ do nhân dân đóng góp lại quá cao và được ấn định mức thu hẳn hoi. Cụ thể, thu hạ tầng cơ sở (tính chia đều hết toàn xã, hộ nào cũng phải có nghĩa vụ đóng góp) và được tính trên diện tích đất để thu, cứ 1ha thì thu 100.000đ; quỹ lao động công ích cứ 1 người phải đóng 100.000đ/năm; còn lại là quỹ vận động đền ơn đáp nghĩa, quỹ người nghèo….

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục