Sông Lô lặng sóng

Lập lại trật tự
Sông Lô lặng sóng

Với nhiều mỏ cát, sỏi có chất lượng và trữ lượng lớn, hơn 40km sông Lô chảy qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc lâu nay trở thành nơi cung cấp vật liệu xây dựng lớn nhất tại miền Bắc. Điều này cũng khiến cho đoạn sông Lô qua Vĩnh Phúc trở nên nóng bỏng, căng thẳng bởi tình trạng khai thác cát trái phép và tranh chấp nhau trong khai thác. Trước thực trạng này, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều biện pháp mạnh tay và đột phá nhằm lập lại trật tự, ổn định tình hình khai thác khoáng sản trên sông Lô.

Lập lại trật tự

Đi qua những ruộng bắp xanh thẫm ngay sát dưới chân đê, dẫn chúng tôi ra sát mép bờ sông Lô đoạn chảy qua địa phận xã Tứ Yên (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), ông Cương - một người dân địa phương chỉ tay ra giữa dòng sông, vui vẻ nói: “Yên bình rồi. Bây giờ trên đoạn sông này không còn thấy cảnh ngày cũng như đêm ầm ĩ  tiếng máy nổ của hàng chục tàu cuốc, sà lan, máy móc khai thác cát trái phép, rồi tiếng cãi cọ, chửi bới tranh chấp nhau trên sông...”. Nhìn suốt đoạn sông Lô trải dài hơn 2km qua xã Tứ Yên, chúng tôi chỉ gặp 2 tàu khai thác cát đang nằm im lìm giữa dòng sông hiền hòa trôi. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tứ Yên, cho biết 2 tàu trên của Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư Thái An, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác cát trên đoạn sông chảy qua địa phận xã khoảng một năm nay. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp này mới bắt tay khai thác đã bị một số đối tượng khai thác cát trái phép gây rối, nên công ty phải tạm dừng hoạt động.

Trước tình phức tạp trong việc khai thác khoáng sản trên sông Lô, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng với chính quyền các địa phương cấp dưới đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay để lập lại ổn định tình hình khai thác khoáng sản trên sông Lô và ổn định an ninh trật tự tại địa phương.

Trên đoạn sông Lô chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ còn một số ít đơn vị được cấp phép khai thác cát hoạt động

Ông Nguyễn Văn Khước, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 40km sông Lô chảy qua với nhiều mỏ cát, sỏi lớn nên cung ứng cát xây dựng lớn nhất cho toàn bộ miền Bắc. Vì vậy, nếu địa phương cấm hoàn toàn việc khai thác cát trên sông Lô sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường vật liệu xây dựng. Do đó để tránh thất thoát tài nguyên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường quản lý chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản. Đến nay, tỉnh đã cấp phép cho 8 đơn vị khai thác cát, sỏi trên sông Lô với tổng diện tích hơn 225ha và trữ lượng cấp là gần 6 triệu mét khối. Cùng với đó, tỉnh cũng yêu cầu Công an Vĩnh Phúc phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Lô, giúp tình hình trở nên ổn định hơn. Thống kê cho thấy, trong vòng một năm qua, chỉ riêng Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện gần 30 vụ khai thác cát, sỏi trái phép ở sông Lô, xử lý 22 đối tượng, thu giữ 9 tàu các loại cùng nhiều thiết bị máy móc khai thác cát. Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện và lập hồ sơ xử phạt hành chính nhiều tổ chức và cá nhân với số tiền phạt hơn 410 triệu đồng, tịch thu 6 tàu hút cát, 1 sà lan vận chuyển và 9 máy nổ.

Vẫn còn tiềm ẩn

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khước cũng thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù tình hình khai thác khoáng sản trên sông Lô hiện đã được lập lại ổn định hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, có thể bùng lên bất cứ lúc nào nếu như chính quyền địa phương, công an và cơ quan chức năng thiếu quyết liệt trong việc ngăn chặn, xử lý việc khai thác cát, sỏi trái phép. Đại diện Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị các ngành, các cấp có liên quan, đặc biệt chính quyền các địa phương cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý khai thác cát, sỏi trên sông do có liên quan tới nhiều lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, chính quyền tại các huyện, xã có sông chảy qua phải tăng cường tuyên truyền cho người dân chấp hành các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản, tuyệt đối không sang nhượng, bán đất canh tác bãi bồi ven sông cho các đối tượng khai thác cát, sỏi.

Bên cạnh đó, Cục Đường thủy là nơi cấp phép cho những đơn vị được nạo vét luồng lạch trên sông cần công khai rõ ràng, minh bạch cho chính quyền địa phương biết được đoạn sông nào được nạo vét, thời gian bao lâu, cũng như khối lượng được nạo vét, tránh tình trạng mập mờ giữa nạo vét luồng với tận thu khai thác cát, sỏi, gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý tài nguyên và bức xúc cho người dân,

KHÁNH NGUYỄN 

Tin cùng chuyên mục