Thu hút vốn ngoại tham gia giải quyết nợ xấu

Tại hội thảo “Gateway to Vietnam 2014” do Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức tại TPHCM ngày 11-9, thảo luận về chủ đề Ngân hàng và công cuộc tái cơ cấu, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình giải bài toán nợ xấu.
Thu hút vốn ngoại tham gia giải quyết nợ xấu

Gateway to Vietnam 2014

(SGGP).– Tại hội thảo “Gateway to Vietnam 2014” do Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức tại TPHCM ngày 11-9, thảo luận về chủ đề Ngân hàng và công cuộc tái cơ cấu, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần có những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình giải bài toán nợ xấu.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết, theo số liệu từ NHNN Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống hiện ở mức 4,17% tổng dư nợ. Tính đến tháng 8-2014, tổng nợ xấu đã được các ngân hàng xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng. Vấn đề đáng lo ngại là nợ xấu cũ chưa giải quyết xong nhưng nợ mới vẫn đang tiếp tục phát sinh và khó xử lý hơn. Nếu không giải quyết dứt điểm nợ xấu thì đây chính là điểm nghẽn làm nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Còn tồn tại nợ xấu cao thì nguy cơ bất ổn trong hệ thống ngân hàng rất lớn. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hơn tốc độ phát sinh nợ xấu mới.

Các nhà đầu tư trao đổi tại Hội nghị “Gateway to Vietnam 2014”. Ảnh: CAO THĂNG

Với câu hỏi khi nào “cục máu đông” này được giải quyết, TS Trần Du Lịch cho rằng không thể trả lời mà chỉ có thể đặt niềm tin vì từ đầu năm 2013, Chính phủ đã đặt vấn đề giải quyết nợ xấu trong tổng thể nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu của NHNN là đến hết năm 2015, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng sẽ được kéo xuống mức 3%. Cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như tập trung kích hoạt thị trường, kích hoạt tổng cầu để tháo gỡ khó khăn cho DN để DN có cơ hội đầu tư mới, kích thích tổng cầu nền kinh tế; ngân hàng tiếp tục dùng lợi nhuận trích lập dự phòng, đòi nợ, phát mãi tài sản; Chính phủ xử lý điểm nghẽn về thủ tục hành chính để xử lý tài sản; phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó phát huy hiệu quả của Công ty VAMC.

Ông Darryl James Dong, đại diện Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, nợ xấu tồn tại ở tất cả các nền kinh tế, ngay cả khi kinh tế không khó khăn thì nợ xấu vẫn tồn tại. Chính vì thế, Việt Nam không nên nghĩ giảm nợ xấu một lần là dứt điểm mà đó là cả một quá trình. Để có thể giải quyết nợ xấu thì không chỉ dựa vào Công ty VAMC mà Việt Nam cần có nhiều chính sách và giải pháp khác, trong đó cần thiết nhất là ban hành những chính sách nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình giải bài toán nợ xấu. Đây là thời điểm “vàng” để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào, tuy nhiên, Việt Nam cần có những đánh giá và chấp nhận những rủi ro liên quan.

Bàn đến cổ phần hóa DN nhà nước, tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới DN thuộc Văn phòng Chính phủ, cho biết ngày 10-9 Thủ tướng đã phê duyệt đề án cổ phần hóa của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Vietnam Airlines là một trong 4 tập đoàn/Tổng Công ty 91 sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2014 - 2015 cùng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex, Tổng Công ty Xi măng - Vicem và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục