Sổ tay: Sổ đỏ và trách nhiệm

Chuyện sổ đỏ Di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) bị đem đi cầm cố đã gây xôn xao dư luận cả nước, nhất là ở Quảng Bình trong những ngày vừa rồi. Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ VH-TT-DL, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của bộ cho biết, 11 sổ đỏ của Di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được thu hồi toàn bộ. Đây là thông tin do Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Bình Lương Văn Luyến khẳng định với lãnh đạo bộ.

Chuyện sổ đỏ Di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) bị đem đi cầm cố đã gây xôn xao dư luận cả nước, nhất là ở Quảng Bình trong những ngày vừa rồi. Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ VH-TT-DL, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của bộ cho biết, 11 sổ đỏ của Di sản Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được thu hồi toàn bộ. Đây là thông tin do Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Bình Lương Văn Luyến khẳng định với lãnh đạo bộ.

Những ngày qua, dư luận Quảng Bình hết sức bất ngờ trước việc ông Lưu Minh Thành, Giám đốc Ban quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã cầm cố sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của di sản này để “chạy” dự án bảo vệ rừng. Việc này do ông Thành “tự ý” và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, cũng như huyện Bố Trạch, địa phương quản lý hành chính đối với Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng không hề biết. Và câu chuyện này không phải là mới.

Ông Thành giao toàn bộ 11 sổ đỏ này cho Công ty TNHH Phát triển lâm nghiệp Việt Nam (Hà Nội) từ tháng 4-2011 và mãi gần đây, khi báo chí lên tiếng vấn đề này thì lãnh đạo Quảng Bình mới hay. Theo ông Thành, việc giao sổ đỏ này nhằm mục đích kêu gọi dự án bảo vệ rừng, bàn giao sổ đỏ làm tin để mỗi hécta hỗ trợ được 25 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày 11 sổ đỏ được giao đến nay đã gần 2 năm, vẫn chưa có một đồng vốn nào được chuyển về.

Việc làm của ông Thành cho thấy cách hành xử tùy tiện của những người được nhà nước giao quyền quản lý di sản, đồng thời gây nên sự hoài nghi có hay không hành vi trục lợi cá nhân núp bóng việc xin vốn bảo vệ rừng. 123.000ha rừng Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng với số tiền 25 triệu đồng/ha là không hề nhỏ. Và nếu câu chuyện này trót lọt, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, huyện Bố Trạch đều không biết, thì số tiền đó sẽ làm gì, vào túi ai? Nếu muốn Nhà nước hỗ trợ, vì sao khi được giữ vị trí cao nhất của cơ quan quản lý khối tài sản đặc biệt của quốc gia, lại là một Di sản thiên nhiên thế giới, ông Thành lại không thông qua các cơ quan quản lý cấp trên để xin hỗ trợ vốn bảo vệ phát triển rừng, mà lại phải nhờ qua người khác với một công ty TNHH làm môi giới? Nên nhớ, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận. Tất cả những hoạt động khai thác lâm sản, trồng rừng, phát triển du lịch, làm đường... trong khu vực này đều được UNESCO giám sát và thông qua.

Khi mở tuyến đường Hồ Chí Minh, Việt Nam đã phải xin phép và khó khăn lắm, UNESCO mới đồng ý cho mở đường Hồ Chí Minh cắt qua vùng đệm của khu vực di sản. Cùng với đó là những cam kết bảo đảm về môi trường và bảo vệ hệ sinh thái. Mấy năm trước, có doanh nghiệp khai thác đá xây dựng trong khu vực vùng đệm cũng phải ngừng hoạt động để bảo đảm tính nguyên vẹn của toàn bộ di sản. Mới đây, sau hàng năm trời xin phép và lập hồ sơ cam kết, UNESCO mới đồng ý cho phép trùng tu lại con đường 20 với bề ngang không quá 3m đi từ Bố Trạch xuyên qua vùng rừng di sản, lên xã Thượng Trạch, nối thông với nước bạn Lào. Nói vậy để thấy rằng, việc làm của ông Thành là cực kỳ vô trách nhiệm và không hề theo một nguyên tắc nào cả. Khi chuyện này xảy ra, một lãnh đạo của huyện Bố Trạch đã thốt lên rằng: Không thể hiểu vì sao một người như ông Thành lại có thể làm như vậy?

Cách đây không lâu, dư luận lên tiếng việc ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng) và hiện đang là Giám đốc Vườn quốc gia Yor Đôn (Đắk Lắk) cũng đã cầm sổ đỏ cả 2 vườn quốc gia để xin nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ bảo vệ rừng thông qua những công ty tư vấn, môi giới dịch vụ tư nhân. Hậu quả là vốn đâu chẳng thấy, và khi vụ việc vỡ lở thì những người như 2 ông Thành này phải đi thu hồi sổ đỏ về. Đã là vườn quốc gia, là Di sản thiên nhiên thế giới, tất nhiên có quy chế nghiêm ngặt để quản lý, bảo vệ và khai thác phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vậy nên, ý thức trách nhiệm cán bộ, người đứng đầu của 2 ông Thành cần phải xem xét lại. Vì sao họ lại tùy tiện trong việc sử dụng giấy tờ có giá trị như vậy mà hầu như không ai biết? Có hay không nguồn vốn nước ngoài hỗ trợ cho việc bảo vệ và phát triển rừng ở các khu vườn quốc gia mà cơ quan chức năng không biết? Đó là những câu hỏi rất cần được cơ quan chức năng sớm làm rõ.

TRẦN LƯU

- Thông tin liên quan:

>> Vụ cầm cố sổ đỏ Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng: Giám đốc đã đưa sổ đỏ về địa phương?

Tin cùng chuyên mục