Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm mới đạt 49,4% dự toán

Theo ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.

 

Sáng 18-7, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm.

Theo ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa lũy kế 6 tháng xấp xỉ 523.400 tỷ đồng, bằng 47,6% dự toán, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Nếu không tính các khoản thu có tính chất đặc thù (thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước…) số thu nội địa ước đạt 402.500 tỷ đồng, bằng 46,4% dự toán, tăng 13% so với cùng kỳ.

Ước tính 6 tháng đầu năm, có 45/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 50%); có 13 địa phương thu dưới 45% dự toán. Trong khi đó, thu từ xuất nhập khẩu ước đạt 146.000 tỷ đồng, bằng 51% dự toán, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Cũng theo ông Hải, năm 2018, ngành tài chính phấn đấu thu NSNN vượt 3% so với dự toán Quốc hội giao.

Về chi NSNN, 6 tháng ước đạt 649.200 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 130.000 tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, tăng 42%; chi trả nợ lãi đạt 59.300 tỷ đồng, bằng 52,7% dự toán, tăng 6%...

Từ góc độ địa phương, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, 6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt khoảng 184.000 tỷ đồng, tăng hơn 13.000 tỷ đồng về số tuyệt đối nhưng so về tỷ lệ phần trăm lại thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 (hơn 46% so với khoảng 50%). Điều đó cho thấy số thu ngân sách được giao là cao. Năm nay, theo ông Tuyến, khả năng thu NSNN chỉ đạt khoảng 98% so với chỉ tiêu được giao.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo Bộ Tài chính, nhìn chung, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm. Trong 6 tháng đầu năm mới có 8/85 doanh nghiệp theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với giá trị được phê duyệt 29.400 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty, đã thoái vốn 2.500 tỷ đồng, thu về 6.400 tỷ đồng. Lũy kế từ khi bắt đầu chủ trương cổ phần hóa đến nay, tổng số vốn nhà nước đã bán chỉ chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục