Đội “đặc nhiệm” ở đảo An Bang

Đảo san hô hình nấm
Đội “đặc nhiệm” ở đảo An Bang

Sóng gào, gió giật, con thuyền chuyển tải chồm lên trên sóng dữ rồi nhằm hướng doi cát nhỏ lao tới… Bọt biển tung trắng xóa, chỉ trong phút chốc nước ào mạn trái như muốn nuốt chửng mọi thứ khiến 30 người ngồi trên đó chết lặng trong giây lát. Song khoảnh khắc đối mặt với tử thần ấy trôi qua rất nhanh như khi nó xuất hiện, phía ngoài kia, hàng chục người từ bờ đang lao mình xuống mép nước, níu chặt lấy dây xuồng, ghìm sóng… Mọi cảm giác sợ hãi dường như tan biến, thay bằng cảm giác thật ấm áp, trìu mến. Đó chính là cảm xúc không thể nào quên với bất cứ ai được may mắn đến với đảo An Bang, điểm cực Nam của quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, trong những ngày này.

Đảo san hô hình nấm

Trước khi tới điểm đảo cuối cùng trong hành trình đưa quà tết tới đồng bào, chiến sĩ đang sinh sống, công tác ở Trường Sa, chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về sự dữ dội của sóng nước An Bang, song phải tận mắt chứng kiến, được chia sẻ, trải nghiệm những cơn sóng “quái” ở vùng biển này mới thực sự thấm thía câu nói “Ruồi vàng, bọ chó/ Sóng gió An Bang…”. Lau vội dòng nước biển mặn chát đang chảy tràn trên mặt, thiếu tá Phạm Văn Thạo, Phó chỉ huy trưởng đảo, người trực tiếp chỉ huy đội “đặc nhiệm” chuyên ghìm sóng, đưa đón những chuyến tàu bình an khi vào đảo An Bang cười rạng rỡ nói: “May quá, hôm nay là ngày biển đẹp nhất trong hai tháng gần đây…”.

Đội “đặc nhiệm” chuyên trị sóng ở đảo An Bang, Trường Sa đưa các đoàn công tác vào đảo an toàn

An Bang nằm cách đảo Trường Sa 75 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo Thuyền Chài hơn 20 hải lý về phía Tây Nam. Đảo nằm dài theo hướng Bắc-Nam, với diện tích nổi và thềm san hô khoảng 2,1km2. Vùng biển An Bang là khu vực có nhiều con sóng to. Đảo có diện tích hẹp, rìa đảo là vực sâu hun hút. Những con sóng tạo thành một gọng kìm bao vây dồn dập đập vào đảo. Đảo An Bang nằm trên thềm san hô ngập nước. Khi thủy triều xuống thấp, độ cao của đảo khoảng 3m, mép bờ đảo xa thêm khoảng 50m. Đảo do các tảng đá san hô liên kết với nhau tạo nên. Bờ đảo được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây là một dải cát hẹp; còn bờ Nam của đảo là bãi cát thường thay đổi theo mùa: từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, được bồi thêm cát thành một bãi cát dài; nhưng từ tháng 8 trở đi, bãi cát này dần biến mất và dịch sang bờ phía Đông của đảo. Do cấu trúc san hô dựng đứng, An Bang như cây nấm khổng lồ vươn lên từ đại dương bốn mùa sóng vỗ, việc ra vào đảo gặp rất nhiều khó khăn nguy hiểm.

Nhiều đoàn công tác đã đi một hải trình dài với mong muốn vào thăm cán bộ, chiến sĩ nhưng cũng bó tay trước sóng gió An Bang, gửi thương nhớ qua điện đàm. Đây chính là lý do đảo hình thành đội đặc nhiệm để làm nhiệm vụ hỗ trợ đưa xuồng vào bờ an toàn. Vì thế mỗi khi có đoàn công tác từ đất liền cập đảo an toàn thì đó chính là ngày hội ở đảo.

Đối mặt với sóng dữ

Mặc cho quần áo vẫn ướt nhẹp vì nước biển, người trên bờ, người ở đảo gặp được nhau, mừng mừng, tủi tủi. Đã nhiều tháng nay mới có đoàn công tác cập đảo an toàn và chuyến công tác này lại đặc biệt hơn cả bởi đây là con tàu chở mùa xuân, chở hơi ấm, tình cảm từ đất liền đến với nơi này trong những ngày chuẩn bị chuyển giao năm cũ - mới. Cả một vùng biển xôn xao. Lời nói chưa cất lên được nhưng ánh mắt đã tràn ngập yêu thương.

Không ai nhớ đội “ghìm sóng” ở An Bang được lập ra từ bao giờ nhưng bất cứ ai khi đặt chân tới hòn đảo nhỏ bé quanh năm sóng vỗ giữa trùng khơi này đều không thể quên những người lính đặc biệt ấy. Thiếu tá Thạo chia sẻ, đội “đặc nhiệm” là cái gọi yêu quý của mọi người dành cho anh em của đội đón xuồng, còn thực chất mỗi người trong đội đều có những công việc cụ thể khác nhau, ở nhiều bộ phận khác nhau. Đại úy, Chính trị viên Vũ Quang Minh cho biết do đảo nằm trên thềm san hô dựng đứng, ra vào khó khăn nên quân nhân mới, cũ đều được giáo dục, huấn luyện mọi mặt, nhất là kỹ năng hoạt động trên biển. Với đội đặc nhiệm, nhiệm vụ càng nặng nề hơn. Các chiến sĩ được huấn luyện thuần thục và tinh nhuệ kỹ năng đi xuồng, bắt dây, kéo xuồng lên đảo, phòng tránh rủi ro, va chạm... Chỉ huy đảo duy trì thường xuyên việc huấn luyện thực tế trên biển với yêu cầu cao đội công tác đặc biệt này, trên tinh thần sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, không nề hà gian khó. Điều chung nhất ở họ ngoài kỹ năng bơi lội, kinh nghiệm đón sóng, nhìn con nước… thì đó chính là lòng dũng cảm, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy.

Xuồng vận tải được kéo bởi một xuồng máy vào sát bờ. Gần đến nơi xuồng máy cua gấp tháo dây kéo, xuồng vận tại lao vào gần bờ tung dây vào đảo. Những chiến sĩ khỏe nhất lao mình vào những con sóng bắt cho được sợi dây đó, rồi kéo xuồng vào bờ. Người trên xuồng phải lựa lúc sóng rút, nhảy thật nhanh ra khỏi xuồng. Sóng to có thể xô xuồng cán vào người nào chậm chân. Có những mùa sóng lớn, gần 50 chiến sĩ mới giữ được chiếc xuồng. Một con sóng lớn có thể sẽ lôi tuột chiếc thuyền ra xa bất cứ lúc nào.

Không chỉ nguy hiểm lúc đón xuồng mà ngay cả khi rời đảo, việc của những thành viên của đội “đặc nhiệm” cũng vất vả không kém vì họ phải chọn con sóng lớn để có thể đưa được xuồng ra xa nhưng cũng luôn cảnh giác bởi chỉ trong giây lát nếu gặp cơn sóng quái là chiếc xuồng chuyển tải vốn vững vàng như vậy có thể bị xô lật trở lại bờ. Thành viên của đội đón xuồng - anh Hồ Việt Trung kể: “Ngoài những giờ công tác thông thường, anh em trong đội đón xuồng phải thường xuyên tập trung luyện tập những kỹ năng đặc biệt như bắt dây, níu xuồng, cứu nạn”.

 Để đối mặt với sóng dữ như vậy, kỹ năng đón xuồng được người trước truyền kinh nghiệm cho người sau và câu chuyện về đội đặc nhiệm “ghìm sóng” cứ lưu truyền như một huyền thoại về những người lính hải quân kiên cường, gan dạ nơi biên hải xa xôi của Tổ quốc.


MAI AN

Tin cùng chuyên mục