ĐBSCL: Nơm nớp với sạt lở

ĐBSCL: Nơm nớp với sạt lở

ĐBSCL mới bước vào mùa mưa, nhưng tình trạng sạt lở bờ sông đã diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực cảnh báo nguy hiểm, chưa được di dời vào nơi an toàn, đang thấp thỏm lo sợ hà bá ghé thăm bất cứ lúc nào…!  

  • “Ăn ngủ không yên”

Kết quả khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho thấy, tại TP Cần Thơ có 26 điểm sạt lở và đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đe dọa tính mạng, tài sản và lao động sản xuất của người dân. Các điểm nóng trên sông Cần Thơ, đoạn từ cầu Cái Răng (quận Ninh Kiều) đến thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền), cồn Khương, cù lao Tân Lộc, sông Trà Nóc… Gần đây, tại TP Cần Thơ xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng.

Vụ sạt lở chợ Long Hòa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) ngày 9-5-2011 cuốn trôi 12 ki ốt bán hàng và làm chết 2 người dân.
Vụ sạt lở chợ Long Hòa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) ngày 9-5-2011 cuốn trôi 12 ki ốt bán hàng và làm chết 2 người dân.

Trong đó có 2 vụ tại cầu Trà Niềng – huyện Phong Điền và chợ Long Hòa - quận Bình Thủy cướp đi sinh mạng của 4 người dân. Tại khu vực ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền - TP Cần Thơ, nhiều hộ dân đang đứng ngồi không yên trước nguy cơ nhà cửa đổ sụp xuống sông bất cứ lúc nào. Bà Lê Thị Bé nói: “Từ khi nhà bà Thái Thị Hiếu bị rơi xuống sông (đầu tháng 5-2011), cả nhà tôi ăn ngủ không yên.

Nhưng gia đình tôi sống cặp bờ sông Cần Thơ gần 20 năm, bây giờ nếu dời đi cũng không biết tìm chỗ nào”. Gia đình chị Nguyễn Thị Cưng sống cặp dưới chân cầu Mỹ Khánh sát mé sông Cần Thơ còn lo lắng hơn. “Có đêm khuya trời mưa gió lớn, 3 mẹ con tôi không dám ở trong nhà mà phải chạy ra trước hiên đứng vì sợ nhà sập xuống sông bất ngờ, chạy không kịp” - chị Cưng tâm sự. Mới đây, UBND xã Mỹ Khánh gửi thông báo đến các hộ dân có nhà ở dọc ven sông gần nơi sạt lở cần tháo dỡ nhà ở, di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, những hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đều nghèo khó, không có đất nơi khác…

Ngày 25-5, một hãng nước đá tại phường Bình Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang bất ngờ đổ sụp xuống sông Hậu. Rất may, không có thương vong về người. Hiện trường vụ sạt lở có chiều dài trên 70m, ăn vào đất liền gần 10m, tạo nên một xoáy nước sâu khoảng 20m, có nguy cơ tiếp tục trôi xuống sông. Khảo sát mới đây của Tổng cục môi trường, Bộ TN-MT cho thấy: Trên địa bàn tỉnh An Giang, khu vực ven sông Tiền có 13 điểm sạt lở, với cung trượt 20-30m/năm. Đặc biệt, tại các xã Vĩnh Hòa, Tân An (huyện Tân Châu); Kiến An, Tấn Mỹ, Long Điền A (huyện Chở Mới) đang là những nơi sạt lở thường xuyên, nguy hiểm nhất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân.

Dọc bờ sông Hậu qua tỉnh An Giang có đến 25 điểm sạt lở. Đáng lo ngại, tại các xã Vĩnh Tường, Quốc Thái, Vĩnh Lộc, Phú Hữu, Khánh An (huyện An Phú), Phú Bình (huyện Phú Tân), cù lao Phó Ba, Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên), cồn Bình Thủy (huyện Châu Phú) mức độ sạt lở đang gia tăng. Toàn tỉnh Đồng Tháp có 99 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 172km, thuộc địa phận 44 xã, phường, thị trấn; tập trung nhiều nhất ở các huyện: Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành và TX Sa Đéc. Nhiều nơi, sạt lở ăn sâu vào bờ đến 25m… Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tính đến nay, qua khảo sát trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 55 điểm sạt lở. Trong đó có 15 điểm đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ đổ xuống sông rất cao khi vào cao điểm mưa lũ sắp tới, tại TX Ngã Bảy, thị trấn Ngã Sáu, vàm sông Cái Côn, vàm kênh Mái Dầm (huyện Châu Thành)”.

  • Cấp bách phòng chống

Tổng cục môi trường (Bộ TN-MT) xác định nguyên nhân sạt lở bờ sông ở khu vực ĐBSCL là do nền đất yếu, luồng lạch không ổn định, chế độ dòng chảy phức tạp; cấu tạo nền địa chất mềm của dòng dẫn tạo nên biến động dòng chảy gây sạt lở bất ngờ. Nước lũ và triều cường gây nhiều phản áp, có sức bào mòn, xoáy lở mạnh. Nạn khai thác cát bừa bãi, ồ ạt, trái phép với khối lượng lớn cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến theo hướng nghiêm trọng…

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia tư vấn thuộc Ủy hội sông Mê Kông nhận định: “Tốc độ sạt lở tăng lên một cách bất thường thì chắc chắn có yếu tố thay đổi trong lưu vực hoặc ở địa phương. Ở cấp lưu vực có thể do thay đổi chế độ dòng chảy và lượng phù sa, chế độ mưa, mất rừng, các công trình thủy điện… Còn ở địa phương có thể do mất thực vật ven sông. Hệ thống đê bao nhiều quá làm cho nước không còn chảy tràn bề mặt mà chảy tập trung ở dòng sông, rạch”.
Các địa phương đang gấp rút triển khai kế hoạch phòng chống sạt lở, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.

Tỉnh Hậu Giang đang khẩn cấp di dời khoảng gần 100 hộ dân sống trong vùng sạt lở nguy hiểm tại TX Ngã Bảy, và dọc sông Cái Côn (huyện Châu Thành) vào nơi an toàn. Ông Lê Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền - TP Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi đang gấp rút thi công mặt bằng 2 ha để bố trí gần 180 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở trên địa bàn di dời vào đây sinh sống”.

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ cho biết: “Để tránh thiệt hại về người và tài sản, chúng tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát toàn bộ nhà dân ven sông rạch và khẩn cấp di dời các trường hợp sống tại các khu vực nguy hiểm”. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, Đồ án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn đang được triển khai. Theo đó, đến năm 2015 có khoảng 40%, năm 2030 có gần 80% hộ dân sống ven sông vào chỗ ở ổn định tại những khu đô thị mới. Đồng thời, Cần Thơ xây dựng nhiều công trình kè tại 25 khu vực sạt lở với tổng số tiền trên 2.200 tỷ đồng”…

Ông Trần Anh Thư, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang cho rằng: “Một trong những giải pháp hiện nay là giảm tải công trình ở khu vực sạt lở. Sau đó, tiến hành các giải pháp công trình hoặc phi công trình để lấp hố xoáy ở khu vực sạt lở”. Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia tư vấn thuộc Ủy hội sông Mê Kông), chúng ta cần phải sử dụng tiết kiệm nguồn cát sông, tái tạo thực vật bờ sông để hạn chế tác động bào mòn của dòng chảy, hạn chế việc làm đê bao cao chống lũ triệt để, tạo điều kiện để nước có thể chảy tràn trên đồng khi mùa lũ…

CAO PHONG - BÌNH ĐẠI

 “Thủy thần” nuốt đê bao kiểm soát lũ

Hiện nay, tuyến đê bao Ô Môn-Xà No (thuộc tiểu dự án thuỷ lợi kiểm soát lũ Ô Môn – Xà No) qua địa bàn tỉnh Hậu Giang đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tổng chiều dài bị sạt lở là 400 m, đi qua địa bàn huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A. Việc bảo vệ đê bao nằm trong giai đoạn 2 của tiểu dự án, nhưng Bộ NN-PTNT chưa triển khai. Tỉnh Hậu Giang đang nghiên cứu khắc phục tình trạng này, nhưng chưa có kinh phí thực hiện”. Theo người dân địa phương, tuyến đê bao chạy dọc theo kênh xáng Xà No nhưng chủ đầu tư không làm bờ kè. Tàu bè qua lại nhiều, nước chảy mạnh, làm xói mòn chân đê nên dẫn đến sạt lở”.

Tin cùng chuyên mục