Vương quốc linh trưởng

Bên trong rặng núi Kẻ Bàng (Quảng Bình) có một “vương quốc” được các nhà khoa học thế giới và Việt Nam định danh: Vương quốc linh trưởng với 10 loài chia sẻ lãnh thổ rừng mưa nhiệt đới để sinh sống. Trong số này có loài kiêu kỳ với cái tên “nữ hoàng rừng xanh” như voọc chà vá chân nâu, có loài ẩn dật như vượn đen má trắng, loài đỏm dáng như voọc Hà Tĩnh...
Vương quốc linh trưởng

Bên trong rặng núi Kẻ Bàng (Quảng Bình) có một “vương quốc” được các nhà khoa học thế giới và Việt Nam định danh: Vương quốc linh trưởng với 10 loài chia sẻ lãnh thổ rừng mưa nhiệt đới để sinh sống. Trong số này có loài kiêu kỳ với cái tên “nữ hoàng rừng xanh” như voọc chà vá chân nâu, có loài ẩn dật như vượn đen má trắng, loài đỏm dáng như voọc Hà Tĩnh...

Bóng đen ẩn dật

Ấy là cách người A Rem đặt tên cho loài voọc đen má trắng ở dãy núi Mây Đỏ. Chúng sống trong các vạt rừng trên núi đá vôi cheo leo và ít khi xuống vùng núi đất. Các nhà khoa học đặt loài này với tên Trachypithecus laotum ebenus, không gian sống bao gồm cả Lào và Việt Nam. Loài này chọn nơi ngủ là vùng có nhiều hang động ở Rục Cà Roòng hoặc trên các vách đá dựng đứng để tránh bị đại bàng săn bắt và thú ăn thịt truy tìm. Mỗi đàn có chừng 20 - 30 cá thể, do một con đực khỏe mạnh dẫn đầu. Thức ăn của chúng là các loại lá trong rừng sâu. Mùa sung chín, chúng tập hợp lại ở cành cao nhất để ăn và tỏ tình. Những chàng choai choai muốn để mắt đến bất cứ bạn tình nào trong đàn, đều phải biết “nịnh” con đực đầu đàn như đến bên làm thân, bắt chí và có những hành vi thần phục.

Nữ hoàng rừng xanh

Khi đề cập đến voọc chà vá chân nâu, giới yêu quý linh trưởng đặt cho nó biệt danh “nữ hoàng rừng xanh” bởi chúng có 5 màu lông. Loài này không chỉ sống ở rặng núi Kẻ Bàng mà còn ở các địa phương khác như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai... Tại Quảng Bình, chúng có mặt tại các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Quần thể của loài này rộng lớn bởi tính mắn đẻ của nó. Ngày nay, voọc chà vá chân nâu được bảo vệ tốt nên chúng xuất hiện dạn dĩ gần bản làng của con người. Ông Đinh Rầu, người A Rem, kể rằng: “Ngày trước, voọc chà vá chân nâu gặp con người là bẻ lá che mông và mặt, vì tưởng che thế thợ săn không thấy nên ngồi im trên cây. Con này bị bắn thì con kia không chạy mà vẫn ngồi bất động nên lần lượt bị hạ sát. Nếu con đầu đàn bị bắn chết thì đàn còn lại bơ vơ và bị bắt sạch. Ngày nay, núi Kẻ Bàng được bảo vệ nên chúng xuất hiện đông đúc”. Tập tính trong mỗi đàn đều có gia đình riêng, các gia đình cộng lại thành bầy lớn và bảo vệ lãnh thổ bằng tiếng kêu phô trương thanh thế và cái đuôi dài thượt của con đực. Mỗi ngày, chúng thức dậy từ 6 giờ sáng trên các cây thân gỗ khổng lồ rồi kéo nhau đi ăn các loại lá. Buổi trưa, chúng ngủ dưới sự phân công cảnh giác của các con đực; đến chiều cả đàn thức giấc và tiếp tục hành trình tìm kiếm cái ăn, chơi đùa cho đến lúc hoàng hôn trong rừng. Tên khoa học của loài này được định danh Pygathrix nemaeus.

Nữ hoàng rừng xanh - voọc chà vá chân nâu (Ảnh: L.V. DŨNG)

Một loài khác cũng được gọi “nữ hoàng” là vượn đen má trắng (tên khoa học Nomascus leucogenys siki, gọi tắt vượn siki). Sách đỏ Việt Nam mô tả: “Thân hình thon nhẹ, chân tay dài. Con đực có màu đen toàn thân, hai má lông màu trắng nối nhau bằng vệt trắng dưới cằm. Con cái lông màu vàng xẩm, lông quanh mặt tủa ngang, đỉnh đầu màu xám hoặc tua đen. Vượn con (cả đực và cái) đều có lông màu vàng nhạt. Kiếm ăn trên cây cao. Thức ăn là quả, hạt, lá, chồi cây, côn trùng, trứng chim, chim non trong tổ. Sinh sản lúc 8 - 9 tuổi, mỗi năm đẻ một lứa, mỗi lứa một con. Sống trong rừng già trên đỉnh núi cao, thường là núi đá. Sống thành từng đàn từ 3 - 7 con như một gia đình. Di chuyển nhẹ nhàng, nhanh nhẹn trên cây, ít khi xuống đất”.

Chiến binh rừng xanh

Bởi chúng bảo vệ lãnh thổ đến sức lực cuối cùng, cũng như cảnh giác cao trước bất cứ biến động nào của khu rừng, nơi chúng xem là lãnh địa riêng và có tên khoa học Trachypithecus laotum hathinhensis (còn gọi voọc Hà Tĩnh). Chuyên gia sinh vật rừng Lê Trọng Trãi đánh giá: “Đây là loài linh trưởng bị đe dọa toàn cầu ở mức nguy cấp”. Giới chuyên gia về thú Việt Nam thống nhất rằng, loài này không sinh sống ngoài tự nhiên ở vùng núi Hà Tĩnh. Nhưng được đặt tên voọc Hà Tĩnh thì có thể người săn được mẫu vật đầu tiên có gốc gác ở Hà Tĩnh, vào vùng Tân Ấp, Kim Lũ (nơi giáp Hà Tĩnh) săn bắn và cung cấp mẫu vật này cho các nhà khoa học tiếp cận nên đặt tên voọc Hà Tĩnh.

Để có ngôi vị thống lĩnh một đàn từ 15 - 30 cá thể, con đực phải chiến đấu như một chiến binh với các con đực khác. Thường có những con đực cô độc lang thang ven lãnh địa của các đàn khác và thường đánh tiếng xâm phạm, gây chiến với con đực đầu đàn. Các câu chuyện chúng tôi nghe được dưới ngọn núi Mây Đỏ, nơi hội tụ nhiều voọc Hà Tĩnh thì rất ít có con đực cô độc nào giành phần thắng, nhưng đôi khi vẫn có ngoại lệ.

Tiến sĩ Theo Pagel, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học người Đức, nhận định: “Phong Nha - Kẻ Bàng là nơi có mật độ lớn nhất về các loài linh trưởng khác nhau trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Có 10 loài được ghi nhận: cu li lớn, cu li nhỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, voọc đen tuyền, voọc Hà Tĩnh, voọc chà vá chân nâu và vượn đen má trắng. Tất cả các loài này hơn một nửa nằm trong Sách đỏ thế giới và toàn bộ có trong Sách đỏ Việt Nam. Đây là gia tài quý giá của đa dạng sinh học quốc gia, quốc tế. Chúng sống trong vương quốc riêng, có tổ chức xã hội khắt khe với thứ bậc lớp lang đặc hữu.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục