Trăn trở giữ chân khách

Về Tây Ninh những ngày này, chúng tôi đã nhận diện được bức tranh toàn cảnh về du lịch của tỉnh cùng những trăn trở của địa phương trong quá trình đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020.
Trăn trở giữ chân khách

Du lịch Tây Ninh

Về Tây Ninh những ngày này, chúng tôi đã nhận diện được bức tranh toàn cảnh về du lịch của tỉnh cùng những trăn trở của địa phương trong quá trình đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020.

Những điểm đến độc đáo

Nói đến Tây Ninh là nhắc đến núi Bà Đen, một điểm du lịch đã trở thành thương hiệu với một hệ thống các chùa chiền, hang động tọa lạc trên ngọn núi cao nhất vùng Đông Nam bộ. Đứng ở chùa Bà, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn ra xung quanh để chiêm ngưỡng vẻ đẹp như tranh của một vùng non nước hữu tình với hồ Dầu Tiếng bao la ở phía xa, nằm trải rộng bên những cánh đồng lúa hiền hòa xanh thẳm được điểm xuyết bằng một con đường cái quan thẳng tắp. Khung cảnh thật là thanh bình khác xa so với một thời đạn bom. Với hệ thống cáp treo mới, du khách chỉ mất 5 phút để vượt chặng đường dốc hơn 1.200m và với ai thích cảm giác mạnh, có thể dùng máng trượt lượn giữa rừng nguyên sinh.

Cáp treo Khu Du lịch núi Bà Đen

Theo thống kê của Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa danh thắng và du lịch núi Bà Đen, từ năm 2009 đến nay, lượng khách du lịch đến tham quan núi Bà Đen tăng đều  3% - 5% và trong dịp lễ của đạo Cao Đài (rằm tháng 8 âm lịch) vừa qua đã đón 78.916 lượt khách, tăng 12% so với lễ năm trước.

Điểm đến thứ hai cũng thuộc loại đặc sắc không kém là Khu di tích Trung ương Cục miền Nam nằm trên địa bàn huyện Tân Biên, giáp biên giới với nước bạn Campuchia. Nơi đây có nhà làm việc của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Trung ương Cục như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng… nằm giữa những khu rừng nguyên sinh rậm rạp hàng trăm năm tuổi, là nơi giúp du khách hiểu thêm về một thời gian khổ nhưng hào hùng của cuộc kháng chiến trường kỳ.

Điểm thứ ba là tòa Thánh Cao Đài với kiến trúc độc đáo, thu hút đông tín đồ Cao Đài và du khách đến hành hương, tham quan hàng năm. Và điểm đến thứ tư là các siêu thị miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài.

Những con số khiêm tốn

Nhận thức được tiềm năng của tỉnh trong phát triển du lịch, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Tây Ninh đã có nhiều quyết sách để ngành du lịch phát triển mà mới nhất là Nghị quyết 04/2012 của Tỉnh ủy với mục tiêu đến năm 2020 đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà. Trong giai đoạn 2006 - 2010, du lịch Tây Ninh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm về lượng khách, tăng 21,8% về doanh thu, hạ tầng cơ sở vật chất du lịch của tỉnh được tăng cường với 436 cơ sở lưu trú, trong đó có 6 khách sạn 2 sao, 24 khách sạn 1 sao, sản phẩm du lịch từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, tốc độ tăng trưởng du lịch có phần chậm lại: lượng khách chỉ tăng bình quân 6,4%/năm và doanh thu từ du lịch tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng bình quân chung của cả nước và không đạt mục tiêu của Nghị quyết 04 lần lượt là 10% - 12% và 16% - 20%/năm.

Ông Dương Văn Phong, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh, đánh giá: “Lĩnh vực lưu trú còn yếu, khách đến hầu như chỉ đi về trong ngày vì các điểm vui chơi giải trí không có gì. Do đầu ra hạn chế nên nhà đầu tư chùn tay, không dám đầu tư vào khách sạn nên hiện tỉnh chưa có khách sạn 3 sao”.

Mặc dù Tây Ninh có Khu di tích Trung ương Cục miền Nam nhưng về cơ bản, di tích vẫn còn đơn điệu và chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ để níu chân du khách. Nếu gộp cả 3 điểm tham quan gọi là đặc sắc nhất gồm tòa Thánh, núi Bà Đen và Khu di tích Trung ương Cục thì thời gian tham quan chỉ gói gọn chưa tới 1 ngày, nhanh có thể thu xếp trong vòng nửa ngày. Điều đó lý giải vì sao tỷ lệ khách đến Tây Ninh lưu trú qua đêm rất thấp.

Làm gì để giữ chân khách?

Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đã có, Quyết định của UBND tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cũng đã ban hành với những quan điểm, mục tiêu khá rõ ràng. Điều cốt yếu nhất là cần đầu tư tạo thêm sản phẩm du lịch và dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Bôm, Trưởng ban quản lý các di tích Trung ương Cục miền Nam, thừa nhận: Qua phản ánh của khách đến tham quan chúng tôi, việc đặt các bàn thờ trong nhà lưu niệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương Cục là chưa hợp lý, làm cho di tích có phần ảm đạm. Theo hồi ký của những người từng giúp việc lãnh đạo Trung ương Cục, sở thích mỗi vị lãnh đạo mỗi khác, nhà của mỗi đồng chí có kiểu dáng khác nhau nhưng hiện lại làm chung một mẫu và cùng với sự trống vắng hiện vật làm cho các nhà làm việc thiếu sức sống. Lâu nay, chỉ có những đoàn khách là sinh viên tổ chức về nguồn kết hợp dã ngoại, cắm trại là có ở lại đêm còn hầu như khách đến cũng chỉ vào thăm một lát là về ngay nên rất cần đầu tư đúng mức cho khu di tích này.

Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen đến năm 2020 tầm nhìn 2030 cũng đã chỉ ra các công trình dự án cần kêu gọi đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch là xây dựng các resort, tạo thêm sản phẩm khám phá, du lịch thể thao cảm giác mạnh như đua xe địa hình nhằm tăng sản phẩm du lịch, níu giữ chân khách ở lại lưu trú qua đêm. Nơi đây có thể xây dựng các khu nghỉ dưỡng, an dưỡng dài ngày kết hợp thiền với mức giá hợp lý dành cho người có tuổi. Mặt khác, cần sớm định hình các sản phẩm du lịch - dịch vụ trên hồ Dầu tiếng để tạo một hệ thống liên kết nối tour tuyến du lịch tâm linh - du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - du lịch truyền thống để tạo nên một vòng tròn khép kín, tạo thương hiệu cho các tour du lịch Tây Ninh.

Một khi tạo thêm được sản phẩm du lịch đa dạng chắc chắn Tây Ninh sẽ thu hút được khách từ TPHCM, các tỉnh Đông, Tây Nam bộ và cả từ nước bạn Campuchia.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục