Phố… rác!

Hiện nay, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai và ngay cả phố núi Pleiku (tỉnh lỵ của Gia Lai) xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sức khỏe của người dân.
Phố… rác!

Hiện nay, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai và ngay cả phố núi Pleiku (tỉnh lỵ của Gia Lai) xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sức khỏe của người dân.

Phố núi đầy… rác

Đâu đâu cũng rác

Trở thành đô thị loại 2 vào năm 2009, hiện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang phấn đấu để phố núi đạt tiêu chuẩn loại 1 vào năm 2020. Song, kinh tế phát triển lại trở thành áp lực không nhỏ đối với vấn đề môi trường. Đi trên các con đường lớn trong thành phố bây giờ dễ thấy hình ảnh rác thải vương vãi khắp nơi, dưới lòng đường, trên vỉa hè, thậm chí ngay trước cửa nhà dân…

Có mặt ở Trung tâm Thương mại TP Pleiku (cổng đường Thi Sách) vào những ngày cuối tháng 8, chúng tôi quan sát thấy các chị lao công thuộc Công ty Công trình đô thị Pleiku vừa thu gom rác thải đầy xe và đang đẩy đến khu vực tập kết rác, chờ xe thu gom đến chở về bãi rác. Thế nhưng khi nhìn lại hai bên đường, nơi vừa được thu gom rác thì những đống rau vụn, bao bì ni lông lại xuất hiện, tạo ra cảnh quan không đẹp mắt. Bà Lê Thị Hạnh, chủ một ngôi nhà ngay mặt đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Diên Hồng (TP Pleiku) cho biết: “Sau khi chợ đêm tan, rác đủ thể loại bị vứt vô tội vạ. Họ còn đổ cả nước giết mổ gia cầm đỏ lòm ra đường. Mùi hôi thối bốc lên khi bắt đầu có nắng, những ngày mưa thì cả rác và nước bẩn trôi theo nước mưa lênh láng khắp nơi. Tôi ở đây đã mấy chục năm rồi, khó chịu lắm, ý kiến mãi cũng không thấy cải thiện mấy, lâu dần cũng thành quen”. Ở các cổng khác của Trung tâm Thương mại TP Pleiku, tình trạng rác thải cũng xảy ra tương tự. Dường như người dân đã quen với cảnh tượng này nên họ vẫn thản nhiên ngồi buôn bán, đi lại ngay dưới lề đường khi xung quanh mình toàn rác.

Ra khỏi khu vực TP Pleiku, người đi đường dễ bắt gặp những bãi rác lộ thiên bốc mùi xú uế dọc quốc lộ 14, 19, đầu làng, cuối xóm, lòng kênh mương, thậm chí ngay sát nhà dân, trường mầm non, nhà văn hóa… với đủ các loại rác thải sinh hoạt như túi ni lông, chai lọ, lông gà vịt, xác động vật… Cứ cách vài trăm mét, có nơi vài chục mét lại xuất hiện nhiều đống rác do người dân vứt tràn lan ra hai bên đường trông nhếch nhác và mất mỹ quan. Đơn cử tại thị trấn Ia Kha, huyện biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai), nhiều năm nay người dân phải “sống chung” với rác bởi tất cả rác thải của thị trấn đều đổ ra bãi rác được quy hoạch lộ thiên, nằm ngay bên cạnh tỉnh lộ gần cầu Ia Châm. Ông Nguyễn Thanh Hùng, một người dân sinh sống tại thị trấn Ia Kha, bức xúc nói: “Chúng tôi thực sự rất khổ sở khi sống chung với rác. Rất mong chính quyền địa phương nhanh chóng di dời bãi rác sang vị trí khác hợp lý hơn để người dân được sống trong môi trường trong sạch”.

Chôn lấp tạm thời

Theo lãnh đạo Công ty Công trình đô thị TP Pleiku, hiện công ty đang thu gom rác ở 22/23 xã, phường. Trong đó, có 4 xã, phường chỉ thu gom được 50% diện tích do địa bàn dân cư sống thưa thớt, lượng rác thải ít nên không có nhu cầu thu gom. Như vậy, công ty đã thu gom được khoảng 80% lượng rác thải sinh hoạt của khu dân cư, với khối lượng khoảng 110 - 120 tấn/ngày đêm. Tất cả rác thải được thu gom và chở đến bãi rác tại xã Gào, cách trung tâm TP Pleiku 16km. Đây là bãi rác có diện tích khoảng 10ha, xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, định kỳ rải men vi sinh đẩy nhanh quá trình phân hủy rác và xịt hóa chất để diệt ruồi nhặng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa có nhà máy xử lý chất thải rắn. Vì thế, rác thải thu gom không được phân loại nên phải xử lý chung bằng phương pháp chôn lấp. Với phương pháp này, nước rỉ ra từ bãi rác sẽ thấm vào đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước ngầm. Mặt khác, vấn đề mùi hôi và côn trùng không được xử lý triệt để cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, chôn lấp rác chỉ là biện pháp tạm thời, không đảm bảo môi trường về lâu về dài.

Rác thải luôn là vấn đề nóng được bàn luận từ nhiều năm nay, nhưng đến giờ việc xử lý rác thải hợp vệ sinh vẫn là bài toán khó giải đáp đối với các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai.

ĐỨC TRUNG


Ngắm... rác trên quốc lộ 14

Nhiều bãi chứa rác thải của huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) hiện đang rất ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Không những thế, đơn vị thu gom rác thải còn đổ rác ra sát quốc lộ 14.

Bãi rác thải của huyện Krông Búk có diện tích hơn 0,4ha, được tập kết tạm tại thôn 15 (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk), nằm sát quốc lộ 14 và do Công ty TNHH Thành Đạt quản lý. Thời gian qua, công ty này đổ rác ra đến sát đường chứ không đưa vào bãi bên trong. Theo quan sát của phóng viên, rác thải được chất cao cả mét tại đoạn đường vào bãi rác, chỉ còn chừa duy nhất lối đi cho xe chở rác. Ở khu vực giữa bãi, hàng chục đống rác thải dày đặc cao tới đầu người. Cạnh đó, nước từ các đống rác tràn ra bên ngoài, ruồi nhặng bay khắp nơi và bốc mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân địa phương và cả những người đi lại trên quốc lộ 14.

Ông Trần Minh Trân, Trưởng phòng TN-MT huyện Krông Búk, cho biết: “Mới đây, chúng tôi phát hiện Công ty TNHH Thành Đạt đổ rác ra sát quốc lộ 14 gây ô nhiễm môi trường nên đã yêu cầu công ty dọn dẹp. Tuy nhiên, công ty không chịu hợp tác vì cho rằng chúng tôi không phải là đơn vị quản lý họ”.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục