Thử định nghĩa lại các vai trò của trường học

Tác giả những dòng này vốn là một nhà giáo, giảng sư Đại học Liège và giáo sư trường Cao đẩng Helmo, đã nghỉ hưu. Những “lệch chuẩn” mà ta hiện thấy ở trường có thể đi từ các nguyên nhân sâu xa, trong đó có quan niệm về vai trò của trường học.

Đường đi tới tri thức đã thay đổi.

Ngày xưa, trường học là nơi truyền tri thức, trò được thầy dạy thơ văn và đạo thánh hiền.

Tiếp đó, từ gần hai thế kỷ nay, báo chí, truyền thông, truyền hình cũng lo vai trò truyền kiến thức, trực tiếp hay gián tiếp.

Bây giờ thì internet, mạng xã hội thêm vào và đồng thời báo chí vẫn giữ một số vai trò trong việc thông tin.

Thế trường học có còn là nơi để truyền hay chuyển giao hiểu biết ?

Vai trò của trường học được các nước như Bỉ, Pháp, Phần Lan định nghĩa như là nơi để trẻ học làm người, tiếp thu kiến thức để phát triển, học giải mã các hiện tượng quanh chúng và nhất là nơi để chúng sống hạnh phúc.

"Trường là nơi giúp trẻ sống hạnh phúc để lớn lên và thành người" - Câu nói ngắn gọn nhưng công việc lại đầy khó khăn. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, trẻ cũng thế, mỗi em là một cá thể đặc biệt, không ai giống ai. Sứ mạng của trường là giúp các em có dịp để phát triển những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu của mình. Để các em biết mình là ai, tự định nghĩa và chọn mẫu người mà các em muốn trở thành.

Để được như vậy trường học phải đi từ các em – "dạy lấy trò là trung tâm" không chỉ là một khẩu hiệu mà là một triết lý cần được mang vào thực tế hàng ngày.

Ở mẫu giáo, các atelier, sinh hoạt nhóm sinh hoạt tự chọn,  giúp trò có những phút “học” theo nhu cầu. Cô giáo ở đó chỉ để hướng dẫn khi cần và để bổ sung vào sinh hoạt của từng nhóm. Sau cùng, cuối giờ các cháu cùng có những cơ sở chung dù sinh hoạt khác nhau.

Những sinh hoạt tổ chức như thế giúp trẻ tự tin và hăng say trên đường học hỏi, đồng thời có dịp phát biểu nhu cầu và sự lựa chọn của mình.

Tương tự như thế, từ hơn ba mươi năm nay, nơi các thư viện dành cho trẻ em, các bậc cha mẹ được mời ngồi chờ con ở phòng đợi, trong khi con vào thư viện tự chọn sách.

Ở Tiểu học, dĩ nhiên là chương trình gò bó hơn, phải đạt tới những kiến thức tối thiểu của từng năm học – nhưng không có gì cấm các giáo viên thay đổi cách “giáo đầu tuồng” để chuẩn bị cho các em từng môn học – để các em thấy là cần biết đọc để phát triển, để làm chủ môi trường trong đó có chữ viết hay bàn phím – và xa hơn là vũ trụ trong đó các em sống. Hiểu biết là để đi xa hơn trên đường đời – nhìn dưới khía cạnh đó, các bài học về khoa học cả khoa học thiên nhiên hay khoa học xã hội đều là những công cụ để phát triển và trường học khi truyền tri thức là giúp các em phát triển.

Chỉ có một khác biệt: ở đây không là truyền kiến thức kiểu lấp đầy hay… nhồi sọ. Mà truyền kiến thức để các em lớn lên, tiếp cận nội dung và biến những tri thức này thành kỹ năng.

Một cách ví von, các tri thức trò lĩnh hội ở trường là những mảnh ghép riêng lẻ. Trò dùng các mảnh ghép đó tùy lúc tùy nơi, khi mình cần để tạo ra một puzzle (câu đố) vĩ đại của đời mình.

Chủ đích khác, phương pháp sư phạm phải khác và các em hấp thụ – ở đây là hấp thụ chứ không là tiếp cận phiến diện hay chỉ có phần nổi, bề mặt – biến tri thức thành một phần bất ly thân với chính mình.

Thử định nghĩa lại các vai trò của trường học ảnh 1 Trường học phải là nơi để làm sao cho mỗi trò, mỗi ngày đi học là một ngày vui
Vai trò thứ hai của trường học là giúp các em có môi trường để sống với xã hội, tập tành vai trò của mình trong thế giới tha nhân, rộng hơn gia đình và từ đó hấp thụ đạo đức xã hội. Vai trò này không kém phần quan trọng.

Ở nhà trẻ chỉ biết có cha mẹ, ông bà và anh em – thế giới hạn hẹp, trong đó có khi trẻ là …”quý tử” hay “enfant roi” (Con Vua), được nuông chìu tuyệt đối.

Ở trường, trẻ có thầy có bạn. Các ngôi thứ thành phức tạp hơn. Trẻ từ từ định được vị trí xã hội của mình.

Nếu gia đình đảm trách vai trò xã hội hóa đầu tiên – socialisation primaire – tập tành cho trẻ sống với một xã hội nhỏ. Trường học lo xã hội hóa thứ nhì – socialisation secondaire – cho trẻ. Trẻ chưa ra biển khơi – tiếp xúc với toàn xã hội – nhưng trường học lại mở rộng chân trời cho trẻ. Là nơi trẻ được “tôi luyện” để vững bước trên đường đời, ra ngoài xã hội. Biết mình, tức là  phần “phát triển cá nhân” – vai trò đầu tiên của trường. Biết người – phần xã hội hóa thứ nhì ở đây. Thế là trẻ đã sẵn sàng.

Trong dấu ngoặc, Rousseau nói “học sống – apprendre à vivre -” là như thế. Sống với mình và sống với tha nhân.

Sống với mình có nghĩa rằng biết mình là ai, những đặc thù, sở trường - sở đoản, biết tự lập, biết tự trọng, biết bày tỏ ý kiến và chính kiến – tất cả với sự khúc chiết thông minh chứ không chỉ vì bản năng hay cảm tính.

Sống với tha nhân là biết luật biết lệ, biết tôn trọng tha nhân, có đạo đức xã hội. Sống với tha nhân không chỉ tóm gọn trong khả năng “biết làm việc nhóm” như một số kết luận vội vàng và thực dụng

Còn sống với môi trường nữa. Trái đất hiện nuôi hơn 7,5 tỷ cư dân, không bảo vệ môi trường thì ngày mai không còn đất để sống.

Vấn đề xả rác ở bên ta có thể là kết quả của một sơ sót chỗ nào đó của vai trò tập tành trẻ sống với môi trường.

Tinh thần trách nhiệm  là một vốn đạo đức mà trường phải tạo điều kiện để trẻ lĩnh hội. Trách nhiệm với chính mình – cuộc đời cá nhân thành công hay thất bại là do mình mà thôi – trách nhiệm với tha nhân cũng là một vế cần hội tụ và làm tốt bởi trường học.

Mỗi cá nhân là một mắc xích, ta phải liên đới với hai mắc bên cạnh, để sống trong xã hội – Ví von này cũng của J.-J. Rousseau.

Trường học không những chỉ dạy chữ. Trường còn là nơi học làm người sống trong xã hội.

Trường giúp trò sống hạnh phúc. Trẻ đến trường từ lúc lên 3 cho đến năm 15 – 18 tuổi. Những năm đẹp nhất của đời người. Nếu trẻ không hạnh phúc ở trường thì trường học thành nhà tù.

Được bảo vệ, được tôn trọng, được thỏa mãn các nhu cầu tình cảm, xã hội và nhất là trí tuệ, trẻ từ từ tự định nghĩa mình và tìm chỗ đứng của mình trong xã hội.

Muốn gíúp trò hạnh phúc, liên hệ thầy trò phải là một liên hệ hợp tác chứ không là một liên hệ quyền lực. Nội dung chương trình phải dựa trên nhu cầu của trò. Phương pháp sự phạm phải lấy trò làm trung tâm, cho phép trò tham gia tích cực vào việc học. Trường trước tiên là nơi để… khai tâm hay truyền hiểu biết cho trò

Việt Nam ta đang đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Ta dùng nhiều ngữ vựng sư phạm theo Âu Mỹ, dạy tích hợp, liên môn, đa môn,… nhưng có lẽ ta chưa nêu lên một “sợi chỉ đỏ” tối quan trọng là trao quyền cho trò, tổ chức việc học theo nhu cầu của trò với sự tham gia tích cực của trò.

Với một điều kiện mà ta chưa giải đáp được: không thi cử chấm điểm xếp hạng mà cho thi cử vào quá trình học - dạy và dùng thi cử như một công cụ đào tạo – để biết chỗ nào đã thông suốt, chỗ nào cần đào sâu thêm – chứ không là một chế tài.

Để làm sao cho mỗi trò, mỗi ngày đi học là một ngày vui.

Tin cùng chuyên mục