Miền Trung trước nguy cơ động đất và sóng thần

Thời gian gần đây, hiện tượng động đất vẫn liên tiếp xảy ra tại khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Để làm rõ về vần đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam).
Miền Trung trước nguy cơ động đất và sóng thần

Thời gian gần đây, hiện tượng động đất vẫn liên tiếp xảy ra tại khu vực Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Để làm rõ về vần đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam).
 
- Phóng viên: Ngày 17-9 vừa qua đã xảy ra động đất có cường độ 3,6 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My. Trước đó ngày 16-8, một trận động đất 2,7 độ richter cũng xảy ra tại khu vực này. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng trên?

Miền Trung trước nguy cơ động đất và sóng thần ảnh 1

PGS-TS Nguyễn Hồng Phương

>> PGS-TS NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG: Đây không phải là chuyện mới mà từ năm 2012, khi thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu tích nước hiện tượng động đất kích thích đã xảy ra ở Bắc Trà My. Nó đúng với những nghiên cứu, báo cáo của Viện Vật lý địa cầu đưa ra vào năm 2003, khi dự án thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu được thực hiện. Các trận động đất xảy ra tại Bắc Trà My thời gian qua được các nhà khoa học nhận định là hệ quả xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2. Đây được gọi là những chuỗi động đất kích thích. Trên thế giới, rất nhiều công trình thủy điện khi bắt đầu xây dựng, cũng tạo ra những trận động đất kiểu này. Hiện nay, hệ thống quan trắc động đất với 10 trạm của Viện Vật lý địa cầu lắp đặt tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 cùng các chuyên gia Việt Nam và một số chuyên gia Nhật Bản, Ấn Độ đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu hiện tượng này.

- Xin ông nói rõ hơn về hiện tượng động đất kích thích cũng như nguy cơ động đất ở khu vực này?

Thông thường các con sông, vùng hồ chứa nước tự nhiên được sinh ra do quá trình vận động địa chất và có đới đứt gãy ở các mức độ khác nhau ở phía dưới. Khi chúng ta tiến hành ngăn đập lại, nước sẽ thấm xuống đới đứt gãy, làm thay đổi ứng suất lỗ rỗng, thúc đẩy quá trình giải phóng năng lượng sớm hơn, gây ra động đất bùng phát. Nếu không có hồ chứa thì ở đây có thể xảy ra động đất tự nhiên nhưng không phải là bây giờ mà là nhiều năm nữa, hoặc không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, khi người ta làm hồ chứa, đới đứt gãy bị tác động, bị kích thích khiến động đất xảy ra sớm hơn. Phải khi nào quá trình vận động địa chất dưới đó ổn định lại, các “lỗ hổng” được lấp đầy, thì hiện tượng động đất kích thích mới chấm dứt.

Ở khu vực Bắc Trà My, hiện nay hiện tượng động đất kích thích vẫn đang diễn ra và chúng ta chưa thể khẳng định khi nào nó chấm dứt được. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì nguy cơ động đất ở khu vực này mức cực đại là 5,5 độ richter.

- Những trận động đất ở Bắc Trà My đều yếu, nhưng chúng đã diễn ra liên tục từ năm 2012 đến nay và nguy hiểm hơn là chúng sinh ra do quá trình vận hành thủy điện Sông Tranh 2, trong khi người dân vẫn sống ở đây. Đâu là mối nguy tiềm ẩn ở đây, thưa ông?

Chúng ta đều biết, đập thủy điện Sông Tranh 2 ở rất cao. Theo thiết kế, khi không tích nước thì cũng đã ở độ cao 130m so mới mặt nước biển và nếu tích nước đầy đủ thì độ cao đạt 170m. Mặc dù những trận động đất đã xảy ra, theo kết luận thì chưa có ảnh hưởng tiêu cực đến độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2, nhưng quá trình động đất kích thích vẫn đang tiếp diễn và chưa biết lúc nào kết thúc. Chính quyền địa phương nên phối hợp với các cơ quan chức năng, tuyên truyền để người dân hiểu được vấn đề này. Tốt nhất, theo tôi nên có biện pháp di dời người dân đang sinh sống ở khu vực này tới vùng mới để tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

- Còn nguy cơ vùng miền duyên hải miền Trung bị ảnh hưởng sóng thần do động đất gây ra thì sao, thưa ông?

Các nhà khoa học đã xác định được 4 khu vực trong biển Đông có khả năng xảy ra động đất tạo sóng thần, trong đó đới hút chìm Manila (Philippines) và đới đứt gãy 109 là có nguy cơ cao nhất. Đến nay nhiều tài liệu trong và ngoài nước đã khẳng định, trận động đất 6,2 độ richter ở đảo Hòn Tro, thuộc quần đảo Phú Quý (nằm trên đới đứt gãy 109) vào năm 1923 đã gây ra sóng thần tấn công vùng biển Khánh Hòa, Bình Thuận với mức sóng khoảng 5 - 6m ở Nha Trang. Nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ richter xảy ra ở khu vực đới hút chìm Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 6,2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang và độ dài bờ biển có độ cao sóng thần hơn 1m kéo dài khoảng 1.000km, từ Quảng Bình tới Bình Thuận. Về khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ richter ở trên biển đều có khả năng gây ra sóng thần, như vậy nguy cơ sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam là hiện hữu và cần phải được quan tâm.

- Xin cảm ơn ông!

TRẦN LƯU (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục