Cà Mau: Cá trong sách đỏ bị làm thịt

Sáng ngày 26-1, qua thông tin bạn đọc ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau) cho hay người dân ấp Nguyễn Huế bắt được con cá lạ và đã xẻ thịt con cá này trước sự can ngăn bất lực của cán bộ địa phương.

(SGGPO).- Sáng ngày 26-1, qua thông tin bạn đọc ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau) cho hay người dân ấp Nguyễn Huế bắt được con cá lạ và đã xẻ thịt con cá này trước sự can ngăn bất lực của cán bộ địa phương.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Lượng, Bí thư kiêm chủ tịch xã Tân Bằng, cho biết: "Vài hôm trước, tôi đi công tác ở Cà Mau về nghe cán bộ cấp dưới báo lại rằng người dân ở ấp Nguyễn Huế bắt được con cá lạ nặng trên 30kg mà nhiều người cho là cá vượt (cá Nược), sau đó tổ chức xẻ thịt cá chia nhau ăn".

Liên hệ với ông Đỗ Chí Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau thì ông chưa nắm được thông tin này, nhưng theo ông Sỹ, nếu là cá Nược thì là loại trong danh mục sách đỏ, không thể ăn thịt được. 

Theo giải thích của ông Sỹ, Cá Nược (Orcaella brevirostris) là một loài động vật có vú thuộc họ cá Heo biển Delphinidae, sống ven bờ biển và cửa sông trong khu vực Đông Nam Á. Một số tài liệu gọi theo tên dịch từ tiếng Anh là cá heo Irrawaddy. Tuy nhiên, loài này có mặt ở Việt Nam và được định danh là cá Nược hoặc cá Nược Minh Hải. Từ năm 2004, cá heo Irrawady sinh sống trên sông Mekong đã được liệt vào loại bị đe dọa nghiêm trọng trong sách Đỏ.

Chúng tôi tiếp tục liên hệ với Đội kiểm lâm cơ động và PCCR số 2 (thuộc Chi cục Kiểm Lâm, tỉnh Cà Mau (đóng trên địa bàn xã Tân Bằng) thì được Đội trưởng Lê Thành Được, xác nhận: “Sau khi nghe được thông tin bà con ở ấp Nguyễn Huế xẻ thịt cá Nược, tôi cùng một số cán bộ ở xã Tân Bằng tức tốc đến hiện trường. Đến nơi, tôi phát hiện đây là cá Nược bởi tôi rất rành về hình dáng của loại cá Nược này. Biết chuyện, chúng tôi ra sức giải thích, thuyết phục, can ngăn bà con đừng xẻ thịt cá nhưng không ai chịu nghe, vì bà con tưởng đó là cá Thu Cờ-một loại cá ở biển có hình dáng giống cá Nược”.

Theo nhận định của ông Lượng và ông Được, nhiều khả năng con cá Nược nêu trên đã rượt đùa với một xuồng bán hàng bông, đi từ cửa biển Khánh Hội (U Minh, Cà Mau) về đến ấp Nguyễn Huế (gần 30 km). Do lúc đầu xuồng đi ngoài sông lớn nên cá thoải mái bơi lội, đến khi lọt vào con kinh nhỏ, cá mắc cạn, vùng vẫy nên xuồng bán hàng bông phát hiện và tri hô. Người dân sống 2 bên bờ kinh thấy cá và vây bắt, sau đó làm thịt.

B.L.

Tin cùng chuyên mục