“Vùng đất học” Vĩnh Thạnh

Cứ 10.000 dân thì có 600 sinh viên, tỷ lệ bình quân đạt hơn 5% dân số, cao hơn tỷ lệ bình quân cả nước (1,8%). Huyện vùng sâu Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã khẳng định, nghèo khó không thể ngăn cản được tri thức, nếu thật sự quyết tâm…
“Vùng đất học” Vĩnh Thạnh

Cứ 10.000 dân thì có 600 sinh viên, tỷ lệ bình quân đạt hơn 5% dân số, cao hơn tỷ lệ bình quân cả nước (1,8%). Huyện vùng sâu Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã khẳng định, nghèo khó không thể ngăn cản được tri thức, nếu thật sự quyết tâm…

Thư viện Trung tâm học tập cộng đồng Thạnh An.

Nóc gia mới đều do cái chữ

“Ấp có 414 hộ, trên 2.200 khẩu, gần 100% làm ruộng…”, bên chiếc bàn đá nhìn thẳng ra con kinh trước nhà, Bí thư kiêm trưởng ấp Thầy Ký (thị trấn Thạnh An - huyện Vĩnh Thạnh) Vũ Đức Minh thủng thẳng trả lời. Chưa thấy ai bước lên hàng tỷ phú ở nơi cách trung tâm TP Cần Thơ đến gần 80km nhưng “giàu sang cái chữ” đã khiến nhiều nơi phải “ngả nón” xin chào: Ấp có 2.261 khẩu thì đã có 243 sinh viên học hệ cao đẳng, đại học, trên đại học. 185 người đã tốt nghiệp, trong đó có 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 6 bác sĩ, 1 luật sư, 42 kỹ sư các ngành; 72 giáo viên các cấp, 56 tốt nghiệp các trường cao đẳng và chuyên nghiệp... Hàng năm số em tiếp tục vào đại học còn đông hơn một thế hệ được sinh ra, số người đã ra trường, công tác các nơi nhiều hơn tổng số học sinh trong ấp.

Gần như nhà nào cũng có con học đại học, cao đẳng. Hầu hết các hộ đều được công nhận gia đình hiếu học các cấp. Ngay gia đình anh Minh có 6 người con thì 5 đã tốt nghiệp đại học (Nông lâm, Chế biến Công nghiệp thực phẩm, Tôn Đức Thắng…), con út đang là sinh viên Đại học Cần Thơ.

“Vùng đất học” ở huyện Vĩnh Thạnh bao gồm các xã Thạnh Thắng, Thạnh Lợi, Thạnh An, Thạnh Tiến, thị trấn Thạnh An. Tính trung bình cứ 10.000 dân thì có 600 sinh viên (SV) đang học các trường đại học trong và ngoài nước, tỷ lệ bình quân số SV đạt hơn 5% dân số, cao hơn tỷ lệ bình quân cả nước (1,8%). Số đã tốt nghiệp đại học là 430, trong đó có 4 tiến sĩ, 15 thạc sĩ, 18 bác sĩ, 60 kỹ sư các ngành…

Thị trấn Thạnh An có mô hình “Khu dân cư đại học” ở ấp Phụng Quới A, nơi có 60 hộ dân thì hết 57 gia đình có con hoặc bản thân chủ hộ có trình độ từ đại học trở lên. Ấp nghèo F1, xã Thạnh An có 4 tiến sĩ, 105 cử nhân đại học và cao đẳng. Ngay cái xã Thạnh Lộc heo hút mù khơi, từng mang danh “xã mù chữ” cũng có khoảng 200 sinh viên, rút ngắn khoảng cách về dân trí (theo số sinh viên) với các xã phía Bắc Cái Sắn (Thạnh An, Thạnh Thắng…) xuống 2 đến 5 lần, thay vì 30 lần như 10 năm trước.

“Cả nước có 170 em học tại trường Đông Du trên TPHCM để chuẩn bị du học Nhật; trong đó Cần Thơ có 14 em lại toàn là dân Vĩnh Thạnh”, Phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh - Đặng Phúc  Minh cho biết.

“Con cái học hành thành đạt quay về phụng dưỡng, cất nhà cho cha mẹ nhiều lắm. Nóc gia nào mới đều do cái chữ mà ra hết đó”, Trưởng ấp Vũ Đức Minh chỉ căn nhà mới hoành tráng bên kia dòng kinh nói vậy. 

Hoa trái có nguồn

“Trời không tạo người đứng trên người, nếu có khác biệt là do học vấn” (Fukuzava Yukichi).

Rất nhiều gia đình ở ấp Thầy Ký vẫn ngày ngày ngửa mặt phơi lưng, cặm cụi chắt chiu từng hạt lúa, con cá, lá rau, thậm chí bán nhà, cầm cố đất, làm thuê ở mướn… chỉ đơn giản mong con học thành tài. Và đã có những cuộc đổi đời như huyền thoại. Gia đình ông Nguyễn Văn Đàm có 7 con đều tốt nghiệp đại học (1 thạc sĩ, bác sĩ, 3 kỹ sư ); gia đình ông Nguyễn Văn Rợp (1 nữ bác sĩ, 5 kỹ sư); hộ ông Hoàng Văn Nhơn (1 thạc sĩ, 1 kỹ sư kinh tế, 1 kỹ sư xây dựng, 1 đang học đại học năm cuối); nhà bà Nguyễn Thị Thuận có 9 người con đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng...

“Học sinh bỏ học là trách nhiệm của chính quyền”, ông Đặng Phúc Minh nhớ hoài câu nói của vị Bí thư huyện ủy từ nhiều năm trước. “Truyền thống hiếu học, cấp ủy và chính quyền quan tâm; công tác xã hội hóa giáo dục luôn được đề cao là điểm mạnh của Vĩnh Thạnh”- Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Thạnh Đỗ Sĩ Nhường phân tích. Là một vùng có đông bà con theo đạo, suốt nhiều năm qua “đạo và đời” đã đồng hành “gieo chữ” cho con em trong vùng.

“Trung tâm học tập cộng đồng” nằm ngay trong khuôn viên nhà thờ thị trấn Thạnh An. Trong trung tâm có thư viện với hơn 5.000 đầu sách, có phòng ăn, phòng ngủ sạnh sẽ… cho 96 em học sinh nội trú. Nơi đây còn liên kết với các trường đại học ở An Giang, Cần Thơ, TPHCM tổ chức các lớp âm nhạc, tin học, ngoại ngữ, may, xây dựng… quy tụ hàng trăm học sinh. Mỗi mùa thi đưa đón hàng trăm thí sinh lên 5 thành phố lớn… Ở Vĩnh Thạnh có hơn 10 trung tâm cộng đồng như vậy.

“Làm bữa nào ăn bữa đó”, “Trời sinh voi sinh cỏ” bám rễ quá sâu trong suy nghĩ bà con. Đi học “không được gì” lại tốn hao tiền bạc, công sức, thời gian; ở nhà mò cua bắt ốc, chăn vịt thuê, bán vé số… thì có cái ăn trước mắt.  “Đất chật người đông, nông nghiệp lận đận; đi ra dám ngẩng mặt nhìn ai nếu không bằng cái chữ. Sự học giúp ta thoát nghèo nhanh nhất, bền vững nhất và cũng danh dự nhất. Chúng tôi đã kiên trì vận động để từng gia đình truyền lửa cho các em nhận thức đó. Đến nay đã tạo ra sự “cạnh tranh gay gắt” vì một xã hội học tập, thật tự nhiên, đáng quý”- Chủ tịch Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh Phạm Ngọc Trác cười vui. 

Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh là điểm sáng, luôn được báo cáo điển hình lên trên. Mạng lưới khuyến học Vĩnh Thạnh dày đặc với hơn 200 tổ chức, 5 dòng họ, trên 14.000 hội viên; có trang web riêng; họp mặt SV hàng năm. Quỹ khuyến học đã trợ giúp HS-SV hơn 12 tỷ đồng; hàng năm gần 3.000 học sinh và 100 sinh viên được trợ cấp từ 200.000 - 1.000.000 đồng/em; trao  hơn 1.000 xe đạp, 600.000 cuốn tập…

Suốt 10 năm qua, Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh đã âm thầm bổ sung “khuyến đức” vào chủ trương “khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. “Khuyến đức chính là cái hồn của khuyến học”- Phó chủ tịch Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh Đặng Phúc  Minh nói vậy. Sáng miền đất học vùng sâu.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục