Miền Trung: Tập trung phát triển mô hình khu kinh tế

Nằm trong chuỗi những hoạt động tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung (DHMT)”, trong ngày 22-3, lãnh đạo 9 tỉnh, thành trong vùng (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) cùng đại diện các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia kinh tế đã cùng nhau “mổ xẻ” những vấn đề còn tồn tại.

(SGGP).- Nằm trong chuỗi những hoạt động tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung (DHMT)”, trong ngày 22-3, lãnh đạo 9 tỉnh, thành trong vùng (từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận) cùng đại diện các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia kinh tế đã cùng nhau “mổ xẻ” những vấn đề còn tồn tại.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua các địa phương vùng DHMT đua nhau mở các KCN, KKT mà chưa thật sự tính đến hiệu quả mang lại. Để mở các KCN, KKT nhiều nơi đã thu hồi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hécta đất sản xuất của người dân, gây nên tình trạng thất nghiệp đối với nông dân. Thu hồi đất rồi để trống vì không có dự án nào đăng ký đầu tư vào đã gây lãng phí tài nguyên đất một cách kinh khủng. Chính vì vậy, cần có quy hoạch lại các KCN, KKT trên địa bàn toàn vùng để phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TPHCM, đưa ra giải pháp: Các địa phương cần xác định rõ vai trò, lợi thế của mình để từ đó tập trung phát triển theo hướng chuyên sâu, quy mô.

Ví dụ, đầu tư công nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng, công nghiệp ô tô tại Quảng Nam, công nghiệp lọc hóa dầu tại Quảng Ngãi, công nghiệp chế biến gỗ ở Bình Định, công nghiệp đóng tàu tại Khánh Hòa, Ninh Thuận ưu tiên phát triển loại hình công nghiệp sạch, sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng hạt nhân. Bình Thuận đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản hay các ngành năng lượng như nhiệt điện, năng lượng gió... Từ đó mới có cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, có nguồn vốn lớn, tạo cú hích cho địa phương và khu vực.

Qua phân tích của PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT) đã chứng minh một điều: Trong khi mô hình KCN kém thu hút các nhà đầu tư, thì các KKT mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Vùng DHMT hiện có 6/15 KKT ven biển đã được Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích hơn 123.500ha (gồm Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên và Vân Phong). Hầu hết các KKT này đã hoàn thành cơ bản phần đầu tư cơ sở hạ tầng và đang trong quá trình hoạt động.

Đến nay, các KKT trong vùng đã thu hút được 384 dự án với tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD và khoảng 50.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2011, tổng giá trị sản xuất tại các KKT này đạt khoảng 149.559 tỷ đồng (chiếm đến 85,4% tổng giá trị sản xuất tại 15 KKT của cả nước). Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung hơn nữa trong việc đầu tư vào mô hình các KKT để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra giá trị lớn về sản xuất công nghiệp.

Sau 2 ngày diễn ra với nhiều phiên thảo luận sôi nổi, đầy trách nhiệm của các đại biểu, Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung” đã bế mạc vào chiều tối ngày 22-3. Hội nghị đã chứng kiến các tỉnh, thành trao 9 giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng nguồn vốn 3.504 tỷ đồng và 30 triệu USD; 6 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào vùng duyên hải miền Trung trị giá 30,822 tỷ USD; Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) ký cam kết cung cấp 3.922 tỷ và 34 triệu USD cho các DN.

Nguyễn Hùng

Tin cùng chuyên mục