Thu phí tùy tiện, lợi bất cập hại

Từ đầu năm 2019 đến nay, cùng với chuyện cũ về việc thu phí bất hợp lý tại một số trạm BOT, nhiều nơi bỗng dưng nghĩ ra chuyện thu phí tham quan.

Hồi tháng 1-2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi có tờ trình HĐND tỉnh đề nghị thu phí tham quan huyện đảo Lý Sơn. Tháng 2-2019, tỉnh Quảng Ninh thu phí tham quan đối với người hành hương non thiêng Yên Tử lên chùa Đồng theo hướng Tây Yên Tử. Cũng trong tháng 2-2019, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chặn lối mòn, lập ki-ốt thu phí tham quan cây thông cô đơn (ở xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Mới đây, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng kiến nghị nghiên cứu, lập phương án thu phí tham quan Côn Đảo.

Phí tham quan là một loại phí dịch vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch, nhưng có những trường hợp lạm thu phí dịch vụ nhưng chẳng cung cấp được dịch vụ gì cho người dân, và người dân cũng không yêu cầu nhưng vẫn phải chịu phí. Cụ thể như thu phí tham quan cây thông cô đơn đã có sẵn trong thiên nhiên đối với du khách đến đấy để chụp ảnh; hay thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử đối với người hành hương. Tương tự, là việc đề xuất thu phí tham quan Côn Đảo, khi buộc cả với những cá nhân, tập thể chỉ ra Côn Đảo viếng nghĩa trang liệt sĩ cũng phải đóng phí.

Với danh lam thắng cảnh thiên nhiên, cũng cần hết sức cân nhắc, không thể tùy tiện thấy nơi nào có nhiều du khách đến tham quan là cho phép bán vé thu phí. Trong khai thác du lịch, luôn cần thực hiện nhuần nhuyễn phương châm “thả con tép, bắt con tôm”, nuôi dưỡng nguồn thu, tạo cảm giác thân thiện, thoải mái để giữ chân du khách. Không hay chút nào khi tùy tiện rào chắn, chặn đường đến danh lam thắng cảnh để thu phí tham quan, rất dễ gây tâm lý khó chịu, bất bình cho du khách, như bị đòi tiền “mãi lộ”.

Còn nhớ trước đây, khi chính quyền địa phương tiến hành thu phí tham quan đối với người dân viếng đền Phù Đổng (di tích quốc gia đặc biệt ở Gia Lâm, Hà Nội) liền bị dư luận phản đối. Cuối cùng chính quyền và ban quản lý di tích buộc phải bỏ việc thu phí ở đó. Một sự kiện khác rất đáng chú ý, trở thành bài học cho việc không nên nghĩ đến việc thu phí tham quan tùy tiện: tháng 10-2017, UBND TPHCM đã có công văn khẩn phê bình Giám đốc Sở Du lịch TPHCM vì đã đề xuất thu phí khách nước ngoài qua đêm. UBND TPHCM còn yêu cầu Giám đốc Sở Du lịch TPHCM phải thu hồi ngay công văn đề xuất thu phí du khách qua đêm ở TPHCM. Trước đó, Sở Du lịch TPHCM có công văn đề xuất với UBND TPHCM cho cơ chế thu mỗi du khách đến TPHCM 1 USD/đêm để tạo quỹ phát triển du lịch riêng cho TP. Thu 1 USD/du khách/đêm không phải là nhiều, nhưng việc thu phí này có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch của TPHCM.
Làm du lịch kiểu ăn xổi ở thì, tận thu phí với du khách, để rồi du khách “một đi không trở lại” và cảnh báo người khác “đừng đến đấy nhé”, là cách làm chụp giật.

Luật Phí và lệ phí quy định phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng do Bộ Tài chính quy định đối với công trình thuộc trung ương quản lý; và do HĐND cấp tỉnh quyết định đối với công trình thuộc địa phương quản lý. Khi được giao quyền quyết định các khoản thu phí tham quan đối với công trình thuộc địa phương quản lý, đòi hỏi cơ quan chức năng phải xem xét trên nguyên tắc hợp lý, đúng pháp luật, thận trọng việc huy động sức dân, cân nhắc kỹ để tránh xảy ra tình trạng “lợi bất cập hại”. Nếu thực hiện được đúng tinh thần đó thì hẳn đã không xảy ra tình trạng thu phí tùy tiện. Tiếc rằng thực tế nhiều nơi vẫn “cố đấm ăn xôi” gây bức xúc dư luận.

Tin cùng chuyên mục