Bình Định: Phát triển kinh tế công nghiệp

Bình Định: Phát triển kinh tế công nghiệp

Trong nửa thập niên qua, tỉnh Bình Định đã có bước chuyển ngoạn mục. GDP tăng 10,9%/năm, đạt 940 USD/người, thu ngân sách tăng 22,6%/năm... Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tăng trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ.

Phát triển toàn diện

Giá trị sản xuất công nghiệp của Bình Định tăng bình quân hàng năm 16% giai đoạn 2006-2010. Ngoài những KCN Phú Tài, Long Mỹ… nay có thêm những KCN mới như Nhơn Hòa, Hòa Hội và một số cụm công nghiệp, làng nghề ở các huyện An Nhơn, Hoài Nhơn… đang được xây dựng. Đến nay, Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội đã có 32 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 32.400 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án FDI với tổng vốn 495,7 triệu USD. Hiện khu A (khu công nghiệp) của KKT Nhơn Hội đã san lấp được 434ha, khu B san lấp được 170 ha, khu C san lấp mặt bằng và thi công các tuyến giao thông nội bộ với vốn đầu tư hơn 34 tỷ đồng, khu phi thuế quan san lấp được 123 ha…

Khu công nghiệp Phú Tài ở TP Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT

Khu công nghiệp Phú Tài ở TP Quy Nhơn tỉnh Bình Định. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT

Các KCN đã thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang tiếp tục phát triển và các dịch vụ phục vụ kinh tế nông nghiệp, nông thôn được đầu tư phát triển đa dạng hơn. Sản lượng lương thực có hạt năm 2010 đạt khoảng 689.500 tấn (tăng 128.500 tấn so với năm 2005), giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm tăng 7,5%. Lượng khách du lịch của Bình Định tăng bình quân hàng năm 22,1%, doanh thu du lịch tăng 24,8%. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2010 đạt khoảng 2.840 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2005.

Nhiều công trình hạ tầng có tác động lớn đến đến dân sinh, làm thay đổi bộ mặt của Bình Định như cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, hồ thủy lợi Định Bình, đường Xuân Diệu, tượng đài Hoàng đế Quang Trung (Bảo tàng Quang Trung), nhà văn hóa trung tâm… đã được đưa vào sử dụng. Năm 2010, TP Quy Nhơn được Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đánh dấu một mốc son trên hành trình phát triển của Bình Định.

Đột phá công nghiệp

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ tỉnh Bình Định đề ra chỉ tiêu đưa tỉnh nhà cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, tổng sản phẩm địa phương bình quân hàng năm tăng 13%-14%. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế có tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp 26,2%, công nghiệp - xây dựng 36,1%, dịch vụ 37,7%. Giá trị xuất khẩu 5 năm 2010-2015 là 2,8 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt trên 2.000 USD. Tổng thu ngân sách trên 5.500 tỷ đồng…

Đối với phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh Bình Định xác định phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa và tập trung xây dựng hạ tầng, tích cực thu hút vốn đầu tư vào KKT Nhơn Hội là 2 nhiệm vụ ưu tiên. Bên cạnh những ngành công nghiệp truyền thống như chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng… Bình Định sẽ đẩy mạnh các ngành công nghiệp sản xuất (giày da, đóng tàu biển, may mặc…), công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo thiết bị…. Ưu tiên ngành có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu tốn ít năng lượng và giải quyết được nhiều lao động địa phương. Đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp trong KKT Nhơn Hội sẽ chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và 10% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.

Đồng chí Vũ Hoàng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết: “Lãnh đạo tỉnh đã xác định nhiều giải pháp quan trọng để Bình Định có những bước phát triển đột phá trong thời gian sắp đến nhưng chủ yếu tập trung trong 3 nhóm giải pháp: Tập trung phát triển kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; huy động mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, khâu đào tạo nguồn nhân lực được ưu tiên hàng đầu, đây là yếu tố quyết định sự phát triển của Bình Định trong thời gian sắp đến”.

Chào mừng Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Tỉnh ủy Bình Định đã cho xuất bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1975 -2005). Sách dày 401 trang, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành. Nội dung tập sách gồm 5 chương:

Chương 1: Tập trung lãnh đạo từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống xã hội trong tỉnh sau ngày giải phóng (3-1975 – 10-1975).

Chương 2: Lãnh đạo cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (11-1975 – 6-1989).

Chương 3: Đảng bộ tỉnh Bình Định tái lập, lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng (7-1989 – 4-1996).

Chương 4: Lãnh đạo nhân dân thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (5-1996 – 2-2001).

Chương 5: Đẩy mạnh thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa (3-2001 – 11-2005).

HOÀNG TRỌNG

Tin cùng chuyên mục