Lộng gió Gành Đèn

Gành Đèn - địa danh còn xa lạ với rất nhiều người. Ngay trên Google gõ từ khóa “Gành Đèn” chỉ cho ra vài kết quả liên quan đến địa danh Gành Đèn nhưng ít có thông tin chi tiết. Ít người biết nên Gành Đèn vẫn như nguyên vẹn mà nếu ai đã đặt chân đến đây, khi ra về cứ ngoái đầu nhìn lại…
Lộng gió Gành Đèn

Gành Đèn - địa danh còn xa lạ với rất nhiều người. Ngay trên Google gõ từ khóa “Gành Đèn” chỉ cho ra vài kết quả liên quan đến địa danh Gành Đèn nhưng ít có thông tin chi tiết. Ít người biết nên Gành Đèn vẫn như nguyên vẹn mà nếu ai đã đặt chân đến đây, khi ra về cứ ngoái đầu nhìn lại…

Ngọn hải đăng Gành Đèn.

Ngọn hải đăng Gành Đèn.

Đẹp nhờ... heo hút

Sở dĩ Gành Đèn bị “bỏ rơi” vì nó nằm cách danh thắng Gành Đá Đĩa nổi tiếng của Phú Yên khoảng chừng 15 phút đi bộ, nên du khách đến đây chỉ thăm quan Gành Đá Đĩa, còn Gành Đèn thì chẳng ai quan tâm. Đến khi tham gia vào chuyến du khảo “Hành trình qua những ngọn hải đăng vùng Nam Trung bộ” mới có dịp đến nơi này và thật ngỡ ngàng vì Gành Đèn khá đẹp.

Nếu như Gành Đá Đĩa mang vẻ đẹp kỳ bí của tạo hóa gắn với nhiều truyền thuyết thì Gành Đèn sở hữu nét đẹp phóng khoáng và ngoạn mục của thiên nhiên. Đến đây rồi mới cảm hết câu đúc kết của một chuyên gia lữ hành rằng, trong 79 ngọn hải đăng của Việt Nam, từ Móng Cái đến Hà Tiên, ngoại trừ những ngọn hải đăng nằm gần thành phố hay cửa sông thì còn lại những ngọn hải đăng nằm ở những nơi vươn xa ra biển đều rất đẹp. Thậm chí có những ngọn hải đăng xa đến độ không phải ai cũng đến được thì vẻ đẹp càng hút hồn hơn.

Ngọn hải đăng Gành Đèn tuy không nằm quá xa nhưng nó lại nằm trên một dãy núi đá rẽ ra biển, cách xa khu dân cư, ít người tới nên cảnh trí gần như nguyên sơ.

Theo thông tin của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, hải đăng Gành Đèn thuộc loại đèn báo cửa, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Yên, định hướng ra vào vụng (vịnh) Xuân Đài và vụng Chào (thuộc Phú Yên).

Tầm hiệu lực (tọa độ địa lý) ban đêm đèn chiếu sáng đến 17 hải lý (một hải lý khoảng 1,7 km), tâm sáng 22,5m. Đặc tính ánh sáng: có ánh sáng trắng; chớp đơn, chu kỳ 5s (tức 5 giây chớp một lần). Chiều cao tháp đèn 10m. Màu sắc thân đèn: đỏ - trắng xen kẽ. Người dân ở đây cho rằng, có lẽ do vùng này có nhiều gành đá và có ngọn đèn hải đăng nên người ta gọi là Gành Đèn (?).

Ở Gành Đèn có rất nhiều mỏm đá nằm sát biển khá đẹp.

Ở Gành Đèn có rất nhiều mỏm đá nằm sát biển khá đẹp.

Điểm đến của dân “phượt”

Công bằng mà nói, so với những ngọn hải đăng của vùng Nam Trung bộ mà chúng tôi có dịp đi qua thì ngọn hải đăng Gành Đèn có kiến trúc không đẹp, không lớn và cũng không cổ xưa bằng. Bù lại, hải đăng này lại đứng ở vị trí đẹp, trên “rừng đá” sát biển và đường cho du khách đến thuận tiện.

Hôm chúng tôi đến Gành Đèn, từ xa đã nghe vọng lại giọng hát: “Em đến thăm anh, mùa vui bên biển; Nụ hoa muống biển rung rinh rung rinh; Chao sóng vỗ bờ…”. Thì ra có một nhóm bạn trẻ đang ngồi hát bài “Chuyện tình hoa muống biển” với lời ca trữ tình và tiếng đàn ghi ta ngọt ngào, cộng với không gian biển cả lộng gió khiến cho tâm hồn ai cũng phấn chấn, yêu đời.

Gành Đèn và hải đăng Gành Đèn đang trở thành điểm đến thích thú của dân “phượt” (những người thích du lịch bụi), vì dưới chân ngọn hải đăng có không gian rộng rãi để cắm trại. Đặc biệt, do ở đây có nhiều gành đá nên cũng là địa điểm câu cá lý tưởng cho những ai thích làm ngư ông. Thú vị nhất là ban đêm, bạn sẽ thấy ánh sáng đơn điệu từ ngọn hải đăng nhưng rất cần cho biết bao tàu thuyền ngoài khơi xa.

Cách ngọn hải đăng 300m là trạm canh gác hải đăng Gành Đèn. Những anh lính hải đăng hiếu khách sẽ thuyết trình cho bạn nghe về quy trình hoạt động của ngọn hải đăng, chuyện vui buồn về nghề “canh mắt biển”, thậm chí sẽ đãi bạn vài món đặc sản biển do chính các anh câu, bắt được… 

KHÁNH KHÔI

Tin cùng chuyên mục