Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải phân cấp giao quyền nhiều hơn để tạo thêm động lực phát triển

Lần này Chính phủ trình Quốc hội việc phân cấp giao quyền theo luật pháp để phù hợp hơn với tình hình phát triển đất nước. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các đô thị lớn phải khác với những tỉnh có quy mô nhỏ, chúng ta phải phân cấp giao quyền nhiều hơn để tạo thêm động lực phát triển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các đô thị lớn phải khác với những tỉnh có quy mô nhỏ, chúng ta phải phân cấp giao quyền nhiều hơn để tạo thêm động lực phát triển

Trong tuần làm việc cuối cùng, Quốc hội thảo luận và quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng. Ngay sáng thứ Hai (20-11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM. Dự kiến, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TPHCM vào chiều 24-11, ngay trước khi Quốc hội họp phiên bế mạc.

Trả lời chất vấn các ĐBQH ngày 18-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phân cấp giao quyền của chúng ta còn nhiều vấn đề cả trong luật pháp cũng như trong cụ thể. Tình trạng “ôm việc bên trên, ngại việc phía dưới” còn rất nhiều, vì vậy cần tiếp tục phân cấp giao quyền mạnh mẽ hơn, trách nhiệm cá nhân phải rõ hơn trong thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng cũng cho rằng, giải pháp đưa ra nhiều nhưng việc xử lý nghiêm sai phạm của các cá nhân đứng đầu cần kịp thời hơn, cũng như làm rõ trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc mà mình được giao. Thủ tướng khẳng định, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng, kể cả ở các bộ ngành, địa phương. “Lần này Chính phủ trình Quốc hội việc phân cấp giao quyền theo luật pháp để hệ thống chúng ta kỷ cương hơn, phù hợp hơn với tình hình phát triển đất nước. TƯ phải làm nhưng việc vĩ mô thế nào, ở cấp quận, huyện, xã làm những gì... đều phải rõ ra”, Thủ tướng nói.

Quốc hội sắp thảo luận về cơ chế, chính sách cho TPHCM phát triển. Ảnh CAO THĂNG

“Ngày 20-11, Quốc hội thảo luận về cơ chế, chính sách cho TPHCM phát triển. Các đô thị lớn phải khác với những tỉnh có quy mô nhỏ, chúng ta phải phân cấp giao quyền nhiều hơn để tạo thêm động lực phát triển”, Thủ tướng cũng khẳng định.

Cũng trong tuần làm việc cuối cùng từ ngày 20-11 đến 24-11, Quốc hội thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Do đây là nội dung quan trọng nên Quốc hội dành nhiều thời gian để thảo luận, cụ thể trọn vẹn buổi sáng 21-11 và thêm nửa buổi chiều cùng ngày. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sẽ giải trình ý kiến của đại ĐBQH về dự án Luật này. Cùng với đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; luật Luật An ninh mạng; dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Quốc phòng (sửa đổi)…

Đáng chú ý, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Thủy sản (sửa đổi);  Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Quy hoạch.

Quốc hội cũng sẽ thông qua các Nghị quyết: về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (nếu không đề cập trong Nghị quyết khác của Quốc hội); Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Chiều 24-11, Quốc hội họp phiên bế mạc sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.

Tin cùng chuyên mục