Làng Ho mùa trăng mới

Vườn treo trong mơ
Làng Ho mùa trăng mới

Hồ Bạch, Bí thư Chi bộ Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) nói vui qua điện thoại: “Nhà báo lên đi, nhà mới sắp xong, cuộc sống mới sắp đến, làng bản đang vui, trăng mới đang lên”. Kim Thủy, nơi Đồn Biên phòng Làng Ho (Đồn 601) phụ trách, ở mái bên này Trường Sơn, đang dần hiển hiện một vệt dài “Nghĩa tình Trường Sơn” từ bản Tân Ly đến Làng Ho.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Bình cùng lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Quảng Bình kéo cột thiêng dựng nhà mới cho bà con Vân Kiều, Làng Ho.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Bình cùng lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Quảng Bình kéo cột thiêng dựng nhà mới cho bà con Vân Kiều, Làng Ho.

Vườn treo trong mơ

Bản Tân Ly, sáng mờ trắng sương, mây phủ sát rèm đá. Giữa thung lũng Hoa Cau từng mái nhà vững chãi, đều tắp xếp hàng. Với người Vân Kiều, mái nhà chắc như cây lim cây táu, cái bếp lửa cơi đỏ quanh năm là ước mơ từ đời tổ tông, nhưng khó làm, chỉ đến khi màu áo Bộ đội Biên phòng Đồn 601 xuất hiện, họ mới có đủ đầy nhà cửa, vườn tược, đất đai và nếp ăn nết ở vẹn tròn cho cuộc mưu sinh phía trước bằng cảm hứng lao động bền bỉ mà bộ đội kiên trì tập cho họ, nhằm tránh các di chứng của phát đốt, cốt trỉa.

Tân Ly ngày trước giữa muôn vàn nghèo đói, mọi thứ đều trợ cấp, cái suy nghĩ cũng gò bó trong nếp ăn ở của bản làng nghèo khó. Làm sao để thoát đói, thoát nghèo? Chỉ một cách duy nhất, cần tìm ra phương thức canh tác mới, thoát đi lối mòn chặt đốt, cốt trỉa. Nhưng ai sẽ bắt đầu? Không ai khác chính là những người anh em ở Đồn Biên phòng 601. Hai hécta đất núi Trường Sơn được vỡ hoang. Để biến nơi khô cháy cằn cỗi thành ruộng, bộ đội đã “lôi” con nước từ suối rừng về, xuống từng cây lúa bằng kỹ thuật văn minh miền xuôi, rồi rỉ rả nói với bà con về cảm hứng cấy lúa từ đời ông cha, tiên tổ của người Kinh vốn đã ngàn đời gắn với cây lúa nước này. Hồ Hoành, người bản Tân Ly, nói: “Bộ đội có ý tưởng hay, lúa góp phần giữ nước. Mình thích lắm, nhưng trước khi giữ nước, lúa lại cho mình no bụng. Bà con chắc bụng thì mới có thể giữ bản giữ làng. Nôm na thế, gần gũi thế, đúng là cái biên phòng hiểu sâu”.

Đã qua nhiều mùa lúa ở Tân Ly trên dãy Trường Sơn, mỗi vụ đạt đến 43 tạ mỗi ha, cú hích ấy làm người Vân Kiều phấn chấn, nay họ đang nhờ bộ đội biên phòng bày cho dân bản làm thêm đất hoang để “mời” cây lúa nước lên nhiều hơn ở miền đất nặng nghĩa này. Trưởng bản Hồ May nói: “Mình là lãnh đạo bản, có 54 hộ, có về xuôi học tập, hội họp, xuống huyện lỵ Lệ Thủy, cả một đồng lúa nhìn lút mắt vẫn không hết, cái cây mà người Kinh cùng nuôi nhau đời này sang đời khác đẹp quá thì mình tin, bộ đội biên phòng đưa lúa lên Trường Sơn cho dân mình là tốt. Lúc đầu mình nói sẽ có lúa có gạo tự sản xuất và nay qua nhiều vụ, mình biết, không phải chỉ là cây lúa mà cái tâm của Đồn Biên phòng 601 gắn vào cây lúa rất hay”. Nói rồi Hồ May giải thích: “Đó là biết cách cầm liềm gặt lúa, biết cách tẻ mạ, gieo mạ, làm cỏ… Đó là cái mà anh em người Kinh gọi là văn minh lúa nước”. Có được cây lúa, hạt gạo là có cả một quá trình lao động, một hành trình nẩy mầm cho cách thức canh tác mới với người Vân Kiều bản Tân Ly. Nói như Hồ Hoành, 2 ha lúa như một vườn treo trên núi, dấu ấn nghĩa tình của biên phòng Làng Ho với bà con dân bản.

Bên mái nhà Làng Ho

Hồ Bạch, Bí thư Chi bộ Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) nói vui qua điện thoại: “Nhà báo lên đi, nhà mới sắp xong, cuộc sống mới sắp đến, làng bản đang vui, trăng mới đang lên”. Niềm vui mà Hồ Bạch nói là dự án khu dân cư kiểu mẫu ở Làng Ho do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP thực hiện với sự tài trợ gần 3 tỷ đồng của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và Bộ đội Biên phòng Quảng Bình được giao làm chủ đầu tư.

Đã có 37 nhà vệ sinh được hoàn thành. Trạm xá quân dân y kết hợp, nhà văn hóa của Làng Ho đã đưa vào sử dụng. 33 căn nhà mới đang được hoàn thiện và 4 căn nhà đang sửa chữa. Theo lời mời của Hồ Bạch, chúng tôi trở lại Làng Ho. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, dân bản ai cũng cười rất tươi. Hồ Núi nói: “Từ ngày có chủ trương làm nhà, bộ đội biên phòng lo lắng cho dân bản nhiều lắm. Biên phòng lo từng miếng gỗ dựng nhà. Mình nghèo, chỉ biết nói vợ con vào rừng, hái lá cây về nấu nước giải mát cho biên phòng uống đỡ nóng. Không ai tình cảm như Đồn Làng Ho với dân mình!”.

Thượng tá Đặng Ngọc Tiến, Chính trị viên Đồn Làng Ho, cho biết: “Đồn luôn cắt cử anh em bám bản từng ngày để giúp dân dựng nhà. Người dân vui là chiến sĩ biên phòng vui, bà con mừng là bộ đội biên phòng yên tâm. Khoảng 2 tháng nữa, các ngôi nhà khang trang sẽ hoàn thành, thay thế những mái lá đơn sơ. Rồi đây giữa núi rừng trập trùng, sẽ bớt lo hơn khi đồng bào của mình ngơi nghỉ trong những căn nhà kiên cố”.

Với sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Làng Ho, những căn nhà chắc chắn đang nên hình nên dáng, bản văn hóa kiểu mẫu đang về đích trong mùa trăng mới. Chia tay anh em bộ đội biên phòng, chia tay những dân bản Làng Ho đã thân quen bởi bao lần lui tới, nay ấm lòng, bởi với họ có bộ đội Tiến, bộ đội Hợp và bao tấm lòng anh em biên phòng khác cùng chia bùi sẻ ngọt với bà con. Bởi thế, mà Hồ Bạch nói, mùa trăng mới này là mùa trăng yêu thương và đong đầy nghĩa tình không thể phôi phai.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục