Lớp học nơi đảo xa

Lớp học nơi đảo xa

Trên bản đồ, đảo Hòn Chuối thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chỉ là cái chấm nhỏ. Thực tế nhìn từ xa, Hòn Chuối như cái bát úp giữa biển khơi. Trên cái đảo nhỏ chỉ khoảng chục kilômét vuông ấy, ngoài lính biên phòng, trạm rađa của Hải quân Việt Nam, còn có 49 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu đang sinh sống giữa vùng biển cực Nam Tổ quốc.

Thầy giáo áo xanh, binh nhì Hồ Trung Kiên đang luyện chữ đẹp cho học sinh.
Thầy giáo áo xanh, binh nhì Hồ Trung Kiên đang luyện chữ đẹp cho học sinh.

Từ tàu của Hải quân Vùng 5, chúng tôi được đưa vào đảo qua 2 chặng di chuyển bằng tàu đánh cá và xuồng nhỏ của ngư dân. Sóng ầm ào nhồi con thuyền trồi lên hụp xuống, đập vào ghềnh đá, dân đất liền mới ra đảo lần đầu phải sợ xanh mặt. Từ chân đảo lên Đồn biên phòng 704, Trạm rađa 615 lại phải tiếp tục men theo con đường dốc mấy trăm mét, dựa vào vách đá dựng đứng; vài chục bước đã phải ngồi bệt ra thở. Nhưng diệu kỳ thay, leo vừa hết con đường, ngay quãng rộng trên đỉnh con dốc ấy, từ một mái nhà đơn sơ nép dưới bóng cây xoài cổ thụ, nghe vang lên tiếng trẻ ê, a đọc bài xen lẫn tiếng hót líu lo, ríu rít của đàn chim rừng, như xóa tan hết nỗi mệt nhọc của người trong đất liền ra thăm đảo.

Khi chúng tôi bước vào lớp học, những đôi mắt tròn xoe nhìn khách lạ; nhưng cũng thật nhanh, những đôi môi xinh xắn đồng thanh “chào các chú”, trong trẻo, hồn nhiên, dễ thương quá đỗi. Như đàn bướm trắng, tất cả học sinh đều mặc đồng phục, tuy cũ nhưng khá tươm tất.

Thầy giáo áo xanh, binh nhì Hồ Trung Kiên, Đồn biên phòng 704, cho biết lớp học có 11 em, gồm cả lớp 1, lớp 2 và lớp 3; những em học hết lớp 5 trước đây đã chuyển vào đất liền học tiếp hoặc theo cha mẹ đi đánh cá. Tất cả dụng cụ học tập từ cặp, sách, vở, viết, bảng con, kể cả quần áo, đều do bộ đội đồn biên phòng mua tặng. Để duy trì sĩ số, ổn định lớp học, thầy giáo ở đây vừa kiêm luôn nhiệm vụ vận động quần chúng, bảo vệ, đưa đón học sinh. Thầy giáo Kiên chỉ mấy con đường dốc đứng xung quanh lớp học kể: “Nhiều bữa cha mẹ các em không đến đón kịp, mình phải đưa về tận nhà; đưa em này xuống mé bãi, lại quay lên đưa em khác sang phía bên kia đảo; em nào vắng phải đến tận nhà tìm hiểu, động viên các em đi học lại; buổi tối đi từng nhà hỏi han công ăn việc làm, phối hợp phụ huynh kèm cặp, hướng dẫn thêm...”. Nghe đến đây, nhớ tới con đường dốc đứng vừa lên buổi sáng, chúng tôi mới hiểu chỉ có tấm lòng của người lính Cụ Hồ mới làm nên những chuyện như cổ tích ấy được.

Đổi lại, học sinh trên đảo rất ngoan, thông minh, chịu khó, nghe lời và rất thương thầy giáo. Mới quen chốc lát, các em đã hồn nhiên, ríu rít vây lấy chúng tôi. Em Lan, học sinh lớp 2, líu lo kể: “Con thương thầy giáo lắm. Con thương thầy Định nữa. Nhờ thầy con biết chữ”. Thầy Kiên nói: “Thầy Định dạy đợt trước. Lúc mình mới về thay, cả lớp không chịu học, khóc đòi thầy cũ như đòi mẹ vậy đó. Giờ thì quen rồi, đi vắng một bữa, thầy trò đều nhớ nhau lắm”. Nhiều em từ lớp học tình thương này có điều kiện vào đất liền học tiếp, sau một thời gian cố gắng cũng chẳng thua ai. Điển hình như mấy đứa con của anh Nguyễn Hữu Phước, quê gốc Long Mỹ, Hậu Giang, ra đảo này làm ăn cách đây 20 năm. Các con anh từng qua lớp này, sau đó về quê học tiếp, nay hai người là cử nhân kinh tế, đứa thứ ba đang học năm thứ hai Trường Đại học Cần Thơ.

Anh Lê Văn Phương (Tư Phương), Tổ trưởng Tổ an ninh Hòn Chuối, bộc bạch: “Dân đảo chúng tôi đa số là người trẻ ra đây lập nghiệp, cả đời bám đảo, bám biển; chỉ mong sao tụi nhỏ lớn lên học hành tử tế; chí ít cũng hiểu biết, thương biển, thương dân chài, nắm bắt được kỹ thuật để nối nghiệp, làm ăn khá giả hơn chúng tôi”. Mong ước đơn sơ, chính đáng ấy sẽ khó khăn vô cùng nếu không có tấm lòng của những người lính đảo. Dù chưa một ngày học qua phương pháp sư phạm nhưng bằng nhiệt huyết của mình, họ đã truyền đạt được những kiến thức vỡ lòng, cơ bản trong biển tri thức mênh mông, vô tận cho con em của những người dân trên đảo. Song về lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ để các em tiếp tục bước tiếp xa hơn. Và chính những người trẻ, có đầy đủ kiến thức trong tương lai ấy sẽ là trụ cột vững chắc, góp phần gìn giữ, bảo đảm chủ quyền vùng biển, vùng trời Tổ quốc.

NGUYỄN SAN

Tin cùng chuyên mục