Đầu tư nâng cao đời sống đồng bào Khmer Nam bộ

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, thời gian qua, đi đôi với công tác tuyên truyền, các bộ, ngành và địa phương còn tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta đối với vùng ĐBSCL, như tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trong vùng dân tộc bằng nhiều nguồn lực; trong đó chương trình 135 giai đoạn 2 và các chính sách đặc thù khác tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn với kinh phí giải ngân trong năm 2013 là 130 tỷ đồng; phát vay hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ định canh, định cư trên 20 tỷ đồng; hỗ trợ đời sống cho người nghèo trên 534.000 người với kinh phí trên 56 tỷ đồng; hỗ trợ nước sạch cho hộ nghèo với kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc được quan tâm thực hiện có hiệu quả; xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả nhất định, mỗi năm giảm được khoảng 3% hộ nghèo, giảm từ 36,6% đầu năm 2011 xuống còn 27,6% vào cuối năm 2013…

XUÂN QUANG

* Vĩnh Long đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đang tập trung phân vùng quy hoạch, xác định cây trồng chủ lực để chuyển đổi. 6 tháng đầu năm 2014, cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, trồng trọt đạt 63,9%; chăn nuôi đạt 31,3% và dịch vụ đạt 4,8%; so với kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi đạt 1,3%, ngành trồng trọt giảm và dịch vụ thì ổn định. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã triển khai thực hiện dự án cánh đồng mẫu với diện tích 8.501ha, đạt 170% kế hoạch. Qua đó cũng đã cấp chứng nhận VietGAP khoảng 120ha ở 4 xã điểm trong tỉnh.

Về xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh có 4 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân toàn tỉnh là 10,5 tiêu chí/xã, cao hơn so với bình quân cả nước (8,5 tiêu chí/xã); không có xã dưới 5 tiêu chí. Một số tiêu chí có nhiều xã đạt cao như: Quy hoạch (100%), bưu điện (94,2%), hình thức tổ chức sản xuất (91%), giáo dục (97,7%), hộ nghèo (84,2%)… Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, năm 2013 đạt 21 triệu đồng/người/năm ( tăng 1,54 lần so với năm 2010).

CỬU LONG

* Sóc Trăng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Tỉnh Sóc Trăng vừa tiến hành bình chọn hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2014. Có 40 sản phẩm của 30 cơ sở, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia. Các sản phẩm được phân chia thành 4 nhóm gồm: Thủ công mỹ nghệ; chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống; sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ, phụ tùng cơ khí và nhóm sản phẩm khác.

Qua xem xét, đánh giá và chấm điểm, Ban Giám khảo thống nhất kết quả bình chọn trình Hội đồng bình xét để công nhận 23 sản phẩm đạt giải “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Sóc Trăng năm 2014” và khen thưởng giải nhất, nhì và ba cho 10 sản phẩm; đồng thời đề cử 5 sản phẩm tiêu biểu tham gia bình chọn giải thưởng cấp khu vực phía Nam gồm: Bánh pía của Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm bánh pía - lạp xưởng Tân Huê Viên; sản phẩm lạp xưởng của doanh nghiệp Quảng Trân; sản phẩm đôn ngồi sản xuất từ nguyên liệu lục bình của Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Ngọc Bích; sản phẩm chiếu Mỹ Đông II của Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Đông II, sản phẩm thiết bị máy vô chân mía của doanh nghiệp tư nhân Năm Kháng…

TRUNG HIẾU

* Đồng Tháp xây dựng các khu, cụm công nghiệp và làng nghề thân thiện với môi trường

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt Quyết định về Dự án đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu, cụm và làng nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020. Dự án nhằm ngăn chặn gia tăng ô nhiễm nguồn thải, cải thiện chất lượng của các khu công nghiệp (KCN) và đảm bảo cho người lao động trong các KCN, cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề được sống và làm việc trong môi trường có chất lượng tốt; đồng thời hướng đến xây dựng các KCN, CCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh sang mô hình sinh thái thân thiện với môi trường.

Lộ trình đến năm 2015 là 100% lượng rác thải đều được thu gom xử lý, đặc biệt là rác thải nguy hại. Tất cả các cơ sở sản xuất thuộc nhóm B, C như tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc... và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong các làng nghề được thanh kiểm tra, khắc phục sự cố ô nhiễm. Đến năm 2020, các cơ sở sản xuất và làng nghề đều được tiếp cận khái niệm sản xuất sạch hơn và từng bước thay đổi công nghệ. Theo đó, 100% KCN, CCN đi vào hoạt động hoàn thành hạ tầng về bảo vệ môi trường và xử lý chất thải đạt chuẩn...

HỒNG NGỰ

* Tiền Giang nhân rộng mô hình “ruộng lúa - bờ hoa”

Là địa phương đầu tiên của vùng ĐBSCL thực hiện mô hình “ruộng lúa - bờ hoa” tức “Công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh virus trên cây lúa”, đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng được trên 50 mô hình với diện tích gần 1.000ha lúa. Ở 11 xã xây dựng nông thôn mới thí điểm trong tỉnh đều có ứng dụng mô hình “ruộng lúa - bờ hoa” đem lại hiệu quả cao. Hình thức của mô hình này là nông dân trồng thêm các loại hoa dại trên bờ ruộng để hấp thu và dẫn dụ thiên địch về sinh sống, trú ngụ nhằm đa dạng hóa thành phần thiên địch có ích, khống chế các loài côn trùng gây hại đặc biệt là rầy nâu.

Áp dụng mô hình này, sau mỗi vụ lúa, nông dân giảm được chi phí cho thuốc trừ sâu, giống lúa, công chăm sóc từ 2 - 2,5 triệu đồng/ha. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2016, tỉnh Tiền Giang mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình công nghệ sinh thái khoảng 2.000ha và đến năm 2020 phấn đấu đạt diện tích 25.000ha đất sản xuất áp dụng mô hình này.

THANH TÙNG

* Nghệ An: 1.290 điểm sạt trượt đe dọa cuộc sống người dân

(SGGP).- Theo khảo sát của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh này có đến 1.290 điểm sạt trượt đe dọa đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Các điểm sạt trượt, lở đất tập trung ở 11 huyện miền núi của tỉnh, đặc biệt là các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông…

Trong số này có 6 điểm sạt trượt đặc biệt lớn, 6 điểm trượt rất lớn, 187 điểm trượt lớn, 420 điểm trượt trung bình, 671 điểm trượt nhỏ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh này đang có 268 điểm xói lở bờ sông, tập trung ở các huyện dọc tuyến sông Lam, sông Hiếu như huyện Hưng Nguyên, Đô Lương, Anh Sơn… Đặc biệt, tỉnh Nghệ An hiện có 55 điểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét ở các huyện miền núi. Hiện nay, song song với việc khắc phục các điểm sạt trượt, xói lở… thì biện pháp hữu hiệu mà Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão khuyến cáo vẫn là đưa ra các mức cảnh báo, nâng cao tính chủ động trong cảnh giác, phòng tránh nhất là trong mùa mưa lũ đang cận kề.

DUY CƯỜNG

* Tìm phương án khắc phục tình trạng sét đánh

(SGGP).- Liên quan đến thông tin bài viết “Xã… trời đánh” đăng trên Báo SGGP ngày 13-9, ông Trần Công Hoán, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, sau khi báo phản ánh, thị xã đã cử cán bộ xác minh mức độ sét đánh tại Ninh Thượng. Qua kiểm tra cho thấy, hiện tượng sét đánh tại Ninh Thượng là bất thường, gây hoang mang trong dân. Chính vì thế, thị xã sẽ sớm có công văn kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở KH-CN tỉnh vào cuộc, tìm giải pháp khắc phục, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sét gây ra. Trước khi có giải pháp từ cơ quan chuyên môn, địa phương sẽ mở các đợt tuyên truyền rộng rãi cho người dân cách phòng tránh sét khi trời có mưa, sấm.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục