“Đu” trên dòng nước dữ

Đang mùa mưa lũ, nhưng hàng ngàn lượt người dân tại Tây Nguyên phải liều mình vượt dòng nước lũ bằng những hình thức “ớn lạnh” như đu dây hoặc kéo đò ngang qua sông, suối.
“Đu” trên dòng nước dữ

Đang mùa mưa lũ, nhưng hàng ngàn lượt người dân tại Tây Nguyên phải liều mình vượt dòng nước lũ bằng những hình thức “ớn lạnh” như đu dây hoặc kéo đò ngang qua sông, suối.

Qua sông bằng cáp treo

Suối Đôi, đoạn chảy qua huyện Đức Cơ (Gia Lai), có bề rộng gần 20m. Một bên suối là làng Mook Trê, Mook Trang, còn vùng đất đồi núi bên kia suối có 15 hộ dân di cư từ Cà Mau lên sinh sống. Tại vùng đất này, hiện có hơn 800ha đất trồng cao su, điều, mì của dân làng Mook Trang, Mook Trê trồng. Để qua suối làm rẫy, người dân phải tự chế tạo bộ cáp treo, có cấu tạo gồm dây cáp cố định ở 2 đầu, 1 rọ sắt được nối trực tiếp với dây cáp bằng bánh xe quay và 1 dây thừng cột ở hai bên đầu suối. Người dân chỉ việc ngồi trên rọ sắt, cầm sợi dây thừng kéo là rọ sắt sẽ trượt dài trên dây cáp từ đầu này sang đầu kia. Ông Lê Văn Tuy (67 tuổi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cho biết, gia đình ông trồng bên vùng đồi núi 5ha điều, mì nên hàng ngày phải đu dây 4 lượt đi làm. Dù biết rất nguy hiểm, nhưng nếu không đi bằng cách này thì phải đi vòng quá xa, mất nhiều thời gian, nên đành phải nhắm mắt làm liều để qua rẫy. Tương tự, 15 hộ sống trực tiếp bên vùng đồi vào mùa hái cà phê thuê cũng phải đu dây qua các làng Mook Trang, Mook Trê.

Người dân xã Ia Dom ngồi trên rọ sắt đu cáp treo qua sông                       Ảnh: Võ Phúc

Người dân trong vùng cho biết, trước đây họ thường lội qua suối nhưng khi xảy ra trường hợp bị nước cuốn trôi gây tử vong nên đã góp tiền xây dựng cáp treo. Tuy nhiên, từ lúc có cáp treo cũng có nhiều người trong lúc đu dây đã té xuống suối. Theo quan sát của chúng tôi, hiện dây cáp, ốc vít của cáp treo đều đã bị gỉ sét, ăn mòn nghiêm trọng. Những trụ gỗ được chôn ở hai đầu sông dùng để cố định dây cáp cũng đã mục, rất dễ gãy. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, cho biết, người dân  nơi đây rất muốn có một chiếc cầu vững chắc để vận chuyển nông sản, cũng như đi lại nhưng địa phương lại thiếu kinh phí. “Lúc trước chúng tôi dự định trích 3 tỷ đồng trong khoản tiền hỗ trợ xã biên giới để xây dựng cầu bê tông nhưng khi mời đơn vị thiết kế về khảo sát, họ “hét” giá đến gần 10 tỷ đồng. Số tiền này quá lớn nên việc xây cầu vẫn chưa triển khai được”, ông Thiện nói.

Chòng chành đò ngang

Đang vào mùa mưa, dòng nước đỏ chảy ùng ục, 4 chiếc đò gỗ thô sơ không lan can bảo vệ, không sử dụng động cơ tại bến đò xã Đạ M’Rông (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) nối với xã Krông Nô (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) vẫn hoạt động tấp nập. Để sang bờ bên kia, người điều khiển phải bám vào sợi dây thừng được cố định ở hai bên bờ sông, dùng sức để kéo cả con đò chở người và hàng hóa dựa theo chiều dòng nước chảy để qua đoạn sông rộng hơn 100m. Mỗi lần qua sông là một lần nhọc nhằn, bất an đối với những người đi đò, không ít vụ tai nạn khiến cả người và hàng hóa đã rơi xuống dòng nước chảy xiết. Ông Nguyễn Hoàng Mai, Bí thư Đảng ủy xã Đạ M’Rông (huyện Đam Rông), cho biết: “Xã có 6 thôn, trong đó người dân ở 4 thôn có đất sản xuất ở bên kia sông K’Rông Nô nên phải thường xuyên qua đò để rút ngắn thời gian, bởi nếu đi đường bộ phải vòng hơn 70km. Do đó, một cây cầu nối hai bờ là niềm mong mỏi bấy lâu của nhân dân nơi đây”.

Cũng như ở Đạ M’Rông, bến đò trên sông Đại Bình, đoạn chảy qua thôn 13 xã Lộc Thành với thôn 9 xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm), đa số người dân hai bên bờ cũng phải lựa chọn qua sông bằng những chiếc đò đu dây vì đi đường bộ phải mất nhiều giờ cho đoạn đường vòng. Bất chấp hiểm nguy luôn rình rập, người dân vẫn giao tính mạng cho những chuyến đò mất an toàn như thế này.

Theo Sở GTVT Lâm Đồng, tỉnh hiện có 11 bến đò dân sinh. Trong đó, 7 bến sử dụng phương tiện thô sơ và tất cả đều chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, kéo theo đó là những vấn đề đảm bảo an toàn cũng không được giám sát.

VÕ PHÚC - ĐOÀN KIÊN 

Tin cùng chuyên mục