Cần Thơ, Quy hoạch đón đầu “treo”… 11 năm

Cần Thơ, Quy hoạch đón đầu “treo”… 11 năm

(SGGP-12G).- Người dân tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ phải “sống treo” suốt 11 năm qua bì bị vì một quy hoạch chi tiết 1/500... Và giờ đây chính quyền huyện Cờ Đỏ thừa nhận quy hoạch này vẫn còn nằm trên giấy và không biết khi nào mới thực hiện. Chính vì thế, 11 năm qua, hàng loạt quyền lợi chính đáng, hợp pháp của dân như xây dựng nhà cửa, chuyển mục đích sử dụng đất… bị hạn chế; cuộc sống, sản xuất ảnh hưởng nghiêm trọng.

Quy hoạch kiểu… “trời ơi”!

Ngày 9-10-1998, ông Võ Văn Lũy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) ký Quyết định số 2677/1998/QĐ.UBT, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm thị trấn Cờ Đỏ (thuộc huyện Ô Môn (cũ)), diện tích 43ha. Theo đó sẽ xây dựng các cơ quan nhà nước khối Đảng và chính quyền, đoàn thể, các ngành chức năng, trường học, khu nhà ở… của huyện tại thị trấn Cờ Đỏ.

Dù các dãy phố này nằm ngay tại trung tâm thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ nhưng đến nay vẫn là đất lúa vì vướng quy hoạch treo 11 năm qua

Dù các dãy phố này nằm ngay tại trung tâm thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ nhưng đến nay vẫn là đất lúa vì vướng quy hoạch treo 11 năm qua

Thật lạ lùng, năm 1998 ban hành quyết định quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng phải đến 6 năm sau (ngày 1-1-2004), tỉnh Cần Thơ (cũ) mới chia tách thành tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ. Đến ngày 2-1-2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 05, thành lập huyện Cờ Đỏ trên cơ sở tách một phần diện tích của huyện Ô Môn (cũ). Tuy nhiên, cơ quan hành chính của huyện mới Cờ Đỏ lại được đặt tại thị trấn Thới Lai. Tiếp đó, ngày 1-3-2009, TP Cần Thơ công bố Nghị định số 12/NĐ-CP về việc thành lập mới huyện Thới Lai trên cơ sở chia tách từ huyện Cờ Đỏ thành huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ. Đến lúc này, cơ quan hành chính của huyện Cờ Đỏ mới đặt tại thị trấn Cờ Đỏ.     

“Nhất bên trọng, nhất bên khinh”

Do khó khăn về chỗ ở, năm 2001, hàng chục hộ dân ở thị trấn Cờ Đỏ có mua đất nông nghiệp của các hộ dân (đã có giấy CNQSDĐ) nằm cặp tỉnh lộ 922 (thuộc ấp Thới Thuận) để xây cất nhà ở. Nhưng 8 năm trôi qua, rất nhiều người trong số này vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”, chuyển đổi mục đích sử dụng vì nằm trong quy hoạch…

Tiêu biểu: Năm 2001, do khó khăn về chỗ ở, gia đình ông Trần Văn Phùng (thị trấn Cờ Đỏ) đi vay ngân hàng 150 triệu đồng để cất lại căn nhà cấp 4 thuộc phần đất của mình (trên nền nhà cấp 4 cũ đã xuống cấp, hư hỏng nặng) thì… bị cấm. Ông Phùng rưng rưng nước mắt: “Quy hoạch 11 năm mà không thực hiện. Trong khi đó, gia đình tôi bức xúc về nhà ở nên mới xây nhà trên phần đất của mình (có giấy CNQSDĐ lúa) và cam kết tự tháo gỡ, không yêu cầu bồi thường khi chính quyền triển khai quy hoạch nhưng vẫn không được chấp thuận”.

Thật bất ngờ là trong khi chính quyền địa phương luôn cho rằng do có quy hoạch nên không giải quyết cấp giấy chủ quyền đất, chuyển mục đích sử dụng, cấp phép xây dựng nhà… cho các hộ dân trong vùng ảnh hưởng. Nhưng theo điều tra của chúng tôi, hàng loạt trường hợp nằm trong quy hoạch này vẫn được cấp giấy CNQDĐ, cho chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất thổ cư như hộ bà L.T.D, D.C.B… Thậm chí một ngân hàng cổ phần được tạo điều kiện cấp giấy CNQSDĐ, chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất thổ cư để xây dựng trụ sở trên diện tích lớn ngay tại khu vực quy hoạch xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước cấp huyện… Quả là “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục