Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL - Ngổn ngang vì thiếu vốn

Dù đã được đầu tư nhiều dự án lớn, thay đổi đáng kể diện mạo nhưng đến thời điểm hiện tại, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn thiếu tính đồng bộ, là điểm nghẽn nan giải trong vận tải xuất khẩu hàng hóa, đi lại giữa ĐBSCL với các vùng miền khác.
Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL - Ngổn ngang vì thiếu vốn

Dù đã được đầu tư nhiều dự án lớn, thay đổi đáng kể diện mạo nhưng đến thời điểm hiện tại, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn thiếu tính đồng bộ, là điểm nghẽn nan giải trong vận tải xuất khẩu hàng hóa, đi lại giữa ĐBSCL với các vùng miền khác.

Quá nhiều nút thắt cổ chai

Hạ tầng giao thông, nhất là giao thông liên vùng, giao thông kinh tế vẫn đang là điểm yếu của ĐBSCL. Nhiều công trình quan trọng tạo động lực phát triển vùng chậm thi công như tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, tuyến đường sắt TPHCM - Mỹ Tho; các tuyến quốc lộ (QL) chiều ngang chỉ 3,5m; nhiều tuyến đường ô tô đến trung tâm xã chưa thi công, các cảng nằm dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu, cảng biển chưa được đầu tư xây dựng. Luồng cho tàu biển tải trọng lớn còn ách tắc… Những nút thắt này đã gây nhiều khó khăn cho phát triển vùng.

Kênh Chợ Gạo - tuyến lưu thông hàng hóa huyết mạch nối ĐBSCL - TPHCM thường xuyên quá tải.

Kênh Chợ Gạo - tuyến lưu thông hàng hóa huyết mạch nối ĐBSCL - TPHCM thường xuyên quá tải.

Cảng Cái Cui là một ví dụ điển hình. Là dự án trọng điểm của Nhóm cảng biển VI, lớn nhất ĐBSCL, đã được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, có khả năng tiếp nhận tàu 200.000 tấn, nhưng mới được khai thác khoảng 10% - 20% công suất. Nguyên nhân chính do các tàu lớn luôn bị mắc cạn không vượt qua được luồng Định An. Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng: ĐBSCL dù đã được quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nhưng chưa thực sự đồng bộ, điều đó được minh chứng qua việc có cảng nhưng không có luồng. Do vậy, việc vận chuyển hàng hóa lên TPHCM phải qua đường bộ, tốn kém nhiều chi phí.

Một trong những nút thắt “xương xẩu” khác là các tuyến QL. Gọi là QL nhưng 2 chiếc ô tô ngược nhiều tránh nhau đã khá vất vả. QL53, 54, 91, 80… đều hẹp và cầu yếu cũ nên khó vận chuyển hàng hóa. QL1A đoạn Cần Thơ - Cà Mau, xương sống của giao thông ĐBSCL, hầu như vắng bóng xe container. Doanh nghiệp ở 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, vựa tôm xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn mỗi năm, thu về cho đất nước trên 1 tỷ USD phải xé lẻ hàng hóa để chuyên chở về TPHCM xuất khẩu.

Bức xúc nhất là Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, từ khi đưa vào sử dụng đến nay vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, chưa khai thác đúng mức so với quy mô và nguồn vốn đã đầu tư. Hiện tại, sân bay Cần Thơ chỉ khai thác được một số tuyến nội địa như: Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Phú Quốc… Riêng việc mở đường bay quốc tế, Cần Thơ chỉ đưa khách đi đến Đài Loan một vài thời điểm trong năm. Năm 2013, Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ chỉ tiếp nhận 238.000 lượt hành khách, trong khi công suất thiết kế là 3.000.000 lượt khách/năm, thấp hơn rất nhiều so với nhiều cảng hàng không khác trong nước…

Trong khi đó, vận tải bằng đường thủy, một thế mạnh của ĐBSCL, vẫn còn rất nhiều… điểm yếu. Theo đánh giá của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tuy luồng tuyến dày đặc nhưng không đồng cấp, nhất là về độ sâu; một số cầu cũ có chiều rộng khoang thông thuyền, tĩnh không hạn chế. Tuyến huyết mạch từ TPHCM đi các địa phương ĐBSCL phải qua kênh Chợ Gạo. Tuy cầu Chợ Gạo được xây mới có tĩnh không và khoang thông thuyền rộng nhưng luồng vẫn còn hẹp. Trong khi đó, mật độ, lưu lượng phương tiện đi lại lớn hơn 346.000 lượt/năm. Cả vùng ĐBSCL có 2.510 cảng, bến thủy nội địa nhưng trang thiết bị bốc xếp hàng hóa chưa được hiện đại hóa, chưa đồng bộ, kể cả đối với cảng bốc xếp container, phần lớn các bến còn thủ công.

Công nhân đang thi công trụ tháp cầu Vàm Cống. Ảnh: MCC

Công nhân đang thi công trụ tháp cầu Vàm Cống. Ảnh: MCC

Tháo gỡ quyết liệt?

Để hạ tầng giao thông ĐBSCL phát triển đồng bộ, phục vụ tốt hơn nữa cho nhu cầu phát triển kinh tế vùng, Bộ GTVT đang rà soát, tập trung tháo gỡ các dự án lớn, bởi phát triển giao thông cần có nguồn vốn đầu tư lớn, không thể giải quyết một sớm một chiều mà phải có thứ tự ưu tiên, trước hết là những công trình trọng điểm còn tồn đọng.

Trong 4 trục dọc (gồm QL1A, QL60, đường Hồ Chí Minh và đường N1), chưa có trục nào hoàn chỉnh. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 54km, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, hiện đang khởi động để có thể khởi công vào quý 4 năm nay. Về tuyến QL60, sau cầu Cổ Chiên, sẽ là cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, nối Trà Vinh - Sóc Trăng. Tổng kinh phí của dự án gần 13.000 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối quý 3 năm nay sẽ có báo cáo hoàn chỉnh của dự án này. Nếu hoàn thành cầu Đại Ngãi, các tỉnh ven biển từ Cà Mau lên TPHCM sẽ có điều kiện phát triển KT-XH.

Trên công trường thi công cầu Cổ Chiên. Ảnh: TUẤN LỘC

Trên công trường thi công cầu Cổ Chiên. Ảnh: TUẤN LỘC

Về khai thác hàng không, theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tới đây, TP Cần Thơ sẽ tập trung vào việc mở 3 tuyến bay nội địa đang có nhu cầu rất bức xúc gồm: Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Lâm Đồng và Cần Thơ - Cam Ranh. Riêng đối với các tuyến bay quốc tế, sau khi khảo sát thực tế, thành phố đã xác định sẽ tập trung mở 2 đường bay gồm: Cần Thơ - Thái Lan và Cần Thơ - Xiêm Riệp (Campuchia). Ngoài ra sẽ mở thêm 2 tuyến bay đến Đài Loan và Hàn Quốc - nơi có rất đông người Việt đang làm ăn, sinh sống.

Hiện tại, Bộ GTVT cũng đang cố gắng hoàn thành tuyến đường thủy từ TPHCM qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Khi hoàn thành, các phương tiện vận tải đường thủy từ 500 - 1.000 tấn có thể lưu thông thẳng về TPHCM. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong quý 1-2015, dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo sẽ hoàn thành và đến cuối năm 2015, luồng tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố cũng thông tuyến sẽ là điều kiện tốt để vực dậy tiềm năng khai thác phát triển vận tải thủy khu vực ĐBSCL.

Tuy nhiên, nhu cầu về vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL vẫn còn thiếu trầm trọng. Để hoàn thành kế hoạch đề ra của năm 2014 và các năm tiếp theo đối với lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL, các bộ, ngành trung ương cần sớm hoàn thiện thủ tục phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung theo phương án đã được Quốc hội thông qua; tăng nguồn vốn ngân sách phân bổ hàng năm cho ngành giao thông đủ để bố trí nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA và triển khai một số dự án cấp bách có tính chất liên kết vùng.

Ngày 21-7, tại TP Cần Thơ, Bộ GTVT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị “Nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL”. Theo báo cáo tại hội nghị, ĐBSCL hiện có hơn 13.000km đường thủy sử dụng được cho vận tải, trong đó khoảng 7.000km được đưa vào cấp quản lý. Các tuyến chính gồm 4 trục dọc nối Đông – Tây - Nam bộ, 3 trục ngang và các tuyến tránh. Toàn vùng có gần 230.000 phương tiện thủy nội địa được đăng ký, chủng loại phong phú, tổng công suất máy hơn 8,7 triệu CV, tổng trọng tải tàu hàng 7,2 triệu tấn; sức chở hành khách hơn 700.000 người. Hàng năm, lượng hàng hóa vận chuyển phương tiện thủy nội địa qua khu vực ĐBSCL đạt 51,5 triệu tấn, chiếm 30% cả nước; chủ yếu là lúa gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, mía đường, clinke...

Tại hội nghị, Bộ GTVT mời lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL tham dự nhưng chỉ có chủ tịch UBND TP Cần Thơ và 4 phó chủ tịch UBND các tỉnh khác đến dự. “Rõ ràng, có sự quan tâm chưa đến nơi đến chốn”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận. Trong phần thảo luận, Bộ trưởng Đinh La Thăng mời đại diện Bộ Công thương, VCCI phát biểu ý kiến nhưng không có ai lên tiếng. “Hay ra về rồi? Lúc nãy thấy có đăng ký dự” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói. Bộ trưởng mời đại diện UBND các tỉnh có ý kiến, cũng không ai lên phát biểu!

HÀM LUÔNG - BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục