Chợ tết trên đỉnh sương mù

Từ Hà Nội vượt 300km lên TP Lào Cai. Rồi từ Lào Cai, muốn lên Y Tý, một xã biên giới thuộc huyện vùng cao Bát Xát (Lào Cai), nằm ở biên cương Tổ quốc, phải vượt thêm 70km nữa. Khi tới Mường Hum thì trời mưa nên đường trơn, buộc phải bắt xe ôm lên Y Tý. Mặc dù chỉ khoảng 30km, nhưng chúng tôi đã mất cả buổi chiều.
Chợ tết trên đỉnh sương mù

Từ Hà Nội vượt 300km lên TP Lào Cai. Rồi từ Lào Cai, muốn lên Y Tý, một xã biên giới thuộc huyện vùng cao Bát Xát (Lào Cai), nằm ở biên cương Tổ quốc, phải vượt thêm 70km nữa. Khi tới Mường Hum thì trời mưa nên đường trơn, buộc phải bắt xe ôm lên Y Tý. Mặc dù chỉ khoảng 30km, nhưng chúng tôi đã mất cả buổi chiều.

Bà con xã Y Tý đi chợ tết.

Bà con xã Y Tý đi chợ tết.

Đêm ở Y Tý xuống rất nhanh, rét như kim châm vào da thịt. Ông Tráng A Lềnh đón khách lạ bằng một bếp lửa đỏ rực giữa nhà. Ông nói: “Tết ở vùng cao cũng vui không kém dưới xuôi đâu. Sáng mai có phiên chợ tết, bà con kéo về mua sắm, mời các anh đi cho biết chợ tết vùng cao”.

Chợ Y Tý nằm ở trung tâm của xã, quả nhiên đông vui một cách khác thường. Từ khắp nẻo đường, con trai con gái, người già, trẻ nhỏ lũ lượt kéo về. Ai cũng súng sính sắc màu thổ cẩm. Trên lưng Ly Hờ Muôn còn thêm một gùi măng khô nặng trĩu. Cô cho biết, từ tận bản Hồng Ngài ra, nơi sâu tít trong rừng. Nhà có dăm cân măng khô, đem ra bán cho người dưới xuôi lên mua, có tiền sẽ mua sắm vòng tay, áo váy thổ cẩm, khăn thêu… để chưng diện tết. Hỏi sao không mua thịt thà, bánh trái, cô cười bảo: “Ở nhà chuẩn bị xong hết rồi. Heo, gà nuôi được, không phải mua về”.

Chợ tết vùng cao khác hẳn chợ ở miền xuôi. Bà con bày đủ mặt hàng ra bãi cỏ mà chẳng cần quầy, ki-ốt. Các sạp hàng thổ cẩm là nơi chen chúc các bà mế, các cô gái chọn đồ, ướm thử váy áo cho nhau. Trong khi đó, cánh đàn ông lượn đi đảo lại tìm mua đèn pin, ủng cao su, thuốc lào… Tráng Hờ Dơn, 24 tuổi, một thanh niên ở bản Lao Chải, khoe vừa sắm được chiếc đồng hồ để ra giêng cưới vợ. Dơn nói: “Cả năm, chúng mình chỉ mong phiên chợ tết thôi”.

Gần trưa, chúng tôi theo chân Hờ Muôn về bản Hồng Ngài. Bố chồng của Hờ Muôn là ông Ly Dờ Lú cho biết, để ăn tết cổ truyền, 4 gia đình là anh em, láng giềng trong bản rủ nhau ăn đụng một con heo. Mổ xong, heo sẽ chia năm, mỗi nhà một phần đem về làm các món cỗ mừng năm mới. Còn lại một phần sẽ làm cỗ liên hoan ngay tại nhà ông, cũng là bữa cơm chia tay năm cũ, chuẩn bị đón mừng năm mới.

Vợ ông Lú đang rửa lá chuẩn bị gói bánh cũng khoe: “Năm nay, bán được thảo quả, nhà nào cũng có nhiều tiền, nên phải ăn một cái tết to mà. Trước không có tiền, đâu có dám ăn”. Bà kể, trước nghèo, để có tiền, bà con phải cõng củi xuống chợ bán để mua dăm lạng gạo, vài ba lạng thịt, gói vài cái bánh dày cúng tổ tiên. Nhiều nhà còn không có tết. Bà cho biết, năm nay thảo quả được mùa, giá cao, mỗi cân bán 60.000-80.000 đồng. Gia đình bà trồng được hơn 5ha, vừa rồi thu gần 100 triệu đồng.

Trên đường trở ra, chúng tôi tạt vào nhà Phó Chủ tịch ubnd xã Y Tý là Tráng A Lù. Trong bếp, vợ và con dâu ông đang miệt mài nặn bánh dày. Cô con dâu Ly Hờ Dia, người Hà Nhì, cho biết bánh dày là món không thể thiếu trong mâm cơm tết của người vùng cao, cũng như bánh chưng xanh ở miền xuôi.  Ông Lù tâm sự, trước đây bà con Y Tý nghèo đói lắm, bây giờ Y Tý  được Nhà nước quan tâm đặc biệt, nên sướng hơn rồi. Nhà nước còn đưa cả giống lúa mới lên cho người dân Y Tý. Từø khi trồng được lúa, bắp, lại được mùa thảo quả nên tết nào bà con Y Tý cũng ăn một cái tết to.

Mã Đức - Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục