Quần thể núi Cơm bên dòng sông Lam

Nằm nép mình bên bờ Nam dòng sông Lam, cách quốc lộ 1A hơn 200m về hướng Tây (thuộc địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), quần thể Núi Cơm, phà Bến Thủy, bến ca nô là những chứng tích lịch sử cách mạng oai hùng ở vùng Bắc miền Trung đã đi vào huyền thoại của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.
Quần thể núi Cơm bên dòng sông Lam

Nằm nép mình bên bờ Nam dòng sông Lam, cách quốc lộ 1A hơn 200m về hướng Tây (thuộc địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), quần thể Núi Cơm, phà Bến Thủy, bến ca nô là những chứng tích lịch sử cách mạng oai hùng ở vùng Bắc miền Trung đã đi vào huyền thoại của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Toàn cảnh núi Cơm

Toàn cảnh núi Cơm

Núi Cơm có độ cao khoảng 35 - 40m, là điểm khởi đầu của dãy Hồng Lĩnh 99 ngọn hùng vĩ. Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa ông Đùng - một nhân vật huyền thoại với sức mạnh khổng lồ gánh đất đắp sông chống lại thiên nhiên. Trong một lần ngồi nghỉ và mở cơm nắm ra ăn, ông đã vô tình để quên nắm cơm lại bên đường. Nắm cơm ấy biến thành một hòn núi nhỏ, thường gọi là núi Cơm.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc nước ta của đế quốc Mỹ, do có vị trí hết sức quan trọng, nằm án ngữ trên trục đường bộ Bắc - Nam và tuyến đường thủy, nên núi Cơm được chọn làm căn cứ tiền tiêu của lực lượng biên phòng. Trên đỉnh núi Cơm lực lượng phòng không đã đào nhiều hầm đạn, trung tâm chỉ huy, đài quan sát và 2 khẩu 12 ly 7 cùng với các đơn vị pháo cao xạ khác bảo vệ bầu trời Vinh - Hà Tĩnh và đảm bảo an toàn cho phà Bến Thủy được thông suốt chi viện vào chiến trường miền Nam.

Từ 1964 đến 1973, có ngày phà Bến Thủy bị máy bay, tàu chiến Mỹ quần đảo đánh phá hàng trăm lần. Năm 1970 đội vận chuyển bốc dỡ hàng hóa phục vụ cho tiền tuyến tại phà Bến Thủy ra đời gồm 70 người do đồng chí Nguyễn Khắc Ngọc làm đội trưởng và được đổi tên thành “Thép vượt Lam”. Dưới làn mưa bom bão đạn, đội “Thép vượt Lam” đã bốc dỡ vận chuyển thành công hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng đảm bảo cho mạch máu giao thông thông suốt. Với những thành tích đó, đội “Thép vượt Lam” đã được Đảng, Nhà nước công nhận là Đơn vị Quyết thắng.

Hơn 35 năm sau chiến tranh, núi Cơm giờ cây cối lau lách um tùm, nhưng trên đỉnh núi vẫn còn nguyên dấu vết của trung tâm chỉ huy, đài quan sát, trận địa pháo 12 ly 7, hầm đạn vũ khí. Ngoài ra có một cột cờ cao hơn 10m, một am thờ, đèn chùm chiếu sáng do địa phương mới xây dựng (đứng trên đỉnh núi này có thể quan sát được thị trấn Xuân An và một phần TP Vinh - tỉnh Nghệ An). Riêng phà Bến Thủy xưa đã bị phá hủy hoàn toàn, bên phà bờ Nam chỉ còn lại mố và trụ cầu phà đổ bê tông cốt thép, hiện là nơi neo đậu, chằng néo tàu thuyền, ca nô của người dân. Còn bến ca nô xưa giờ chỉ còn lại dấu vết của nền móng nhà bán vé ca nô xây bằng đá, vôi vữa...

Được biết, vào năm 1999 và 2003, Sở VH-TT-DL và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã từng tiến hành nhiều đợt khảo sát nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh công nhận xếp hạng quần thể núi Cơm, phà Bến Thủy, bến ca nô là di tích lịch sử cách mạng theo tinh thần của Luật Di sản. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay việc này vẫn chưa hoàn tất.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Bá Hạnh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, quần thể núi Cơm, phà Bến Thủy, bến ca nô là những địa danh cách mạng, là chứng tích lịch sử oai hùng của nhân dân Hà Tĩnh - Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931...

Hiện nay, do tác động của lịch sử, thiên tai, quần thể này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tìm biện pháp bảo tồn nâng cấp, nghiên cứu xếp hạng nhằm giữ nguyên hiện trạng di tích đặc biệt này là việc không thể chậm trễ!

Dương Quang

Tin cùng chuyên mục