Nói không với rác biển

Một người bạn tôi có thói quen lạ. Mỗi khi đi du lịch, đến điểm tắm biển, lúc nào cũng không quên cầm theo cái túi ni lông cỡ lớn. Hỏi tại sao, bạn cười: “Để vớt rác!”.

Một người bạn tôi có thói quen lạ. Mỗi khi đi du lịch, đến điểm tắm biển, lúc nào cũng không quên cầm theo cái túi ni lông cỡ lớn. Hỏi tại sao, bạn cười: “Để vớt rác!”.

Mà rác biển nhiều thật. Hôm đi Vũng Tàu, tắm ở một bãi hoang vu nên không ai quản lý. Người tắm biển chủ yếu là dân địa phương và khách vãng lai ở mấy khách sạn kiểu gia đình gần đó. Do là bãi tắm nhỏ, không ai kinh doanh, khai thác nên đá lổn nhổn khá nhiều và đặc biệt là rác nhiều vô kể. Rác từ trên bậc cầu thang, rác xuống bãi cát, rác nổi lềnh phềnh và rác chìm tận đáy biển. Hôm đó, biển êm, sóng lặng, nước khá trong và người tắm biển bơi cùng nào là chai nước, bịch ni lông, vỏ bánh snack, khăn mặt và cả… đồ tắm, khăn tắm ai đó vô tư bỏ quên. Tắm được chừng 20 phút, bạn tôi vớt được cả bịch rác đầy.

Có dịp đến nhiều bãi biển ở nước ta mới thấy rác nhiều thật. Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), một thời được du khách yêu thích bởi trong lành, sạch sẽ. Nhưng nay, khi có nhiều dịch vụ mở ra, du khách lại nhăn mặt vì… rác. Không chỉ du khách xả rác vô tư mà người dân địa phương cũng chọn những bãi tắm hoang sơ ở đây làm điểm ngồi nhậu; nhậu xong, vỏ chai, lon, giấy gói đồ ăn bỏ lại cả. Ở đảo du lịch Bình Hưng (Khánh Hòa), may mà người dân làm du lịch nơi đây luôn dẫn khách đi lặn ngắm san hô, tiện thể tắm ở một số bãi sạch quanh đảo. Nhưng khu vực cầu tàu và những chỗ tập trung đông dân cư, nhà nghỉ… lại đầy rác. Rác từ dưới nước, rác ở cầu tàu, rác từ ngôi chợ nhỏ chất dọc đường đi trên đảo khiến ai cũng ngao ngán.

Hạn chế rác biển, dễ hay khó? Nhiều người cứ đổ cho ý thức người dân và du khách kém; đổ cho thiếu này, thiếu nọ nên rác cứ chất chồng. Nhưng những địa phương làm du lịch biển, kiếm nguồn lợi từ biển, có được bao nhiêu địa phương đặt vấn đề giữ gìn môi trường biển là chiến lược, là việc cần làm ngay khi phát triển ngành này? Cũng làm du lịch biển nhưng Quảng Nam không cho du khách đem bịch ni lông theo ngay từ bến tàu qua Cù lao Chàm. Thay vào đó, đề nghị khách nên dùng loại túi bằng chất liệu tự hủy bán ngay tại bến tàu, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương. Qua Cù lao Chàm mới thấy, dù dịch vụ du lịch còn chưa tốt nhưng đường sá sạch sẽ và người dân luôn có ý thức giữ gìn môi trường biển để làm du lịch. Rồi Vũng Tàu mới đây cấm buôn bán, ăn nhậu trên bãi biển, du khách vui hẳn. Hết cảnh chèo kéo, xả rác bừa bãi trên biển; hết cảnh du khách mon men ra mép nước, nhìn trước sau mới dám bước chân xuống biển vì sợ giẫm phải “vật thể lạ”. Làm được vậy cũng mất cả một thời gian, người dân địa phương buôn bán ở bãi biển lúc đầu cũng bức xúc ghê lắm, chống đối liên tục. Nhưng nay, tình hình êm hẳn và địa phương - du khách chính là người hưởng lợi.

Làm du lịch biển cũng phải có cái tâm và chính các công ty lữ hành cũng phải đồng trách nhiệm làm sạch môi trường biển cùng với chính quyền địa phương và du khách bằng những biện pháp hữu hiệu. Làm sạch biển đâu chỉ bằng những “Ngày chủ nhật xanh” của đoàn viên thanh niên hay những đợt vận động mà những cô người đẹp thỉnh thoảng vào ngày cuối tuần đội nón, chăng khẩu hiệu nhặt rác ở 1, 2 bãi biển. Làm sạch biển cần có những cách làm hiệu quả, chứ không đơn thuần chỉ là những lời nói suông hay những giải pháp tạm thời.

HOÀNG KIM

Tin cùng chuyên mục