Thu hút nhân lực trẻ phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Dù có nhiều hỗ trợ về chính sách, thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) tiên tiến điển hình của TPHCM vẫn còn nhiều khó khăn. Tìm giải pháp tháo gỡ cho mô hình HTX phát triển, đó là câu chuyện ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, vừa trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
° PHÓNG VIÊN: Theo ông, vì sao các HTX nông nghiệp trên địa bàn TPHCM hiện nay chưa thu hút được nhiều nông dân và nguồn nhân lực trẻ có trình độ về làm việc?
° Ông TRẦN NGỌC HỔ: Hiện nay, nông dân vẫn còn tư tưởng e dè đối với mô hình HTX kiểu cũ, nên hoài nghi, không tin tưởng vào vai trò, vị trí của HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số HTX hoạt động kém hiệu quả (với nhiều lý do khác nhau, như không có sự thống nhất trong phương án sản xuất, kinh doanh giữa các thành viên; phương án sản xuất kinh doanh không khả thi; nguồn nhân lực chưa mạnh, đặc biệt là cán bộ quản lý còn thiếu và yếu về năng lực…) nên làm nản lòng nhiều thành viên tâm huyết.
Tuy nhiên, vẫn còn những HTX nhờ quản lý tốt đã phát triển thành công như HTX Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) có 300 thành viên, HTX Phước An (huyện Bình Chánh) có hơn 60 thành viên… Thực tế đã chứng minh nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của HTX. 
Hiện nay, trong 41 HTX nông nghiệp của TPHCM, cán bộ quản lý đã qua đào tạo chỉ chiếm hơn 36%; cán bộ trẻ không muốn về làm việc tại HTX (tỷ lệ cán bộ quản lý trên 50 tuổi chiếm hơn 80%). Đồng thời, các HTX đều hoạt động trên địa bàn nông thôn ngoại thành, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn và mức lương chi trả cho cán bộ có trình độ còn thấp. Ngoài ra, định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp cho lực lượng trí thức trẻ gắn với mô hình HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Thu hút nhân lực trẻ phát triển nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1 Nhờ có nhiều thành viên và đội ngũ quản lý trẻ, HTX Tân Thông Hội phát triển mạnh, xây dựng được Nhà máy chế biến sữa Củ Chi với quy trình khép kín.
° Sở NN-PTNT sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển?
° Trong giai đoạn hiện nay, mô hình phát triển bền vững cho các HTX nông nghiệp đô thị là phải nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh - sạch. Định hướng này rất cần nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Sở NN-PTNT phối hợp các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: Khuyến khích các HTX nông nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và đảm bảo sức khỏe cộng đồng; có chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, theo hình thức hợp tác công - tư (Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, xây dựng quy trình, kỹ thuật, đào tạo, quảng bá); mở các chương trình tư vấn, hỗ trợ đào tạo các HTX ứng dụng khoa học, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, trong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm; ưu tiên cho các HTX được tham gia và thụ hưởng các chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp TPHCM như rau an toàn, hoa kiểng, bò sữa, cá cảnh, sản xuất giống cây con chất lượng cao…
° Tại sao việc dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn do các HTX chủ động làm mà không tập trung đầu mối về Sở NN-PTNT?
° Dán tem truy xuất nguồn gốc là giải pháp về công nghệ, nên nhà phân phối được phép lựa chọn bất cứ nhà cung ứng công nghệ nào tốt nhất để thực hiện.
Sở NN-PTNT đã triển khai thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc rau VietGAP tại HTX Phước An, HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi) với 16 chủng loại rau củ quả tại 82 hộ dân, đạt khoảng 12 tấn/ngày và bày bán trên 50 điểm tại các siêu thị Co.opmart, Big C, Lotte và AEON.
Ngoài ra, sở đã phối hợp với Công ty Chế tạo máy và dịch vụ công nghệ cao TE thường xuyên tổ chức khảo sát các đơn vị, cơ sở để đánh giá hiện trạng sản xuất, hướng đến thực hiện truy xuất nguồn gốc rau. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM để thống nhất đầu mối quản lý và hướng dẫn thực hiện.
° Hiện rau VietGAP vẫn chưa có đầu ra ổn định, giá bán tại chợ đầu mối bằng giá các loại rau khác, khiến các HTX không muốn sản xuất VietGAP, làm cách nào để duy trì mô hình này?
° Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã cùng với Sở Công thương, các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm VietGAP của các HTX với hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp, các trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp; tổ chức các hội chợ, chợ phiên, hội nghị kết nối…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 15% sản lượng rau mà các hộ nông dân trồng theo quy trình VietGAP bán cho tư thương (chưa có hợp đồng mua bán ổn định). Lý do là những hộ nông dân mới bắt đầu sản xuất rau theo quy trình VietGAP, sản xuất nhỏ lẻ nên chưa chủ động được đầu ra, cũng như chưa đáp ứng yêu cầu của các công ty, các HTX.
Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác kết nối tiêu thụ các sản phẩm VietGAP, trong đó có tổ chức thêm nhiều chợ phiên nông sản an toàn hàng tuần.
° Một số HTX có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà sơ chế rau quả nhưng bị vướng mắc về đất đai, địa điểm. Sở có giải pháp gì để giải quyết khó khăn cho các HTX ?
° Chúng tôi vẫn đang nỗ lực giải quyết. Trong trường hợp những vướng mắc, khó khăn về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của các huyện thì sở sẽ phối hợp với UBND địa phương tìm phương thức tháo gỡ. Nếu vượt thẩm quyền giải quyết của huyện, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với đơn vị chức năng (Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính) tổng hợp, kiến nghị lãnh đạo TPHCM xem xét, giải quyết ngay trong năm 2018.

Tin cùng chuyên mục