Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Du lịch Quảng Bình là “viên kim cương xanh” độc nhất vô nhị

Chiều tối 26-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy xử lý rác thành điện và đất sạch cùng phân hữu cơ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà máy xử lý rác thành điện và đất sạch cùng phân hữu cơ

Tại đây, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Quảng Bình báo cáo kết quả tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 cùng một số nhiệm vụ của tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao về mọi mặt mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đạt được trong thời gian vừa qua. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù Quảng Bình đang gặp khó khăn về nhiều mặt, nhưng kết quả tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,62% là mức tăng trưởng khá tốt. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được mùa, thủy sản phục hồi, phát triển khá, sản lượng khai thác đạt 34.145 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục có nhiều  khởi sắc, lượng du khách đến đạt 1,83 triệu lượt người, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để Quảng Bình ngày càng phát triển hơn, đội ngũ lãnh đạo, các ban ngành địa phương tỉnh Quảng Bình phải hết sức đoàn kết; cùng nhau chung sức và kịp thời có những đường lối, chính sách đúng đắn nhằm xây dựng Quảng Bình ngày càng phát triển hơn nữa. Nhắc lại phát biểu trong cuộc làm việc lần trước vào năm 2017 với địa phương là “Quảng Bình cần làm nên một “làn gió Đại phong mới” về du lịch”, Thủ tướng nhấn mạnh, du lịch, dịch vụ là một động lực phát triển quan trọng của Quảng Bình. Lĩnh vực này được xem như “viên kim cương xanh” độc nhất vô nhị của Quảng Bình và sẽ tỏa sáng. Thủ tướng mong muốn tỉnh Quảng Bình cần chú ý nhiều hơn nữa đến hướng đầu tư phát triển bền vững này, qua đó giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho địa phương. Thủ tướng cũng lưu ý Quảng Bình trong quá trình phát triển cần chú ý gìn giữ, phát triển văn hóa của địa phương; nỗ lực hơn nữa trong xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ủng hộ các kiến nghị của Quảng Bình nhằm tạo điều kiện cho tỉnh phát triển, nhất là kiến nghị liên quan đến sân bay Đồng Hới nhằm kích hoạt phát triển du lịch, thu hút du khách. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải có phương án phát triển sân bay Đồng Hới mang tầm cỡ quốc tế. Theo báo cáo năm 2018, sân bay Đồng Hới sẽ đón khoảng 700.000 lượt khách, vượt công suất thiết kế hiện nay. Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất thiết kế dự kiến của Cảng hàng không Đồng Hới đến năm 2020 là 2 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 là 3 triệu hành khách/năm. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Bình kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xây dựng nhà ga mới trong năm 2018 để đến năm 2020 đưa nhà ga mới đi vào hoạt động nhằm nâng cao khả năng khai thác và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách của Cảng hàng không Đồng Hới.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã đến thăm Dự án nhà máy phân loại xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ trên địa bàn 2 xã Nam Trạch, Lý Trạch (huyện Bố Trạch). Dự án do Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng vốn 1.379 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 8-2016, đi vào hoạt động từ tháng 3 năm nay. Nhà máy có công suất phân loại và xử lý 245 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, phát điện công suất 10MW, sản xuất 10.000 tấn đất sạch cùng phân bón hữu cơ khoáng Depot-Plan/năm. 

Đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo, các chuyên gia và cán bộ công nhân viên của công ty, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dây chuyền sản xuất khi hoàn thiện và được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá đạt tiêu chuẩn về công nghệ môi trường sẽ đóng góp quan trọng vào xử lý rác thải, trở thành kinh nghiệm để nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ quan tâm và tạo mọi điều kiện để nhà máy phát triển và yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan đánh giá về tiêu chuẩn công nghệ, dây chuyền sản xuất nhà máy, từ đó công nhận những mặt tích cực và nêu ra những tồn tại cần hoàn thiện để nhà máy tiếp tục hoàn thiện, hoạt động hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục