Kon Tum: Gần 760 tỷ đồng quy hoạch, sắp xếp dân cư vùng biên giới

UBND tỉnh Kon Tum vừa cho biết đã bố trí nguồn vốn gần 760 tỷ đồng, đồng thời chỉ đạo các huyện biên giới Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei triển khai lồng ghép các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 135, Dự án 5 triệu ha rừng, nguồn vốn trái phiếu chính phủ… để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã biên giới.

(SGGP).- UBND tỉnh Kon Tum vừa cho biết đã bố trí nguồn vốn gần 760 tỷ đồng, đồng thời chỉ đạo các huyện biên giới Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei triển khai lồng ghép các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình 135, Dự án 5 triệu ha rừng, nguồn vốn trái phiếu chính phủ… để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã biên giới.

Đến cuối tháng 8-2014, trên khu vực biên giới giáp với nước bạn Lào và Campuchia, tỉnh Kon Tum đã xây dựng được 563,5km đường giao thông; 73,4km đường điện, 1.311 nhà ở cho công nhân với diện tích 64.99m²; 27 nhà trẻ, 5 trạm y tế; xây dựng 418 giếng đào và 22 giếng khoan để cấp nước sinh hoạt cho công nhân cao su. Trong giai đoạn 2014 - 2015, tỉnh Kon Tum tiếp tục tập trung ổn định dân tại chỗ (ưu tiên khu vực biên giới, khu vực cần di dời dân cư cấp bách) nhằm ổn định đời sống cho người dân tại nơi ở mới; xây dựng đồng bộ hệ thống đường, điện, nước và hạ tầng thiết yếu phục vụ cho đời sống của nhân dân và sản xuất bền vững; phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành những nội dung cơ bản của Chương trình quy hoạch, sắp xếp dân cư vùng biên giới; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo vệ môi trường sinh thái ở khu dân cư, tăng cường mối đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.

ĐỨC TRUNG

* 600 triệu đồng trùng tu Đền thờ Vua Hùng

(SGGP).- Sở VH-TT-DL TPHCM vừa phê duyệt đề án trùng tu, tôn tạo Đền thờ Vua Hùng, tọa lạc tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1 để khắc phục tình trạng xuống cấp tại di tích này (Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 22-5 đã phản ánh). Theo đó, ngôi đền sẽ tôn tạo các hạng mục như: gia cố trần, lợp lại mái ngói để chống dột với tổng kinh phí 600 triệu đồng, được giao cho Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TPHCM triển khai thực hiện.

Đền thờ Vua Hùng (còn được gọi Đền Hùng Vương, Đền Hùng hay Đền Quốc tổ Hùng Vương) được người Pháp xây dựng khoảng năm 1926. Nơi đây được người dân tín ngưỡng, thờ Khổng Tử và Vua Hùng nên từ năm 1956 đã được đổi tên thành Đền Quốc tổ Hùng Vương. Năm 1975, ngôi đền được giao cho Bảo tàng Lịch sử TPHCM quản lý, đồng thời chính thức gọi tên đền thờ Hùng Vương. Từ nhiều năm qua, đền thờ vua Hùng đối mặt với tình trạng hư hại nặng. Các đầu hồi, cây gỗ có dấu hiệu mục và xuống cấp nghiêm trọng. Mái ngói bị xô lệch, nứt vỡ nên mỗi khi trời mưa, nước đọng từ trên trần tràn xuống theo đường cột làm mục các cột gỗ; các khung gỗ trang trí hoa văn trên trần (còn gọi là vách lá gió) cũng bị hư hại nặng. Trải qua trên 80 năm xây dựng, từ đó đến nay ngôi đền này mới chỉ được trùng tu một lần vào năm 1985, chủ yếu là sơn phết lại và thực hiện đảo ngói.

MINH AN

* Khai thác thế mạnh hệ thống chợ truyền thống

(SGGP).- Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị xúc tiến thương mại - du lịch giữa tỉnh Lâm Đồng và nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ. Theo chủ trang trại Điền Công Tâm, chuyên sản xuất chuối Laba Đà Lạt, với diện tích hơn 50ha, sản lượng trên 250 tấn/tháng, rất nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng tuy sản phẩm đã đi vào siêu thị nhưng cần hợp tác, khai thác nhhiều hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của hệ thống chợ truyền thống tại ĐBSCL. Các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng như (hoa, rau sạch, chuối Laba, trà, cà phê, tơ tằm…) đã được doanh nghiệp ĐBSCL đặc biệt quan tâm và mong muốn kết nối dài lâu. Các đại biểu cũng trao đổi kinh nghiệm đưa hàng vào hệ thống siêu thị, tiêu chuẩn trở thành đối tác của siêu thị; cách khai thác thị trường du lịch, chợ truyền thống hiệu quả hơn; nhu cầu, điều kiện mở đại lý, chi nhánh tại Lâm Đồng và Cần Thơ…

THỐNG NHẤT 

* Khai trương Lotte Center Hà Nội vào dịp Quốc khánh

(SGGP).- Chủ đầu tư dự án Lotte Center Hà Nội cho biết sẽ khai trương tòa nhà hỗn hợp này vào đúng dịp Quốc khánh 2-9, sau 5 năm khởi công xây dựng. Lotte Center Hà Nội tọa lạc tại 54 Liễu Giai (Hà Nội), là một trong những tổ hợp nhà ở cao cấp, văn phòng hạng A, khách sạn 5 sao và trung tâm mua sắm hiện đại tại Hà Nội với tổng số vốn đầu tư hơn 400 triệu USD. Quy mô tòa nhà gồm 65 tầng nổi, 5 tầng hầm trên diện tích đất 14.000m², diện tích sàn 253.000m², cao 272m. Tầng hầm B1 là siêu thị Lotte Mart. Tầng 1 đến tầng 6 là trung tâm mua sắm Lotte Department Store Hanoi với hơn 260 nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, tòa nhà còn có 258 căn hộ dịch vụ và khách sạn 5 sao với 318 phòng tiêu chuẩn và cao cấp.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục