Lắng nghe để hoàn thiện

Đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 năm nay, tại tỉnh Đồng Nai đã diễn ra cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với 3.000 công nhân lao động (CNLĐ) vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những ý kiến thẳng thắn của công nhân là cơ sở để hoàn thiện chính sách. Từ đó, mang lại lợi ích tốt đẹp cho công nhân, xã hội, Nhà nước và tổ chức công đoàn.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có hàng triệu CNLĐ đang làm việc tập trung trong các KCN-KCX, trong đó có 70% - 85% là người ngoài địa phương. Bên cạnh những doanh nghiệp (DN) chăm lo cho người lao động, xem người lao động như vốn quý, thì cũng không ít DN chưa xem trọng sự đóng góp của CNLĐ vào sự phát triển của DN và xã hội, để có những chính sách đãi ngộ tương xứng với công sức CNLĐ đã bỏ ra. Đại đa số CNLĐ vẫn phải sống trong các khu nhà trọ, sống với mức tối thiểu; nhiều nữ công nhân phải đưa con về quê hoặc gửi con trong các nhóm trẻ, nhà trẻ dân lập chưa đạt chất lượng nuôi dưỡng…

Trong phần đối thoại, chị Trịnh Thị Mai Thanh, công nhân Công ty TNHH Giày Ching Luth Việt Nam (trụ sở tại tỉnh Long An) có câu hỏi: “Với thu nhập thấp như hiện nay, để tích lũy mua ngôi nhà nhỏ vẫn là ước mơ của hầu hết các công nhân. Đồng thời, việc gửi con ở nhà trẻ để đi làm là vấn đề rất quan trọng đối với công nhân. Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?”. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Tôi thừa nhận, dù Chính phủ đã có quy định nhưng triển khai còn bất cập, khiến công nhân khó khăn. Tôi xin ghi nhận ý kiến của anh chị em công nhân. Chính phủ sẽ chỉ đạo các khu công nghiệp, địa phương chăm lo cho CNLĐ, có chính sách hỗ trợ để anh, chị em công nhân tiếp cận được nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội; làm sao để tất cả công nhân đều tiếp cận được nhà ở xã hội. Mọi KCN đều có nhà trẻ, trường mẫu giáo, không thể để công nhân đi làm suốt ngày, dốc hết sức mà con cái lại thất học”.

Sau buổi gặp gỡ với Thủ tướng, chị Thanh chia sẻ: “Tôi rất hài lòng với phần trả lời của Thủ tướng khi ghi nhận ý kiến của công nhân và yêu cầu các KCN, tỉnh, thành trong cả nước khi xây dựng KCN đi kèm khu nhà ở, nhà trẻ cho CN. Khi Thủ tướng nói: “Đừng để CN làm thêm ca mà con em họ thất học, tôi đã ứa nước mắt”.

Với nhiều công nhân không được đến dự trực tiếp mà xem qua truyền hình, với họ, gần 10 câu hỏi được công nhân đặt ra tại cuộc gặp gỡ với Thủ tướng (gồm tiền lương - thu nhập, nhà ở - nhà trẻ cho con công nhân, chất lượng bữa ăn ca, tay nghề, DN nợ lương, nợ BHXH, công trình phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân còn ít…) đã phản ảnh được tất cả đời sống của CNLĐ. Một nam công nhân làm việc tại KCX Linh Trung, quận Thủ Đức (TPHCM) bộc bạch, thu nhập của công nhân còn thấp, Thủ tướng có ý kiến rằng Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ khảo sát để làm sao lương tối thiểu 2017 phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Chúng ta sắp gia nhập TPP, trình độ chúng ta còn thua kém các nước, rất lo. Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục có các chính sách nâng cao tay nghề… Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức công đoàn đang bắt tay vào việc thì không có lý do gì CNLĐ lại ngồi yên. Tự bản thân chúng ta phải nỗ lực hơn nữa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Anh Nguyễn Bảo Quốc (công nhân Công ty Chang Shin Việt Nam, đóng tại tỉnh Đồng Nai) chia sẻ rất thực: Tôi rất vui khi lần đầu được gặp Thủ tướng. Quan sát cách ăn mặc và cách trả lời câu hỏi của Thủ tướng, cảm nhận của tôi là Thủ tướng rất gần gũi và giản dị. Các câu trả lời của Thủ tướng rất thuyết phục  và tôi hy vọng những lời hứa của Thủ tướng trong cuộc gặp gỡ với công nhân ngày hôm nay sẽ sớm biến thành hành động thiết thực.

Trong cuộc gặp gỡ trên, không chỉ Thủ tướng mà còn có các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành, sẵn sàng lắng nghe tất cả các ý kiến của công nhân. Đây chính là cơ sở để hoàn thiện chính sách.

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục