Xây trường học rồi bỏ hoang

Đó là Trường THPT Mai Kính (ở huyện Thạch Hà) và Trường THCS Kỳ Thịnh (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)… được đầu tư xây dựng với nguồn vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, khi đang trong quá trình thi công thì “đứt gánh”…
Xây trường học rồi bỏ hoang

Đó là Trường THPT Mai Kính (ở huyện Thạch Hà) và Trường THCS Kỳ Thịnh (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh)… được đầu tư xây dựng với nguồn vốn lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, khi đang trong quá trình thi công thì “đứt gánh”…

Trường đang xây thì xóa sổ

Công trình Trường THPT Mai Kính gồm 4 tầng, 16 phòng học được đầu tư với số vốn lên đến 31,3 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ tháng 5-2010 trên diện tích hơn 34.000m² lạc lõng giữa cánh đồng thuộc địa phận xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Công trình do UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu 22-12 thi công.

Tuy nhiên, đến năm 2012, khi mới hoàn thiện được phần thô với số tiền đầu tư khoảng 4 tỷ đồng thì dự án xây Trường THPT Mai Kính bị xóa sổ. Kể từ đó ngôi trường bỏ hoang mặc cho nắng mưa hủy hoại, nhiều hạng mục đã xuống cấp, các khối bê tông bị lòi thép ra ngoài, cầu thang lên xuống mốc meo, nhiều chỗ nứt nẻ ngang dọc…

Mới đây, nhằm giảm bớt chút ít lãng phí, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Mitraco Hà Tĩnh thuê lại toàn bộ diện tích mặt bằng tầng 1 của Trường THPT Mai Kính để làm Trung tâm Cấp giống cây trồng…

Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, việc giải thể Trường THPT Mai Kính là nằm trong đề án quy hoạch lại hệ thống trường mầm non và phổ thông tỉnh đến năm 2020, vì trường này không đủ học sinh để duy trì số lớp theo yêu cầu. Vì vậy, từ năm học 2012 - 2013 Trường THPT Mai Kính đã không còn tuyển sinh vào lớp 10.

Điểm Trường THCS Kỳ Thịnh (cơ sở mới) đang bỏ hoang, trong khi hơn 730 học sinh của trường này đang phải học 2 ca ở cơ sở cũ xuống cấp, dột nát.

Ước mong ngôi trường mới

Tương tự tại Trường THCS Kỳ Thịnh (ở xóm 8, xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ An, tỉnh Hà Tĩnh) với 2 tầng, 10 phòng học và hệ thống hàng rào tọa lạc trên diện tích 13.000m², tổng kinh phí đầu tư 5,6 tỷ đồng. Công trình này được Ban Quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) tỉnh Hà Tĩnh rót vốn, UBND xã Kỳ Thịnh làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần Xây dựng Hòa Bình thi công. Trường được khởi công xây dựng từ năm 2011 để đưa vào sử dụng trong năm 2012.

Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc nên ngôi trường đang trong tình cảnh bỏ hoang hơn 2 năm qua. Hiện tại trần nhà đã thấm nước, nhiều nơi nước dột đọng xuống thềm thành vũng nhỏ, lớp gạch lát dưới nền bị bong tróc, rộp, vỡ vụn từng mảng, nhiều đoạn bức tường nứt nẻ, rêu phong bám phủ, hệ thống then cài cửa sắt hoen gỉ, bên trong các phòng bốc mùi ẩm mốc… gây lãng phí rất lớn.

Trong khi đó, trong năm học 2014 - 2015, có hơn 730 học sinh, giáo viên của Trường THCS Kỳ Thịnh lại phải “gồng mình” học tạm tại điểm trường cũ (cách trường mới bỏ hoang khoảng 400m) đang bị xuống cấp, dột nát, đặc biệt phải học cả hai ca.

Ông Nguyễn Tiến Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thịnh, cho biết, cuối năm 2012, khi chuẩn bị hoàn thiện dãy nhà hai tầng gồm 10 phòng thì phải dừng thi công do một số hạng mục không phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới và gặp nhiều vướng mắc khác, xã đã yêu cầu nhà thầu dừng lại để điều chỉnh cho đúng tiêu chí.

Trong khi đó, BQLKKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chủ đầu tư là UBND xã Kỳ Thịnh đã không quyết tâm trong việc giải phóng mặt bằng, dẫn tới công trình thi công hơn 3 năm vẫn chưa xong. Nếu như xã quyết tâm thì mọi việc sẽ được xử lý rất nhanh chóng…

Theo thầy Trần Xuân Lạc, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Thịnh, cơ sở cũ khá chật hẹp, chỉ có 15 phòng học. Trong khi đó số lượng học sinh là 730 em với 23 lớp. Nhà trường phải tổ chức dạy 2 ca nên rất vất vả. Ước mong thiết tha của nhà trường và phụ huynh là điểm trường mới sớm được tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thành để chuyển đến đó học, nếu cứ kéo dài tình trạng học ở trường cũ thì tội nghiệp cho các em học sinh lắm…

Nói về thực trạng trường xây tiền tỷ rồi bỏ hoang, ông Dư Lý Trí, Phó Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khoảng 5 năm về trước, học sinh trong toàn tỉnh nhiều, khoảng 40 vạn, nay chỉ còn hơn 23 vạn. Sở dĩ giảm số lượng này là do nhiều em nghỉ học, có người chuyển trường vào miền Nam. “Thiếu học sinh nhưng lại thừa lớp thì lẽ tất yếu phải sáp nhập trường. Vì vậy nhiều trường học đã quy hoạch từ trước, nhưng nay nằm trong đề án sẽ dôi ra…”, ông Trí nói.

Tại tỉnh Hà Tĩnh cũng đang xảy ra thực trạng đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các cơ sở dạy nghề đồ sộ. Thế nhưng, số lượng học sinh đến đăng ký theo học hàng năm chỉ trên đầu ngón tay nên gây lãng phí lớn. Điển hình là cơ sở đào tạo Cao đẳng nghề Vũng Áng - Hà Tĩnh (ở huyện Kỳ Anh - mục tiêu để đào tạo con em trong tỉnh trở thành những công nhân kỹ thuật, cung cấp cho dự án Formosa), với diện tích hơn 16ha, do Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, vốn phê duyệt hơn 500 tỷ đồng, quy mô đào tạo 5.000 học sinh, sinh viên/năm. Sau hơn 3 năm xây dựng hết gần 200 tỷ đồng (một số hạng mục chưa hoàn thành), nhìn từ bề ngoài cơ sở đào tạo này là tòa nhà 4 tầng đồ sộ, hoành tráng. Thế nhưng, mới có hơn 100 học sinh theo học, nhưng chủ yếu học bổ túc văn hóa…

Tiếp đó là Trung tâm dạy nghề giáo dục hướng nghiệp thường xuyên TP Hà Tĩnh được đầu tư hơn 16 tỷ đồng, với quy mô 2 tòa nhà cao tầng và 1 nhà thực hành cùng nhiều thiết bị máy móc hiện đại. Trung tâm có 9 phòng học đáp ứng 18 lớp học 2 ca/ngày, tuy nhiên năm 2013, tỷ lệ tốt nghiệp học nghề của trung tâm này chỉ vỏn vẹn 62 em.

Dương Quang

Tin cùng chuyên mục