Đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Tây Nam bộ: Tín hiệu lạc quan

Thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo cho vùng Tây Nam bộ, trong 3 năm qua, các địa phương trong vùng, nhất là những nơi còn khó khăn về kinh tế-xã hội, vùng biên giới, hải đảo có điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển…
Đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Tây Nam bộ: Tín hiệu lạc quan

Thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo cho vùng Tây Nam bộ, trong 3 năm qua, các địa phương trong vùng, nhất là những nơi còn khó khăn về kinh tế-xã hội, vùng biên giới, hải đảo có điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển…

Nâng chất nguồn nhân lực

Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: “Trong 3 năm qua, các cơ sở đào tạo phối hợp với các địa phương trong vùng đào tạo được hơn 4.400 sinh viên thuộc hệ cử tuyển - xét tuyển; đào tạo theo địa chỉ sử dụng và đào tạo sau đại học hơn 2.180 học viên; 100 học viên trung cấp ở 22 huyện biên giới, hải đảo khó khăn. Về đào tạo sau đại học, Bộ GD-ĐT đã giao 23 cơ sở trong và ngoài vùng ĐBSCL đào tạo 2.180 chỉ tiêu cao học…”.

PGS-TS-KTS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TPHCM chia sẻ: “Từ thực tế, chúng tôi đã xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng thực nghiệm để đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Tây Nam bộ. Phương châm của chương trình là lấy các đặc thù về kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng làm bối cảnh đào tạo; học từ thực hành, trong thực hành, học để thực hành. Thực tập gắn với hoạt động nghề nghiệp của các cơ sở tại địa phương; hướng tới việc người học đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng ngay khi ra trường”. Theo TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ: Năm 2008, tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân là 4,26; dược sĩ là 0,24. Với trên 50% số xã chưa có bác sĩ và 10% số huyện chưa có dược sĩ. Thấp nhất so với các vùng miền trong cả nước. Từ năm 2008 đến 2014, ngoài đào tạo theo ngân sách, trường đã đào tạo bổ sung theo địa chỉ các tỉnh Tây Nam bộ 3.031 bác sĩ, 1.193 dược sĩ và 797 cử nhân. Báo cáo của các địa phương cho thấy, gần 100% số bác sĩ, dược sĩ được bố trí công tác theo hợp đồng và cam kết trước khi đi học. Từ đó đã góp phần nâng tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân lên 6,38, đối với dược sĩ là 1,12. Với quy mô đào tạo như hiện nay, đến năm 2020 sẽ có đủ 9 bác sĩ và từ 2 đến 2,2 dược sĩ/vạn dân theo Quyết định số 122 của Thủ tướng Chính phủ…

Các tỉnh, thành ĐBSCL xem đây là cơ hội, giải pháp để đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nên tích cực triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh, nhận định: “Qua 3 năm thực hiện chính sách đặc thù đào tạo được các cấp, các ngành và người dân đồng tình ủng hộ, vì đã đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho địa phương; cần tiếp tục duy trì”.

Đào tạo đội ngũ bác sĩ theo “địa chỉ” tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Tháo gỡ vướng mắc

Để chương trình đạt hiệu quả cao hơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ Phạm Văn Lình, đề nghị: “Các tỉnh cần tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch và xác định nhu cầu nhân lực y tế, dựa trên đề án việc làm để cử người đi học; gắn liền giữa đào tạo và sử dụng. Đồng thời tạo điều kiện cho người học sau khi ra trường được làm việc tốt nhất”.

Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ Hà Thanh Toàn nêu các khó khăn cần sớm tháo gỡ, như: Đối tượng xét tuyển thẳng không thuộc chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT giao, do đó trường không nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, xác định người học được xét tuyển thẳng thuộc đối tượng được hưởng chính sách đặc thù nên trường chưa thể thu đủ học phí để lấy thu bù chi (mức học phí chỉ đáp ứng 75% kinh phí đào tạo). Đối với đào tạo trình độ thạc sĩ, hiện nhiều ngành trường chưa thể đào tạo được trong khi nhu cầu khu vực cao, nhưng một số trường trong nước chưa thể liên kết vì vướng thủ tục. “Ban chỉ đạo Tây Nam bộ cần hỗ trợ và có sự can thiệp đối với Trung ương cho các hoạt động liên kết của các trường để giúp phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho ĐBSCL”, PGS-TS Hà Thanh Toàn kiến nghị. Lãnh đạo Trường Đại học Kiến trúc TPHCM đề xuất: Bộ GD-ĐT cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù này đến năm 2020 để các trường có kế hoạch đào tạo liên tục. Đặc biệt, nên cho phép đào tạo thêm các ngành đáp ứng nhu cầu phát triển ĐBSCL là kiến trúc cảnh quan, thiết kế đồ họa, thiết kế công nghiệp.

Đánh giá kết quả đạt được qua 3 năm thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam bộ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, cho rằng: “Mặc dù chưa thoát khỏi “vùng trũng”, nhưng giáo dục ĐBSCL đã có những chuyển biến tốt. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách để các cơ sở đào tạo chủ động xác định chỉ tiêu đào tạo theo đơn “đặt hàng” của các địa phương; đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo. Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục xác định rõ cơ cấu ngành nghề đào tạo, nắm chắc nguồn đào tạo và bố trí việc làm hợp lý. Các cơ sở đào tạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học; đào tạo lại và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ giáo viên, những người làm công tác quản lý giáo dục”.

ĐBSCL hiện có 17 trường đại học, 25 trường cao đẳng, 1 phân hiệu đại học và 30 trường trung cấp chuyên nghiệp. Quy mô đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung cấp khoảng 157.000 sinh viên, học sinh; đào tạo sau đại học gần 4.500 học viên. Trong tổng số 42 trường đại học, cao đẳng có gần 7.400 giảng viên, trong đó 52% có trình độ sau đại học.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục